27/11/2019 13:26 GMT+7

Siêu thị 'thầu' vỏ hộp giấy thải của người dùng để tái chế

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Vỏ hộp giấy đựng đồ uống sau khi sử dụng người tiêu dùng có thể mang đến bốn trung tâm thương mại của Lotte ở TP.HCM để thu gom và tái chế. Dự án được thực hiện theo chương trình "Một giây hành động - Bảo vệ môi trường" do Tetra Pak phát động.

Siêu thị thầu vỏ hộp giấy thải của người dùng để tái chế - Ảnh 1.

Theo các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế được, phân loại rác thải loại đúng cách sẽ góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế tuần hoàn - Ảnh: T.V.N

Phát biểu tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 chương trình "Một giây hành động - Bảo vệ môi trường" do Tetra Pak (Thụy Điển) - công ty chuyên về các giải pháp chế biến và dóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới - tổ chức ngày 27-11, ông Anders Gustafsson, giám đốc phát triển marketing của Tetra Pak Việt Nam cho biết giai đoạn 2 của chương trình sẽ được công ty phối hợp với doanh nghiệp xã hội NHC cùng công ty giấy Đồng Tiến Bình Dương mở rộng tới hơn 600 trường mầm non và tiêu học ở TP.HCM cho việc phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa.

Đây là giai đoạn tiếp nối sau khi thí điểm tại 30 trường mầm non mà Tetra Pak cùng các đối tác đã triển khai trong năm học 2018-2019.

Theo ông Anders Gustafsson, hộp sữa sau khi được tập trung tại điểm "tập kết" sẽ được doanh nghiệp xã hội NHC - một trong những đối tác của Tetra Pak - thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển cho nhà  máy giấy Đồng Tiến Bình Dương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.

Riêng tại các siêu thị Lotte Mart ở Nam Sài Gòn, Phú Thọ, Tân Bình và Gò Vấp, Tetra Pak sẽ đặt 4 ngôi nhà vỏ hộp giấy để người tiêu dùng có thể mang các vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tới đây thải bỏ, làm tiền đề để các hoạt động phân loại chất thải ngày càng gần gũi, dễ thực hiện với người dân thành phố hơn.

Kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị và các hộ gia đình nông thôn khoảng 24.000-37.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế chất thải rắn ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Anders Gustafsson, cho hay, dù vỏ hộp giấy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam, nhưng nếu tích cực thu gom cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phải thải carbon tại Việt Nam.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên