17/07/2019 20:08 GMT+7

'Siêu ủy ban' phải giúp doanh nghiệp nhà nước 'chớp thời cơ'

L.THANH
L.THANH

TTO - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần trả lời nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến; không thể là gánh nặng mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa.

Siêu ủy ban phải giúp doanh nghiệp nhà nước chớp thời cơ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 17-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban) sau 10 tháng đi vào hoạt động.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban phải phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc, khó khăn của các tập đòa, tổng công ty đã được chuyển giao về. Bởi việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động.

Do đó, Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Hiện nay, Chính phủ chỉ có nghị định riêng đối với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel…, còn phần lớn chưa có.

Trong bối cảnh đang hoàn thiện pháp luật thì sự năng động, trách nhiệm của Ủy ban phải lớn hơn để tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỉ đồng, Thủ tướng đánh giá không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách Nhà nước.

Hiện các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%, nộp ngân sách tăng trên 31%.

Về nhiệm vụ của Ủy ban thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện, khắc phục vướng mắc, bất cập kéo dài đối với các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty bàn giao.

Phải xây dựng được mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt lưu ý việc kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được hoặc là các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm.

Ủy ban cần kịp thời hơn trong phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty, khẩn trương xử lý với các đề nghị của các tập đoàn, tổng công ty trình Ủy ban; hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn niêm yết trên thị trường chứng khoán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa.

Trong kinh tế thị trường, Thủ tướng lưu ý rằng thời cơ là quan trọng. Do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến. Mặt khác, các bộ ngành cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đề nghị của Ủy ban.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nhấn mạnh các tập đoàn, tổng công ty cần có bộ phận nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu thị trường, quản lý dự án, tránh tình trạng "nóng đâu phủi đấy", không có chiến lược phát triển, tầm nhìn hay lúng túng trong quản trị dự án.

Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục tham gia một số chương trình quốc gia như xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, thanh toán điện tử hay một số việc khác mà chính phủ yêu cầu. Đặc biệt là chống tham nhũng, lợi ích nhóm, sân trước, sân sau.

Chuyển giao 12 dự án thua lỗ về Chuyển giao 12 dự án thua lỗ về 'siêu ủy ban': Nhiệm vụ rất nặng nề

TTO - Sáng 9-7, Bộ Công thương tổ chức họp bàn giao nhiệm vụ thường trực và tổ giúp việc Ban chỉ đạo xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên