03/09/2018 21:42 GMT+7

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây

HÀ THANH - NAM TRẦN
HÀ THANH - NAM TRẦN

TTO - Nằm dưới ngay chân núi Sơn Bạc Mây, huyện Phong Thổ, Lai Châu có một bản người Mông không uống rượu, không khói thuốc, không cờ bạc, đường làng sạch bong...

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 1.

Chợ ở bản Sin Suối Hồ. Ở bản này từ trong nhà, ngoài đường hay ở chợ đều sạch sẽ nhờ người dân có ý thức giữ gìn môi trường - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, nằm cheo leo trên đỉnh núi Sơn Bạc Mây cao hơn 1.400m, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km.

Đường vào bản mùa này thơ mộng với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, bạt ngàn sắc hoa địa lan, du khách có thể tham quan thác trái tim hay trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi, ghé chợ phiên vào thứ bảy hằng tuần. 

Du khách đến đây đều thích thú với khí hậu trong lành, mát mẻ ở bản.

Chúng mình không hút thuốc, không uống rượu đâu. Thấy người khác hút thuốc thì mình không thích đâu, thấy người khác uống rượu là mình chê ngay

Anh SÙNG A PHÙA (người dân trong bản)

Từ bản ma túy đến bản du lịch

Bản có 123 hộ dân. Đáng nói là trước đó có rất nhiều người lớn trong bản nghiện thuốc phiện, nhẹ thì cũng hút thuốc lào, rượu chè say sưa...

"Không bao giờ làm được chuyện đó đâu!" - ông Vàng A Chỉnh, 43 tuổi, trưởng bản Sin Suối Hồ, nhớ lại những lần thuyết phục bà con dân bản cùng làm mô hình du lịch cộng đồng, ai ai trong bản cũng quả quyết sẽ không bao giờ làm được. Ở bản thường xảy ra trộm cắp và tệ nạn xã hội.

"Tưởng chừng bản làng này sẽ bị tuyệt chủng, người nghiện không bao giờ cai được, bản không còn tương lai nữa..." - anh Hảng A Xà, một trong những người cùng trưởng bản Chỉnh tiên phong trong công cuộc đổi mới bản làng, trải lòng. 

Bắt đầu từ năm 1995-2005, cả hai là những người tiên phong vận động người dân cai nghiện. Đến năm 2014, bản Sin Suối Hồ thành công, không còn ai ở bản nghiện hút.

Cai nghiện được rồi, làm thế nào để dân mình thoát khỏi cái nghèo đói bủa vây bao nhiêu đời nay? Bà con ở bản Sin Suối Hồ với 100% đồng bào dân tộc Mông xưa nay chỉ quanh quẩn bên nương ngô, ruộng lúa. 

Trưởng bản Chỉnh nói việc đầu tiên là phải bắt tay vào tu sửa nếp nhà mình cho sạch sẽ, tươm tất. 

Tu sửa nhà xong, anh Chỉnh tiếp tục sửa sang trước cửa nhà, rồi anh thông báo cho tất cả anh em bản làng cùng chung tay sửa sang lại tất cả khu vực đất đai, nhà cửa của bản, sửa hết từ cổng chào cho đến đường bản.

Rồi tiếp tục vận động nhà ai có điều kiện thì làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà không có điều kiện thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau cung cấp thực phẩm. Mỗi nhà mỗi người mỗi việc, cả bản cùng chung tay làm.

Tiếng lành đồn xa, dù không có quảng cáo rầm rộ nhưng du khách từ khắp nơi đều tìm đến bản Sin Suối Hồ. Người này đến thấy đẹp rồi mách cho người kia. Đến nơi rồi, không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, hòa mình vào thiên nhiên, du khách còn trầm trồ với bản "5 không".

Trưởng bản Vàng A Chỉnh nói về "5 không": không ai hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi. 

Ở chợ phiên ngày thứ bảy, không có cảnh đàn ông dân tộc Mông say rượu ngồi ngủ quên ở đường, ở chợ không được phép buôn bán rượu, không bán thuốc lá, thuốc lào.

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 3.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người tiên phong khi mạnh dạn, quyết tâm thay đổi thói quen lạc hậu của đồng bào người Mông nơi đây để giúp bản phát triển nhờ làm du lịch cộng đồng, mở homestay và trồng địa lan - Ảnh: NAM TRẦN

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 4.

Khắp nơi trong bản làng Sin Suối Hồ, từ trong nhà, ngoài đường cho tới chợ đều sạch sẽ, ngăn lắp và bày trí rất đẹp mắt để thu hút khách du lịch - Ảnh: NAM TRẦN

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 5.

Vợ chồng anh Vàng A Hòa bán phở tại chợ Sin Suối Hồ chỉ dùng giỏ tre thay vì túi nilông - Ảnh: N.TRẦN

Chặng đường gian nan

Trưởng bản Chỉnh cho biết thời điểm khách du lịch đến bản đông nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. 

Nhờ mở cửa đón du khách và phát triển giống địa lan địa phương, mỗi hộ dân ở đây đều có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Có hộ vừa làm homestay vừa trồng địa lan thu về 200 - 300 triệu đồng/năm. Như nhà trưởng bản Chỉnh thì thu được khoảng 250 triệu đồng/năm.

Nhưng để có được như ngày hôm nay, những người tiên phong ở bản nói đó là cả chặng đường gian nan.

Nhớ lại những ngày đầu tiên bắt tay vào vận động bà con cùng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, trưởng bản Chỉnh tâm sự khó khăn nhất là thay đổi tư duy của đồng bào Mông ở vùng này. 

Khi vận động bà con làm con đường, một số hộ dân phản đối: "Chúng tao đi đường đất mấy đời người không chết, tự dưng đi làm đường bêtông để làm gì? Ai muốn làm thì làm, chúng tao không làm".

Hay chuyện nhốt lợn vào chuồng, không thả rông nữa, mọi người cũng nói: "Lợn chúng tao thả rông mấy đời người, bây giờ chính quyền xã, huyện, tỉnh còn không dám bắt chúng tao nhốt, mà mấy người bắt chúng tao nhốt lợn. Khi nào chúng mày nhốt được vợ chồng tao mới nhốt được lợn của chúng tao!".

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 6.

Ngoài thời gian đi nương, làm ăn, đàn ông trong bản đều dành thời gian cùng vợ chăm sóc con cái - Ảnh: NAM TRẦN

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 7.

Phụ nữ Mông ở Sin Suối Hồ tự may vá, trồng trọt tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng để trao đổi mua bán - Ảnh: NAM TRẦN

"Ai cũng lắc đầu bảo không làm được. Nhưng mình bảo là con người thì không có gì không thể làm được, cái gì mình cũng làm được hết. Muốn làm được việc thì trưởng bản là người có uy tín phải làm trước, làm để cho người ta thấy, người ta hiểu thì người ta mới làm. 

Nếu mình gương mẫu sau này bà con thấy mình làm được sẽ ủng hộ, khi đó làm cái gì cũng được" - trưởng bản Vàng A Chỉnh tâm sự.

Một trong những khó khăn lớn nữa là địa hình vùng núi ở đây xa xôi, hiểm trở, chỉ tính riêng tiền nguyên vật liệu chở lên đến bản cũng có giá tăng gấp 3 - 4 lần, nếu 1m3 cát ở dưới xuôi có giá 100.000 đồng thì lên đến bản Sin Suối Hồ bán với giá 400.000 đồng.

Chưa kể, cả trưởng bản Chỉnh, anh Xà hay những người tiên phong ở bản đều không được đi học, không có kinh nghiệm trong làm du lịch cộng đồng. Như trưởng bản chỉ học lớp xóa mù chữ, còn Hảng A Xà chỉ học hết lớp 5. 

"Dù không có kinh nghiệm nhưng anh em chúng tôi bắt tay vào làm theo con đường khác, tất cả anh em vừa khảo sát vừa làm" - anh Xà chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở bản, từ cổng làng, chợ phiên, sân khấu đến những nếp nhà đều do dân bản tự thiết kế và tự làm hết.

Từ năm 2015 đến nay, bản Sin Suối Hồ đã thay da đổi thịt. 

Trước đây bản nghèo lắm, đến cái ăn cái mặc còn không đủ, nuôi con lợn, con gà, có thóc lúa cũng không bán được. Nhưng từ ngày phát triển du lịch, đường vào bản luôn sạch sẽ, buôn bán thuận lợi khiến cuộc sống bà con thay đổi rất nhiều.

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 8.

Các giỏ đựng rác đan bằng tre với dòng chữ "Tôi xin rác" được người dân tự làm để thu gom rác hàng ngày - Ảnh: NAM TRẦN

Sin Suối Hồ - bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây - Ảnh 9.

Người dân trong bản xem một họa sĩ vẽ tranh về cuộc sống trong bản - Ảnh: NAM TRẦN

Làm kinh tế từ giống địa lan bản địa

Trong một lần lên rừng kiếm củi, trưởng bản Chỉnh tình cờ thấy địa lan rừng đẹp quá nên mang về trồng chơi.

Anh tách thành nhánh và chăm sóc, không ngờ du khách đến chơi thấy hoa lan đẹp nên mua. Ban đầu chỉ vài chục ngàn đồng/nhánh, về sau bán vài trăm ngàn đồng rồi cả triệu đồng/chậu lan.

Nhận thấy giống địa lan cho hiệu quả kinh tế cao, trưởng bản vận động bà con cùng ươm trồng và làm kinh tế từ địa lan.

Không sử dụng túi nilông

ban mong sin suoi ho_5

Sin Suối Hồ đang tiến tới thành một bản không túi nilông, mọi vật dụng dùng để đựng đồ đạc hay đi chợ đều được làm bằng tre - Ảnh: NAM TRẦN

Không chỉ thế, để tạo dấu ấn riêng, ở khu chợ phiên, gian hàng bán bún, phở của vợ chồng anh Vàng A Hòa (24 tuổi) sử dụng đồ tre nứa, giỏ đựng rác bằng tre. Anh Hòa nói sau này sẽ đầu tư thêm một gian hàng để thay thế dần các đồ nhựa.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết đang triển khai cho bà con hướng đến việc không sử dụng túi nilông, thay vào đó là làm ra các giỏ, ống bằng tre hay đơn giản mua bán hàng hóa tại bản được gói bằng lá chuối.

"Làm luôn thì không thể được, nhưng mình phải triển khai dần. Mình nói với bà con nếu sử dụng túi nilông nhiều quá thì hủy hoại môi trường, sau này có thể ung thư" - anh Chỉnh chia sẻ.

HÀ THANH - NAM TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên