26/12/2017 09:55 GMT+7

Chuyện khó tin về nền giáo dục Trung Quốc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hướng đến xã hội phát triển hài hòa; người dân Trung quốc tự hào trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nền tảng giáo dục của Trung Quốc có vẻ chưa vững chắc.

Chuyện khó tin về nền giáo dục Trung Quốc - Ảnh 1.

Học trò vùng sâu vùng xa của Trung Quốc - Ảnh: AFP

Áp lực công việc, lương thấp và điều kiện khó khăn là trong số những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên và tình nguyện viên Trung Quốc ngán ngẩm chuyện dạy học ở các vùng sâu vùng xa.

Tại một ngôi làng xa xôi ở một vùng cao thuộc huyện Bảo Tĩnh, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, cô giáo Li Wei đã theo dạy cho các học sinh tiểu học được 6 năm qua kể từ khi làm tình nguyện viên tại đây.

Mỗi ngày, cô giáo Li dạy các môn như toán và âm nhạc cho các con em địa phương tại một ngôi trường nơi chỉ có 34 học sinh và tổng cộng chỉ 3 lớp.

Chạy sô lương bèo

Ngôi trường chỉ có vỏn vẹn 4 giáo viên, gồm 1 giáo viên địa phương và 3 tình nguyện viên. Ngoài dạy học, các giáo viên còn phải chuẩn bị bữa trưa cho các học sinh. Những ngày cuối tuần, họ phải thuê xe đi 90 phút để tới thị trấn gần nhất mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm thường ngày.

Li tâm sự công việc của cô tại đây khá mệt mỏi và cuộc sống cũng nhạt nhẽo, không có các hoạt động văn hóa hay giải trí.

Mọi thứ gần như khác với quê nhà của cô - thành phố Tô Châu giàu có ở tỉnh Giang Tô: Không có nước cung cấp đều đặn, không máy điều hòa hay quạt điện và ngôi làng chỉ mới được kết nối Internet trong năm nay.

Khi ở tuổi tứ tuần, cô Li từng là một viên chức nhà nước. Nay trong vai trò một tình nguyện viên, hàng tháng cô chỉ nhận được một khoản trợ cấp 600 nhân dân tệ (tương đương 90 USD) mặc dù công việc vất vả mỗi ngày.

Cô giáo Li là một trong số hàng trăm ngàn giáo viên tình nguyện trên khắp Trung Quốc đã từ bỏ công việc và cuộc sống thoải mái ở các thành phố để đóng góp cho nền giáo dục tại nông thôn.

Họ được nhà nước và các tổ chức phi chính phủ xem là một lực lượng quan trọng giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tình trạng này vẫn chưa cải thiện mấy trong 20 năm qua mặc dù nỗ lực của các cơ quan hữu trách.

Chuyện khó tin về nền giáo dục Trung Quốc - Ảnh 2.

Một giáo viên tình nguyện dạy học cho các học sinh tại một ngôi trường ở huyện Bảo Tĩnh - Ảnh chụp màn hình SCMP

Hãng thông tấn Tân Văn xã của Trung Quốc cho biết trong giai đoạn 2010-2013, số lượng giáo viên ở các vùng nông thôn đã giảm đáng kể từ 4,73 triệu xuống còn 3,3 triệu giáo viên.

Cách đây 2 năm, Quốc vụ viện Trung Quốc từng công bố Kế hoạch hỗ trợ giáo viên nông thôn (RTSP) nhằm xây dựng một đội ngũ giáo viên phục vụ tại các khu vực này.

Quốc vụ viện Trung Quốc nêu rõ: "Vì các yếu tố như chênh lệch phát triển giữa các khu vực thành thị và nông thôn, hệ thống giao thông bất lợi và trang thiết bị nghèo nàn ở các trường nông thôn, công việc giảng dạy tại các vùng này vẫn còn chưa hấp dẫn. Do đó, kế hoạch này nhằm thu hút người tài tới dạy tại các trường nông thôn".

Kế hoạch trên đã liệt kê các biện pháp toàn diện để tuyển dụng, giữ lại các giáo viên nông thôn và yêu cầu chính quyền địa phương tài trợ cho các sinh viên đại học sư phạm cam kết đến dạy tại các ngôi làng xa xôi sau khi tốt nghiệp đại học.

Kế hoạch nói rằng mức lương của các giáo viên nông thôn cần được nâng, đồng thời đề xuất thêm nhiều hợp đồng dài hạn.

Đau đầu tìm giải pháp

Tuy nhiên, giáo sư Yang Dong Ping đến từ Viện Công nghệ Bắc Kinh thừa nhận mặc dù chính phủ đã xúc tiến nhiều biện pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở các vùng sâu vùng xa cũng không cải thiện mấy trong những năm qua.

"Thật sự không có nhiều hợp đồng dài hạn cho các giáo viên nông thôn. Nhiều giáo viên nông thôn chỉ được thuê tạm thời, khiến công việc này ít thu hút đối với người trẻ" - ông Yang nói.

Giáo sư Yang đánh giá các giáo viên ký hợp đồng tạm thời và lực lượng tình nguyện viên chỉ là một giải pháp dùng cho ngắn hạn.

Chuyện khó tin về nền giáo dục Trung Quốc - Ảnh 3.

Các học sinh tại một trường tiểu học ở huyện Bảo Tĩnh, tỉnh Hồ Nam dự lễ chào cờ đầu tuần - Ảnh chụp màn hình SCMP

Trong vài năm qua, nhiều khu vực Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Cát Lâm và Hồ Nam còn tổ chức đào tạo giáo viên miễn phí tại các trường đại học sư phạm với điều kiện họ phải đồng ý đến công tác ở các vùng nông thôn sau tốt nghiệp.

Họ được yêu cầu phải giảng dạy trong một khu vực nông thôn được chỉ định từ 5-8 năm sau tốt nghiệp. Những ai vi phạm thỏa thuận sẽ phải hoàn trả toàn bộ học phí cùng một mức tiền phạt.

Điển hình tại Đại học sư phạm thứ nhất Hồ Nam, nhà trường đã đẩy mạnh một chương trình do nhà nước tài trợ, theo đó sẽ tiến hành tuyển  chọn các học sinh mới tốt nghiệp trung học khoảng độ 15-16 tuổi đem đi đào tạo miễn phí trong vòng 5 năm.

"Thật hoan nghênh khi có đến 97% các sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi công tác tại các vùng nông thôn, với số đông làm việc ở những ngôi làng xa xôi" - báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời hiệu trưởng trường Đại học sư phạm thứ nhất Hồ Nam Tong Xiao Jiao.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Li Lei tại tổ chức giáo dục Angel Education ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam cho biết nhiều sinh viên tốt nghiệp khác không muốn công tác tại các khu vực nông thôn sau tốt nghiệp và họ không thực hiện đầy đủ các điều khoản đưa ra trong thỏa thuận ban đầu.

Về lực lượng tình nguyện viên, ông cho biết việc săn tìm tình nguyện viên hiện cũng trở nên khó khăn hơn trong vài năm qua. "Đó là bởi tư tưởng thắng thế trong xã hội cho rằng người trẻ cần theo đuổi một công việc lương cao" - ông Li đưa ra nhận định.

Chuyện khó tin về nền giáo dục Trung Quốc - Ảnh 4.

Các học sinh Trung Quốc chơi bóng bàn tại một trường tiểu học ở Bách Sắc, một khu vực đồi núi thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Ảnh: AFP

Các học sinh cần thời gian để quen dần các giáo viên nhưng sau đó các giáo viên lại rời đi và giáo viên mới tiếp tục đổ tới. Tôi cho rằng điều đó tác động không tốt tới các học sinh"

Cô giáo Li Wei

Trong nhiều trường hợp, nhiều người đăng ký làm giáo viên tình nguyện tại các vùng nông thôn nhưng cuối cùng vì gia đình phản đối, họ phải dừng lại kế hoạch. Cô giáo Li Wei cho biết những tình nguyện viên như cô hiếm khi trụ nổi hơn 2 năm. 

Giáo sư Yang Dong Ping đến từ Viện Công nghệ Bắc Kinh thừa nhận các tình nguyện viên hiện giữ vai trò tích cực trong việc lấp đầy những chỗ khuyết trong công tác giảng dạy tại nông thôn . Tuy nhiên, chính phủ không nên đẩy đùng trách nhiệm lên họ.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên