Phóng to |
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo bản cáo trạng của VKSND Tối cao (dày 72 trang) được kiểm sát viên công bố tại phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) bị cáo buộc đã phạm hai tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (số tiền gần 4.000 tỉ đồng) và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Lừa đảo vì ôm nợ "khủng" vay tín dụng đen
Theo cáo trạng của VKS, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đầu tư kinh doanh bất động sản và vay nợ tiền của rất nhiều cá nhân, tổ chức, ngân hàng với số tiền nợ khoảng 200 tỉ đồng với lãi suất cao.
Cụ thể, Huyền Như đã vay tiền với lãi suất cao của 5 cá nhân là Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí và một số ngân hàng để có vốn, nhưng đến năm 2010 bởi việc kinh doanh bất động sản gặp khó khăn nhưng nợ lãi không thể thanh toán được khiến Huỳnh Thị Huyền Như phải lo kiếm tiền trả vốn và lãi.
Tài liệu điều tra thể hiện, bắt đầu từ cuối năm 2007 Huỳnh Thị Huyền Như đã gặp Nguyễn Thiên Lý tại ngân hàng Vietinbank và ngỏ ý muốn mượn tiền của Lý để làm ăn với lãi suất 0,4%/ngày. Như đồng ý với mức lãi suất này và Như ngỏ ý muốn vay 100.000 đô la Mỹ và khoảng 3 tỉ đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn sau này, Như đã vay của Lý nhiều lần hơn và mức lãi suất cũng bởi vậy mà cũng thay đổi tăng đến 3,7%/ngày với tổng số tiền lên tới 554 tỷ đồng và 340.000$. Tính đến thời điểm năm 2011, Như đã trả cho Lý tổng số tiền cả gốc và lãi là 1.296 tỷ đồng và hiện còn nợ của Lý số tiền là 216 tỷ đồng và 340.000 đô la Mỹ.
Không chỉ vay của Nguyễn Thị Thiên Lý, Huỳnh Thị Huyền Như còn vay của Nguyễn Thị Lành, một đối tượng chuyên cho vay nặng lãi khác với số vốn vay ban đầu chỉ là 5 tỉ đồng, lãi suất 0,4%/ngày và cứ 3 ngày đáo hạn một lần cả gốc và lãi. Tuy nhiên, tính đến thời điểm năm 2011 Huỳnh Thị Huyền Như đã nợ Lành tổng cộng số tiền là 7.841 tỉ đồng và Như đã trả cho Lành số tiền là 9.028 tỉ đồng.
Ngoài ra, Huyền Như còn vay của Đào Thị Tuyết Dung số tiền là 265 tỉ đồng và trả được cho Dung số tiền là 440 tỉ đồng; Vay của Hùng Mỹ Phương số tiền là 184 tỉ đồng và trả được cho Phương số tiền là 218 tỉ đồng và còn nợ của Phương 130 tỉ đồng. Như vay của Phạm Văn Chí 17,49 tỉ đồng và nhờ Chí đứng tên vay số tiền là 72 tỉ đồng.
Vốn là một cán bộ ngân hàng, có thẩm quyền ký lệnh chi lên tới 50 tỉ đồng/lần, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng những hiểu biết của mình tại ngân hàng và lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank để huy động vốn của các khách hàng ham lãi suất cao. Ngoài uy tín mà Như tạo được nhờ vào công việc từ Viettinbank mang lại, một trong những hành vi mà Huyền Như thực hiện để lừa đảo các khách hàng đó là làm giả hàng loạt con dấu, chữ ký và hợp đồng giả để chiếm đoạt tiền.
Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng, giữa) cùng đồng phạm trước giờ tòa xét xử - Ảnh: Quang Định |
Án cao nhất của "siêu lừa" Huyền Như là tù chung thân
Cáo trạng xác định Như đã dùng thủ đoạn gian dối, con dấu, tài liệu giả để lừa đảo số tiền khổng lồ của 9 cá nhân và 3 ngân hàng là: ACB (718 tỉ đồng), Nam Việt (200 tỉ đồng), ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) 180 tỉ đồng. Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Huỳnh Thị Huyền Như theo khoản 4 của điều 139 Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Cùng bị cáo buộc phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với Như là các bị cáo: Võ Anh Tuấn (42 tuổi, Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè), Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Như, 42 tuổi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải), Trần Thị Tố Quyên (33 tuổi, Nhân viên Công ty Hoàng Khải).
Bên cạnh đó, cáo trạng cũng xác định: Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương và Phạm Văn Chí đã có hành vi cho Huyền Như vay vãi suất cao hơn hàng chục lần so với lãi suất cơ bản mà nhà nước quy định, phạm vào tội "cho vay lãi nặng".
Tài sản của "siêu lừa" Huyền Như kê biên được gần 230 tỉ đồng
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng đã thu giữ, kê biên một số tài sản của "siêu lừa" Huyền Như để đảm bảo thi hành án sau này. Các tài sản của Huyền Như gồm hơn 39 tỉ đồng tiền mặt, 3 xe ô tô (trị giá khỏang 4,5 tỉ đồng), kê biên 13 bất động sản gồm: nhiều căn hộ cao cấp tại quận 1, Bình Thạnh, một biệt thự (trị giá 16 tỉ đồng) tại quận 7 TP.HCM, biệt thự (trị giá hơn 37 tỉ đồng) tại KDL Hồ Tràm, Bà Rịa Vũng Tàu, 2 villa H2 dự án Nam Hải (Quảng Nam) trị giá 43 tỉ đồng cùng nhiều bất động sản trị giá hàng tỉ đồng khác.
Tuy nhiên, tổng cộng số tài sản mà cơ quan tố tụng thu giữ, kê biên được của "siêu lừa" trên có trị giá gần 230 tỉ đồng, quá nhỏ so với 4.000 tỉ đồng mà cáo trạng cáo buộc Huyền Như đã chiếm đoạt của những tổ chức, cá nhân bị lừa đảo.
Kết thúc ngày xét xử đầu tiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng bổ sung vào tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đối với hai bị hại là bà Lê Thị Kim Tuyến (quận 3. Tp.HCM) và ông Phạm Anh Huấn (quận 1).
Theo nội dung cáo trạng bổ sung, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai bị hại này với số tiền là 11 tỷ đồng thông qua hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank. Ngày mai, 7-1, tòa sẽ tiếp tục vào lúc 8g sáng.
Liên quan đến hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như, 12 bị cáo khác nguyên là cán bộ, nhân viên Vietinbank cùng bị truy tố xét xử. Trong đó, 9 bị cáo bị truy tố về tội "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gồm: Trần Thanh Thanh (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Bùi Ngọc Quyên (nguyên phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Đoàn Lê Du (nguyên trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) Lương Thị Việt Yên (nguyên trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần - Chi nhánh Nhà Bè), Hồ Hải Sỹ (nguyên phó phòng giao dịch Võ Văn Tần - Chi nhánh Nhà Bè) và Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Võ Văn Tần) bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
“Siêu lừa” Huyền Như được "che chắn"?Vụ lừa 4.000 tỉ: đề nghị triệu tập bầu Kiên, Trần Xuân GiáBác đề nghị của Ngân hàng Nam Việt, tiếp tục phiên tòa!Bắt đầu xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỉ đồngKhởi tố bổ sung với Huyền Như - nghi can chiếm đoạt 4.000 tỉ đồngYêu cầu điều tra bổ sung vụ lừa đảo "khủng" 4.000 tỉ đồngVụ án Huyền Như: khởi tố 5 cán bộ ngân hàngACB thiệt hại hơn 700 tỉ đồngChủ nợ thu lợi 660 tỉ đồng đã ra nước ngoàiBắt thêm 7 bị can trong vụ lừa đảo của "trùm" Như
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận