23/11/2014 10:04 GMT+7

​Sinh viên 5 tốt chọn đường lan tỏa

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Gần 100 bạn là “Sinh viên 5 tốt” các cấp của TP.HCM đã đóng góp xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội V Hội Sinh viên VN TP.HCM sáng qua 22-11.

Ngày hội “Sinh viên 5 tốt” đã được tổ chức để sinh viên TP.HCM quan tâm tìm hiểu các tiêu chí rèn luyện phấn đấu đạt danh hiệu cao quý này - Ảnh: Q.L.

Nhiệm kỳ 2015-2020 xác định duy nhất phong trào “Sinh viên 5 tốt” (học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt) và chương trình xây dựng hội vững mạnh bao trùm toàn bộ công tác hội và phong trào sinh viên toàn quốc. Các ý kiến đóng góp mong muốn “Sinh viên 5 tốt” không chỉ là đích đến của sinh viên mà còn trở thành danh hiệu có giá trị trong xã hội.

Đầu tư truyền thông

Các ý kiến đồng thuận rằng việc truyền thông cho danh hiệu cao quý nhất của sinh viên cả nước chưa tốt.

Dẫn chứng thông tin trên trang web Hội Sinh viên TP.HCM còn những văn bản từ năm 2009, Quốc Duy (ĐH Kinh tế TP.HCM) bày tỏ: “Tôi cũng không biết tìm thông tin ở đâu về các tiêu chí để hướng dẫn các bạn sinh viên khác cùng đăng ký rèn luyện theo tiêu chuẩn “Sinh viên 5 tốt”, nên khi các bạn hỏi ngược lại đạt danh hiệu sinh viên sẽ được gì cũng khó trả lời”.

Từ băn khoăn này, những “Sinh viên 5 tốt” các cấp đã hiến kế nhiều cách để phong trào lan tỏa đến đông đảo sinh viên. Sinh viên Trọng Nhân (ĐH Văn Lang) nói mỗi cán bộ Đoàn, hội phải nỗ lực trở thành “Sinh viên 5 tốt” thì khả năng vận động, tuyên truyền các bạn sinh viên rèn luyện để đạt danh hiệu này sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.

Bạn Lê Thị Hiền (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng nên lập câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” để sinh viên truyền thông đến sinh viên về danh hiệu này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Theo bạn Nguyễn Hải Dương (ĐH Tôn Đức Thắng), ngoài việc thành lập câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố có thể tổ chức chuyến xe “Sinh viên 5 tốt” đến với các trường THPT để vừa tư vấn hướng nghiệp, vừa giới thiệu về danh hiệu cao quý này ngay khi các bạn chuẩn bị vào đại học.

Suy nghĩ này cũng được nhiều bạn đồng tình khi cho rằng phải giới thiệu thật kỹ về danh hiệu với tân sinh viên để các bạn có lộ trình rèn luyện, phấn đấu suốt những năm đại học.

Bạn Đặng Thanh Hào (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nói có thể chia “Sinh viên 5 tốt” theo từng nhóm nhỏ gồm những bạn nổi trội ở một tiêu chí nào đó khi tuyên truyền cho sinh viên.

Điều này cũng là suy nghĩ của bạn Nguyễn Dương Hoàn (ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2), vì “những nhóm nhỏ này sẽ chia sẻ các điểm mạnh và kinh nghiệm phấn đấu của mình với các bạn chưa đạt danh hiệu để cùng nỗ lực”.

Dương Hoàn còn cho rằng hoàn toàn có thể đưa các thông tin liên quan về tiêu chí phấn đấu, hình ảnh và cập nhật thông tin về các sinh viên đã đạt được danh hiệu này lên trang web làm gương cho các bạn khác.

Nhìn từ góc khác, bạn Diễm Xuân (ĐH Mở TP.HCM) nói mỗi trường có thể lập câu lạc bộ tiền “Sinh viên 5 tốt”. “Câu lạc bộ này sẽ tập hợp các bạn mới đạt được hai, ba hoặc bốn trong năm tiêu chí bắt buộc cần có. Đoàn, hội tổ chức hoạt động, tạo môi trường rèn luyện, rồi bạn bè cùng chia sẻ kinh nghiệm phấn đấu, giúp nhau đạt đủ năm tiêu chí của danh hiệu” - Xuân lý giải.

Nâng giá trị danh hiệu

Có ý kiến cho rằng nên mời các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tham gia lễ vinh danh những bạn đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” vì thực tế sự ghi nhận của xã hội, trong mắt doanh nghiệp về danh hiệu này còn hạn chế.

“Có doanh nghiệp hỏi “Sinh viên 5 tốt” thì khác gì những bạn khác mà bản thân chúng tôi chưa thể trả lời được, nếu như không có Hội Sinh viên đứng ra làm cầu nối và khẳng định giá trị danh hiệu này với các doanh nghiệp” - bạn Quốc Duy (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói.

Sinh viên Quỳnh My (ĐH Mở TP.HCM) cho rằng hội sinh viên nên tổ chức các lớp bồi dưỡng, trang bị kỹ năng cho những bạn đạt danh hiệu như một cách củng cố sự tự tin, bản lĩnh cho các bạn trước khi giới thiệu đến nhà tuyển dụng.

“Hội Sinh viên thành phố có thể cấp giấy bảo đảm về danh hiệu này cho mỗi bạn để bổ sung vào hồ sơ việc làm” - My nói. Về điều này, phó chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Phạm Kiều Hưng cho rằng hội hoàn toàn có thể cấp thư giới thiệu cùng với giấy chứng nhận “Sinh viên 5 tốt” khi bạn đạt danh hiệu cấp thành phố.

“Những buổi gặp gỡ giữa “Sinh viên 5 tốt” với các doanh nghiệp có uy tín theo từng nhóm ngành phù hợp là hoàn toàn khả thi” - anh Hưng nói.

Bạn Trương Tiến (ĐH Kinh tế TP.HCM) đề nghị có thể xét tới cơ hội phát triển sau đại học cho những “Sinh viên 5 tốt”. “Chẳng hạn chúng ta chọn một vài bạn xuất sắc nhất trong số những “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu của thành phố và phần thưởng là học lên sau đại học thì chắc chắn giá trị của danh hiệu sẽ nâng lên rất nhiều” - Tiến chia sẻ.

Hay như bạn Cẩm Hằng (ĐH Tôn Đức Thắng) đề nghị có thể hình thành bản đồ “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố kèm thông tin, thành tích của mỗi bạn đạt giải và đưa lên mạng để bất cứ ai, nhà tuyển dụng nào muốn tìm kiếm cũng có thể dễ dàng tìm được. Đó cũng là cách giới thiệu rộng rãi đến xã hội giá trị của danh hiệu này.

Dẫn bước sinh viên

Song song với góp ý cho phong trào “Sinh viên 5 tốt”, các ý kiến cũng cho rằng hội sinh viên các cấp cần làm tốt hơn việc giúp sinh viên hội nhập trong xu thế chung. “Hội cần giúp sinh viên các kỹ năng cần thiết cũng như làm cầu nối liên kết với các trường đại học ngoài nước, trong khu vực để tạo cơ hội giao lưu quốc tế cho sinh viên thành phố” - bạn Thanh Nhàn (ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu ý kiến.

Cạnh đó, hội cần hỗ trợ để các sinh viên biết cách nghiên cứu khoa học, vì bạn nào cũng sẵn có tiềm năng nhưng không được khơi gợi nhiệt huyết như chia sẻ của bạn Ánh Nguyệt (ĐH Sài Gòn).

Cũng như hội nên tổ chức dạng như tour đến với các địa điểm gắn với lịch sử để giúp sinh viên hiểu hơn về truyền thống phong trào học sinh sinh viên, làm kiểu “mưa dầm thấm lâu” để các bạn hiểu sâu như đề xuất của Đặng Thanh Hào (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

 

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên