02/04/2014 04:35 GMT+7

Singapore: tiết kiệm nước kiểu cạnh tranh

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển các sáng kiến bảo tồn nước là Singapore. Là một đảo quốc thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hồ nước ngọt, đảo quốc Sư Tử này luôn tìm và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cho sự phát triển.

Đảo quốc Singapore sẽ chỉ dùng máy giặt tiết kiệm nướcLàm du lịch với hồ chứa nướcRobot “đi dạo” dưới đại dương

S6jp51C0.jpgPhóng to
Singapore đang trải qua hai tháng nóng nhất trong gần 150 năm qua, nhưng người dân vẫn tin tưởng vào các giải pháp của chính phủ. Trong ảnh: con suối khô cạn trong một công viên ngày 13-3 - Ảnh: Reuters

Giờ đây nếu hỏi bất kỳ ai trên phố ở Singapore rằng có cần phải sống theo chế độ “định mức nước” quy định mức tiêu thụ được phép hoặc thời gian được lấy nước dùng thì câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Với những gì chính phủ họ đã làm được trong thời gian qua, quá khứ chỉ được xài nước từ 21g đêm đến 8g sáng hôm sau dường như đã qua hẳn.

Nhưng kỳ thực giới chức trách của Singapore không bao giờ ngưng nghỉ với việc thực thi các giải pháp tiết kiệm nước.

Tiết kiệm kiểu cạnh tranh

Ngay từ đầu tháng 4 này, Chính phủ Singapore quy định người dân chỉ được phép mua những loại máy giặt tiết kiệm nước, đáp ứng tiêu chuẩn về cơ chế phân loại tiết kiệm nước bắt buộc (MWELS). Theo Today Online, máy giặt một dấu có thể tiết kiệm 81 lít nước cho mỗi lần giặt với trọng lượng đồ giặt 7kg. Đối với máy giặt hai hoặc ba dấu, lượng nước có thể tiết kiệm trong mỗi lần giặt là 102 lít và 112 lít. Theo đó, việc bán các máy giặt ba dấu đã tăng 17% từ 55.174 chiếc trong năm 2011 lên 79.309 trong năm 2013. Ủy ban Dịch vụ công (PUB) cũng dự định tăng mức yêu cầu tối thiểu của máy giặt toàn quốc lên hai dấu kể từ năm sau.

Chưa hết, theo trang CNA, mới đây PUB còn đưa ra sáng kiến cung cấp thông tin về hóa đơn tiền nước và số khối nước tiêu thụ trong tháng của gia đình hàng xóm cho mỗi hộ gia đình nhằm khuyến khích tinh thần cạnh tranh tiết kiệm nước. “Chúng tôi tin rằng việc cho phép khách hàng đối chiếu hóa đơn tiêu thụ nước của họ với của hàng xóm sẽ tạo ra động lực xã hội và khuyến khích bảo tồn nước” - giám đốc mạng lưới cung cấp nước của PUB là Chong Hou Chun nhận định.

Ngoài ra Chính phủ Singapore đã ban hành các quy định về việc sử dụng nước bao gồm giá nước cao, thuế bảo tồn nước, phí bảo dưỡng và vệ sinh các đường ống dẫn nước. Như vậy càng sử dụng nhiều nước thì người dân Singapore càng phải trả nhiều chi phí hơn. Đây là cách đánh vào túi tiền để cắt giảm nhu cầu sử dụng nước tại các hộ gia đình.

Trong năm 2014 với khẩu hiệu “Mỗi lần mở vòi, chỉ sử dụng những gì bạn cần”, PUB đang tập trung vào hai trong số các hoạt động sử dụng nước tại nhà là tắm và rửa chén. Nhìn chung, việc tắm và rửa chén chiếm 29% và 22% lượng nước bình quân sử dụng trong một tháng của mỗi hộ gia đình tại Singapore. Bằng cách rút ngắn thời gian sử dụng nước, người dân Singapore có thể tiết kiệm 9 lít nước mỗi phút trong việc tắm rửa và 8 lít nước mỗi phút cho việc rửa chén.

Giáo dục dài hơi

Một giải pháp khác đóng vai trò quan trọng là giáo dục ý thức cho người dân. PUB đang thực hiện bằng cách giới thiệu các sáng kiến khác nhau. Các sáng kiến đã được triển khai bao gồm giáo dục ý thức và hành động bảo tồn nước thông qua quảng cáo và các chương trình truyền hình, mở các triển lãm về bảo tồn nước và đưa ra tiêu chuẩn MWELS bên cạnh việc giáo dục cho giới trẻ, bắt đầu từ cấp tiểu học đến trung học.

Thậm chí PUB còn phát động và tổ chức các cuộc thi thiết kế bằng tranh ảnh tĩnh hoặc động với tiêu đề “Cách dùng nước của tôi” với mục đích thông qua cuộc thi kêu gọi công chúng chia sẻ cách họ áp dụng để tiết kiệm nước trong nhà.

Ban đầu Singapore phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung cấp nước từ các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Malaysia. Tuy nhiên, Singapore đang dần biến “điểm yếu chiến lược” thành “lợi thế cạnh tranh” và khẳng định khả năng tự cung tự cấp nước thông qua các biện pháp bảo tồn, tiết kiệm và tái chế.

Chính phủ Singapore đang phấn đấu để giảm bình quân lượng nước sử dụng trên đầu người xuống 140 lít vào năm 2030 bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau về cách bảo tồn nguồn nước. Theo PUB, bình quân lượng nước trên đầu người năm 2003 là 165 lít đã giảm còn 153 lít vào năm 2012.

Theo PUB, hiện nay Singapore dựa vào bốn nguồn cung cấp nước chính là hệ thống sông hồ địa phương, nước nhập khẩu từ Malaysia, nước tái chế NEWater và nước biển đã qua xử lý. Theo đó, hiện nay các địa phương sử dụng nước ngọt từ 17 hồ chứa và 27 con sông uốn quanh Singapore. Bên cạnh đó là nguồn nước nhập khẩu có hợp đồng sẽ hết hạn vào năm 2061 từ Malaysia mà hiện nay chiếm 40% tổng lượng nước tiêu dùng toàn quốc.

Biến nước vệ sinh thành phân bón

Hiện tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đang thử nghiệm hệ thống nhà vệ sinh đặc biệt cho 500 người sử dụng mỗi ngày. Đây là loại nhà vệ sinh do chính các nhà nghiên cứu của Nanyang sáng chế. Chúng có thể biến nước thải và phân thành điện và phân bón. Cách vận hành khá đơn giản: nước tiểu sẽ được tái chế thành các thành phần phân bón hữu ích, còn phân sẽ được sử dụng làm “nhiên liệu” đốt làm chạy tuôcbin phát ra điện.

Không chỉ thế, loại nhà vệ sinh này còn áp dụng kiểu nhà vệ sinh “hút chân không” trên máy bay nên tiết kiệm được 90% lượng nước dùng so với các loại thông thường. Nếu như mỗi lần giật nước người ta dùng 4-6 lít thì hệ thống tại Đại học Nanyang có thể tiết kiệm đến 160.000 lít nước mỗi năm. Nếu thử nghiệm thành công, hệ thống nhà vệ sinh này sẽ được sản xuất hàng loạt để bán ra thị trường.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên