24/06/2019 17:00 GMT+7

SiHub hướng tới trở thành trung tâm giao dịch công nghệ giữa Việt Nam và khu vực

V.C
V.C

Kết nối cung cầu công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp sinh học giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã bước sang giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn khi hàng loạt ký kết vừa được thực hiện với sự hỗ trợ của SiHub.

SiHub hướng tới trở thành trung tâm giao dịch công nghệ giữa Việt Nam và khu vực - Ảnh 1.

CBF ký kết hợp tác để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chiết xuất dược liệu từ củ hành tím với Sở KHCN Sóc Trăng; cây đinh lăng với Sở KHCN Cần Thơ.

Ngày 18-6, hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các Sở KHCN các tỉnh thành phía Nam; các nhà khoa học, lãnh đạo của các viện nghiên cứu, các trường đại học; đại diện quỹ đầu tư VietCapital, các bệnh viện lớn: bệnh viện Hoàn Mỹ, Mỹ Đức…, các doanh nghiệp lớn như: công ty dược phẩm Roche Parma Vietnam… đã tham dự hội thảo: "Kết nối nhu cầu công nghệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp sinh học" do Saigon Innovation Hub (SiHub) phối hợp với Cơ quan phát triển Công nghiệp sinh học Chuncheon - CBF (Hàn Quốc) tổ chức.

Thu hẹp khoảng cách giữa hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) với nhu cầu thị trường

Trong chương trình, với sự kết nối của SiHub, đại diện lãnh đạo Sở KHCN TP Cần Thơ và Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng đã ký biên bản hợp tác với CBF về việc đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để giải quyết nhu cầu của các địa phương trong việc phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nguồn nguyên liệu chủ lực bản địa, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu và nhu cầu thị trường trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Hội thảo là cơ hội để các Sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng khoa học của Việt Nam chia sẻ nhu cầu công nghệ, lựa chọn những công nghệ phù hợp. Các giải pháp công nghệ của 6 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia chương trình đều phù hợp với thị trường Việt Nam như: bột chăm sóc răng miệng có thể ăn được, giải pháp giảm triệu chứng buồn nôn, chống say khi uống nhiều rượu bia; công nghệ sản xuất các nguyên liệu tự nhiên khác nhau ứng dụng vào phát triển các mỹ phẩm sinh học an toàn; công nghệ nuôi cấy vi sinh vật, cung cấp vi sinh vật hữu ích cho các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, môi trường...

Hội thảo cũng giúp các đại biểu có cơ hội tiếp cận gần hơn phương thức tư duy về quy hoạch vùng trong phát triển kinh tế địa phương của Chính phủ Hàn Quốc thông qua sự hình thành và phát triển của CBF; mô hình và quy trình CBF đang thực hiện để hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển từ các trường, viện, các công ty khởi nghiệp qua 4 bước: phát hiện công nghệ, ươm tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, và cuối cùng là tiến đến vốn hóa trên thị trường tài chính đại chúng.

SiHub hướng tới trở thành trung tâm giao dịch công nghệ giữa Việt Nam và khu vực - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đang tìm hiểu những sản phẩm chăm sóc sức khỏe được phát triển từ các nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Khi được hỏi: "Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển các giải pháp công nghệ sinh học như Hàn Quốc?", ông Yong - Jo Ahn, Giám đốc ban hỗ trợ doanh nghiệp của CBF, chia sẻ: "Các giải pháp công nghệ của 6 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu phức hợp phát triển công nghiệp sinh học ChunCheon tham dự hội thảo đều được nghiên cứu để giải quyết từng nhu cầu thực tế. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ở thời đại này, không có bất cứ một bí mật công nghệ nữa, nhưng để biến một giải pháp nghiên cứu thành sản phẩm, trước tiên bạn phải hiểu nhu cầu thị trường. Sau đó phải tận dụng tốt các chính sách, các ưu đãi của Chính phủ và phải biết liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để tận dụng thế mạnh của nhau."

Giao dịch công nghệ giữa Việt Nam và khu vực

Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản về việc ủy quyền thương mại hóa sản phẩm và kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học và đại diện các trường đại học với SiHub. Theo đó, đơn vị sẽ cung cấp các sự hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy hiệu quả việc thương mại hóa các thành quả nghiên cứu khoa học của các cá nhân và tổ chức này.

SiHub hướng tới trở thành trung tâm giao dịch công nghệ giữa Việt Nam và khu vực - Ảnh 3.

SiHub nhận ủy quyền của các nhà nghiên cứu Việt Nam để thúc đẩy quá trình thương mại hóa những nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của các nhà khoa học.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SiHub, cho biết: "Với việc kết nối cung cầu hai chiều giữa các doanh nghiệp đang hoạt động tại CBF với các tỉnh thành, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng khoa học tại Việt Nam, đơn vị đang nỗ lực để trở thành trung tâm giao dịch công nghệ của Việt Nam và khu vực. Sau sự kiện này, đơn vị sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ Việt Nam, đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần đưa sản phẩm công nghệ của Việt Nam hội nhập toàn cầu."

Tính đến tháng 5-2019, đơn vị này đã và đang hợp tác chuyển giao thành công hơn 13 công nghệ: công nghệ xử lý rác thải, công nghệ IoT trong nông nghiệp… từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc.

CBF là Cơ quan phát triển công nghệ sinh học có trụ sở tại thành phố Chuncheon, là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc được chỉ định là thành phố thí điểm để nuôi dưỡng ngành công nghiệp sinh học và hỗ trợ toàn diện cho các công ty trong lãnh vực công nghệ sinh học của Hàn Quốc.

Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tìm kiếm hoặc chuyển giao công nghệ với các công ty thuộc CBF có thể gửi email về địa chỉ haminh@sihub.gov.vn

V.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên