01/05/2018 07:54 GMT+7

Cải cách giáo dục Pháp bị giáo viên phản ứng vì 'rập khuôn'

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Bộ Giáo dục Pháp vừa ban hành bốn thông tư hướng dẫn dạy toán, tập đọc và ngữ pháp cho giáo viên tiểu học. Giáo chức Pháp đã phản ứng gay gắt với kiểu dạy học rập khuôn như thế.

Cải cách giáo dục Pháp bị giáo viên phản ứng vì rập khuôn - Ảnh 1.

Ngày 27-3-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai từ phải sang) và Bộ trưởng Jean-Michel Blanquer (phải) đến thăm trường Emelie ở quận 19 thủ đô Paris - Ảnh: BFMTV

Ngoài bốn thông tư, Bộ Giáo dục còn ban hành tập sách hướng dẫn "Về dạy đọc và viết ở lớp vỡ lòng" dày 130 trang.

Chỉ sử dụng một loại sách giáo khoa

Bốn thông tư của Bộ Giáo dục như sau:  

Một là trở về với phương pháp đánh vần theo âm tiết (khác với phương pháp tổng quát là dạy nhận biết một từ trước khi phân tích từng chữ). Ưu tiên rèn luyện đọc kết hợp với viết và nói.

Học sinh phải biết phân biệt âm tiết và sử dụng riêng các âm tiết. Học sinh phải tập đọc bài ngày càng dài hơn và làm quen với đọc sách (mỗi năm đọc từ 5-10 cuốn sách). Chỉ sử dụng một loại sách giáo khoa tập đọc.

Hai là dạy rõ ràng ngữ pháp và từ vựng. Mục đích nhằm rèn luyện cho học sinh tự học, học nhóm và viết đúng chính tả. Phân chia giờ dạy dành cho bài tập riêng, bài tập theo nhóm và viết chính tả. Mỗi ngày viết một bài chính tả và làm hai bài tập viết 15 phút. Sử dụng tập kẻ ô ly lớn. 

Ba là rèn luyện cho học sinh biết tự động tính toán. Học sinh phải thuộc lòng bảng cửu chương. Mỗi ngày học sinh có 15 phút tập tính nhẩm. Học sinh mẫu giáo phải học đếm đến 30.

Bốn là giải toán tập thể. Học sinh phải hiểu bài toán, đưa ra các giả thiết và trao đổi với giáo viên về đáp số đúng. Mục đích để học sinh tin tưởng vào khả năng phản xạ của mình. 

Tự do sư phạm là một phương tiện nhưng mục đích cuối cùng vẫn là thành công của mọi học sinh”

Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer

Cải cách giáo dục Pháp bị giáo viên phản ứng vì rập khuôn - Ảnh 3.

Bộ Giáo dục yêu cầu giáo viên tiểu học phải ưu tiên rèn luyện cho học sinh kỹ năng đọc - Ảnh: LA VOIX DU NORD

Tự do sư phạm không phải là vô chính phủ

Bộ Giáo dục Pháp nóng lòng ban hành bốn thông tư nêu trên bởi chương trình "Tiến bộ trong năng lực đọc viết quốc tế" (PIRLS) của Hiệp hội quốc tế về thẩm định thành quả giáo dục (Mỹ) công bố đầu tháng 12-2017 đánh giá học sinh Pháp quá kém.  

So với năm 2001 là năm bắt đầu thực hiện chương trình PIRLS, chỉ có Pháp và Hà Lan là hai trong 50 quốc gia mất điểm. Riêng Pháp giảm 14 điểm trong 15 năm. Nguyên nhân do học sinh đọc hiểu ý nghĩa từ ngữ ngày càng kém. 

Còn theo điều tra của Bộ Giáo dục Pháp, 40% học sinh lớp cuối cấp tiểu học không đạt yêu cầu về đọc.

Tại Pháp, giáo viên có quyền tự do sư phạm. Theo điều tra năm 2016 đối với giáo viên dạy học từ 15 năm trở lên, phần lớn dựa theo khoảng 30 phương pháp khác nhau để soạn bài tùy theo trình độ của lớp.

Vậy phải chăng giáo viên nào cũng phải dạy học theo bốn thông tư vừa ban hành? Bộ trưởng Jean-Michel Blanquer nhấn mạnh: "Tự do sư phạm không có nghĩa là vô chính phủ về sư phạm".

Ông giải thích mục đích ban hành các thông tư nhằm tạo nền tảng chung cho mọi giáo viên tiểu học trong dạy toán, tập đọc và ngữ pháp tốt hơn, từ đó học sinh học hiệu quả hơn. Ông khẳng định mục đích của Bộ không phải là yêu cầu các giáo viên cùng dạy theo cách như nhau mà là thiết lập một hệ quy chiếu chung. 

"Không có một mẫu học sinh duy nhất, vậy nên không thể có một công thức kỳ diệu chung áp dụng cho mọi học sinh cấp tiểu học"

Ông Francette Popineau, đồng tổng thư ký Công đoàn quốc gia hợp nhất giáo viên các cấp

Cải cách giáo dục Pháp bị giáo viên phản ứng vì rập khuôn - Ảnh 5.

Ngày 26-7-2017, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer đến thăm các học sinh trường Paul Claudel ở Tourcoing - Ảnh: AFP

Các công đoàn ngành giáo dục phẫn nộ

Ngay sau khi Bộ Giáo dục ban hành bốn thông tư nêu trên, các công đoàn ngành giáo dục đã phản ứng gay gắt. 

Ông Xavier Suelvès phụ trách tiểu học của Công đoàn Các giáo viên thuộc Liên đoàn tự chủ quốc gia Pháp (SE-UNSA) chỉ trích các thông tư ấy chỉ nhằm mục đích chính trị chứ không phải sư phạm.

Ông Francette Popineau, đồng tổng thư ký Công đoàn quốc gia hợp nhất giáo viên các cấp, tố cáo Bộ trưởng Jean-Michel Blanquer đã lạm dụng quyền hạn, kiêu ngạo thái quá khi tự xem mình là nhà sư phạm vĩ đại và xem thường giáo viên.

Các công đoàn giáo viên đánh giá tập hướng dẫn dày 130 trang không có giá trị bởi Bộ Giáo dục vẫn không giải quyết căn cơ vấn nạn giáo dục như không coi trọng phương pháp đào tạo liên tục như các nước khác, thiếu giáo viên vùng nông thôn, niên học quá ngắn trong khi ngày học quá dài, không chú trọng khôi phục giá trị nghề giáo.

Học sinh Pháp đọc kém

Ngày 5-12-2017, theo thông lệ 5 năm đánh giá một lần, PIRLS đã công bố kết quả đánh giá năm 2016 đối với học sinh của 50 quốc gia học năm thứ tư của chương trình học bắt buộc.

Học sinh Pháp đứng hạng 34 với 511 điểm, cao hơn điểm bình quân quốc tế (500 điểm) một tí. Pháp xếp hạng hơn các nước như Chile, Malta, Morocco, Ai Cập nhưng kém hơn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Anh, Mỹ.

Tại Nga và Singapore là hai nước đứng đầu bảng xếp hạng, 25% học sinh đạt điểm đọc ở mức cao trong khi chỉ có 4% học sinh ở Pháp đạt được mức này.

Pháp giảm độ tuổi trẻ đi học từ 6 xuống 3 Pháp giảm độ tuổi trẻ đi học từ 6 xuống 3

TTO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố chính sách cải cách giáo dục mới, theo đó trẻ em nước này sẽ bắt đầu đến trường từ năm 3 tuổi thay vì 6 tuổi như trước.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên