26/06/2018 14:35 GMT+7

Singapore khuyến khích giới trẻ học nghề thay vì vào đại học

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Đã đến lúc học nghề cần phải được xem trọng như bằng cấp đại học. Nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, đang chạy đua với thời gian trước khi vấn nạn cử nhân, ông nghè thất nghiệp trở nên không kiểm soát nổi.

Singapore khuyến khích giới trẻ học nghề thay vì vào đại học - Ảnh 1.

Một nhân viên văn phòng ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Một tuần trước khi Sean Lee bắt đầu cuộc sống trong ký túc xá, anh quyết định từ bỏ trường đại học. Lee muốn theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh - một sở thích anh phát hiện sau khi hoàn thành lớp dự bị đại học.

"Tôi không giỏi môn nào hết, mọi thứ đều trung bình. Tôi phải học rất cực để đạt được điểm số, và mặc dù tôi chạy 12km mỗi ngày, tôi không thể tham gia đội điền kinh của trường. Nhưng tôi có cảm giác mình sẽ khá môn nhiếp ảnh" - Lee bày tỏ.

Vài năm tiếp theo, trực giác của Lee tỏ ra… không chính xác lắm. "Tôi không được ai thuê trong vài năm. Rồi tôi thấy bạn bè đại học của mình kiếm được công việc ngon lành. Lúc đó tôi thấy hối hận vì không học đại học" - Lee, năm nay đã 33 tuổi, nhớ lại.

Không việc làm chính thức, vất vả trong vai trò trợ lý nhiếp ảnh không lương và làm phục vụ thêm ở quán bar vào buổi tối, Lee tự mày mò với những dự án nhỏ: Chụp hình gia đình mình và những người chuyển giới ở Campuchia.

Và thật ngạc nhiên, những bức ảnh khác thường đó lại trở thành mốc son khởi đầu cho sự nghiệp của Lee. Chúng giúp anh đoạt một trong những giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhất Singapore: giải Icon De Martell Cordon Bleu vào năm 2011.

Dần dần, Lee nhận được nhiều đơn hàng chụp ảnh hơn và phát triển được một lượng khách hàng trung thành trong 7 năm qua. "Làm nhiếp ảnh gia độc lập rất cực, thu nhập không ổn định, nhưng bây giờ thì tôi hạnh phúc rồi" - Lee giờ đây rất tự tin.

Singapore khuyến khích giới trẻ học nghề thay vì vào đại học - Ảnh 2.

Công nhân theo dõi quá trình sản xuất vi mạch trong một nhà máy ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Bằng cấp là chưa đủ

Thực tế, con đường nghề nghiệp của Sean Lee không phổ biến ở Singapore, nơi số người có bằng cấp đại học trở lên đã chiếm đến 35,5% lực lượng lao động trong năm ngoái. Hồi năm 2007 con số chỉ là 23,3%.

Số lượng cử nhân, thạc sĩ tăng vọt khiến các nhà quản lý Singapore lo ngại "nguồn cung" không sớm thì muộn sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là vấn đề nhiều nền kinh tế phát triển ở châu Á phải đối mặt.

Thất nghiệp, thiếu việc làm… có thể gây ra tâm trạng bất mãn chính trị trong giới trẻ, hệ quả là đất nước mất ổn định. Vấn đề càng trở nên cấp bách trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của thời đại - ví dụ công nghệ trí tuệ nhân tạo - khiến nhiều công việc trở nên lỗi thời nhanh hơn.

Sớm nhận ra điều đó, năm 2015, Singapore khởi động chương trình quốc gia SkillsFuture, trong đó giới chức giáo dục công nhận việc thành thạo một kỹ năng nhất định (nấu ăn, lập trình…) cũng tốt như thành tích kiếm được một tấm bằng đại học.

Nhưng quan niệm trọng bằng cấp của người châu Á khó thay đổi một sớm một chiều. Thậm chí ở một nước phát triển như Singapore, đa số người dân vẫn xem việc học cao, kiếm tấm bằng rồi thăng tiến là con đường sự nghiệp đáng mơ ước nhất.

Singapore khuyến khích giới trẻ học nghề thay vì vào đại học - Ảnh 3.

Công nhân xây dựng ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng có thể không cần bằng đại học

Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung, người giám sát chương trình SkillsFuture, thừa nhận rất khó để thay đổi quan niệm trọng bằng cấp. Ông tin rằng Singapore cần phải theo đuổi mô hình nghề nghiệp đa hướng, thay vì phân chia rạch ròi giữa "học nghề" và "hàn lâm" như Hệ thống Thụy Sĩ.

Trước đây, Bộ trưởng Kung từng nổi tiếng với câu nói "rồi sẽ có một ngày, Thủ tướng Singapore có thể không phải là người có bằng đại học".

"Dù anh kiếm được bằng cấp gì, bấy nhiêu không đủ cho anh dùng cả đời. Sự thật là dù anh chọn con đường nào ở Singapore, anh đều phải học thêm kỹ năng và đạt đến sự thành thạo thông qua một quá trình lao động kéo dài cả đời.

Hãy chỉ cho tôi một nghề không đòi hỏi chút tính thẩm mỹ hoặc sự khéo léo nào? Hiện tại còn rất ít nghề như vậy. Không có cái gọi là nhà quản lý đơn thuần. Nếu anh chỉ là nhà quản lý đơn thuần, cuộc đời có lẽ khá buồn. Anh quản lý cái gì?" - Bộ trưởng Ong Ye Kung chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo South China Morning Post của Hong Kong.

Đừng đóng tâm trí bạn lại trước tất cả cánh cửa rồi nói chỉ có một con đường dẫn đến thành công là bằng cấp đại học. Chúng ta cần những bằng cấp, tiêu chuẩn khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung

Không đợi đến chương trình SkillsFuture, ngành giáo dục Singapore đã khuyến khích và thúc đẩy hoạt động rèn luyện kỹ năng cho người lao động từ năm 1998, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Một báo cáo gần đây ghi nhận số lượng người Singapore dùng khoản tín dụng 500 đôla Singapore của chương trình SkillsFuture để đi học thêm đã tăng trong năm ngoái, hơn gấp đôi so với năm 2016. Tổng cộng hơn 285.000 đã người tham gia kể từ lúc chương trình khởi động hồi tháng 1-2016.

Nhà kinh tế Chua Hak Bin thuộc Ngân hàng Maybank King Eng nhận xét quan niệm trọng bằng cấp sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi, tuy nhiên nó quả thật đang xảy ra sau nhiều nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo Singapore.

"Rốt cuộc thay đổi sẽ đến, khi nhiều tấm gương thành công xuất hiện từ những con người dám chọn cho mình con đường đi không chính thống, và khi các doanh nghiệp ưu tiên hơn cho những người có lý lịch và kinh nghiệm phong phú" - vị chuyên gia dự báo.

Dày công làm sách cổ vũ hứng thú học nghề Dày công làm sách cổ vũ hứng thú học nghề Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ Thành tỉ phú nhờ học nghề sớm Thành tỉ phú nhờ học nghề sớm
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên