06/01/2014 08:29 GMT+7

Bác đề nghị của Ngân hàng Nam Việt, tiếp tục phiên tòa!

H.ĐIỆP
H.ĐIỆP

TTO CẬP NHẬT TRỰC TUYẾN - 11g15. Sau khi vào hội ý, HĐXX vào làm việc và tuyên bố: Tiếp tục phiên tòa bởi việc Ngân hàng Nam Việt cho rằng mình không phải là bị hại trong vụ việc là thiếu chính xác. Tòa bác đề nghị của Nam Việt.

Bắt đầu xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỉ đồng

Về một số kiến nghị khác của các luật sư như triệu tập thêm lãnh đạo của Viettinbank thì HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử tùy vào diễn biến của phiên tòa mà sẽ triệu tập thêm đương sự nếu việc đó là cần thiết. Vì vậy, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tiếp tục xét xử, không chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa của các luật sư, đương sự trong vụ án.

Đến 11g30, tòa nghỉ trưa.

Chiều nay, phiên tòa bắt đầu vào phần xét hỏi, mở đầu với việc đại diện VKSND TP.HCM công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.

10g30 ngày 6-1, ngay sau phần kiến nghị của các luật sư, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để Hội đồng xét xử hội ý, xem xét các kiến nghị hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người liên quan, xác định lại bị đơn dân sự của các luật sư.

Phiên tòa xét xử "siêu lừa" 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như "nóng" ngay từ thủ tục khai mạc do các luật sư kiến nghị hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người liên quan, xác định lại bị đơn dân sự.

Ngay sau phần kiểm tra nhân thân của các bị cáo cũng như những nhân chứng, các bên liên quan được triệu tập thì phiên tòa đã “nóng” ngay từ những phút đầu tiên khi các luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nguyên đơn dân sự và những người liên quan có ý kiến đề nghị tạm hoãn phiên tòa, triệu tập những người liên quan và xác định lại bị đơn dân sự trong vụ án.

Luật sư đại diện của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) yêu cầu triệu tập lãnh đạo của ngân hàng Viettinbank với tư cách bị đơn dân sự, bởi luật sư này cho rằng các hợp đồng do nhân viên ngân hàng này ký là ký với Viettinbank..

Ngoài ra, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng TMCP Nam Việt đề nghị hoãn phiên tòa bởi luật sư này cho rằng toàn bộ số tiền được cáo trạng xác định là thiệt hại của Nam Việt 200 tỉ đồng là không chính xác. Luật sư này khẳng định họ không kiện các bị cáo ra tòa bởi họ xác định trách nhiệm bồi thường 200 tỉ này thuộc Viettinbank và đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Viettinbank.

Ngoài ra một số luật sư khác cho rằng bởi thời gian diễn ra phiên tòa dài (dự kiến từ ngày 6 đến 25-1) nên đề nghị HĐXX công bố kế hoạch xét hỏi cụ thể để các luật sư tiện theo dõi phiên tòa.

Ngay sau phần kiến nghị của các luật sư, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để Hội đồng xét xử hội ý, xem xét các kiến nghị trên của luật sư.

* 8g30. Phiên tòa bắt đầu. chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra nhân thân các bị cáo.

Huỳnh Thị Huyền Như khai bị cáo bị bắt giam ngày 30-9-2011 và trong thời gian tạm giam này đã sinh con tên là Trương Xuân Mai (sinh tháng 1-2012) nhưng chưa được làm giấy khai sinh bởi cháu bé được sinh trong thời gian bị tạm giam. Đồng thời, bị cáo Như cũng chưa đăng ký kết hôn với chồng.

* Trước đó, từ 7g sáng 6-1, rất đông phóng viên và những người liên quan, bị hại, nguyên đơn dân sự, các bị cáo tại ngoại đã có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như.

p9z7eNhu.jpg
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như - Ảnh: Quang Định
sJXvvBkJ.jpg
Các phóng viên tác nghiệp trước khi khai mạc phiên tòa- Ảnh: Thuận Thắng
1UDgxBJA.jpg
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như trước vành móng ngựa- Ảnh: Quang Định
h9vpmy8q.jpgPhóng to
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt (tháng 9-2011) khi đang mang thai và sinh con tháng 1-2012 - Ảnh: Thuận Thắng
3qFxqDlX.jpgPhóng to
Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) cùng các đồng phạm tại phiên tòa
Qia1IQI3.jpgPhóng to
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa từ rất sớm - Ảnh: Hoàng Điệp

8g20, Hội đồng xét xử tuyên bố khai mạc phiên tòa.

Theo kế hoạch thì 8g phiên tòa khai mạc nhưng từ 7g sáng, hàng trăm người đã có mặt tại phiên tòa. Bởi số người tham dự đông và phòng xử chính không đủ chỗ ngồi nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã mở thông cửa nối ra sảnh để những người liên quan có chỗ ngồi tham dự phiên tòa.

Phiên xét xử này do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Thẩm phán Lê Văn Ban thành viên HĐXX và thẩm phán dự khuyết là ông Vũ Thanh Lâm. Các hội thẩm nhân dân gồm ông Nguyễn Văn Xự, bà Võ Thị Nam, bà Nguyễn Thị Luân (hội thẩm nhân dân dự khuyết: ông Lê Giáo). Hai thư ký là ông Ma Văn Nhất và Nguyễn Mạnh Hùng.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là bà Phạm Thị Thu Hà và ông Nguyễn Thanh Nhã (kiểm sát viên dự khuyết là ông Trần Ngọc Quang)

Theo thông tin từ HĐXX, bởi đây là vụ án lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn, phức tạp, liên quan đến rất nhiều người nên số người tham gia tố tụng rất đông. Theo đó, ngoài 23 bị cáo bị đưa ra xét xử thì còn có 15 đơn vị cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại, 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 47 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo (riêng bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có đến 3 luật sư bào chữa); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chưa kể đến lực lượng hàng chục bảo vệ và cảnh sát tư pháp đảm bảo trật tự tại phiên tòa.

Vụ án gồm 23 bị cáo bị xét xử với sáu tội danh (16 bị cáo được tại ngoại). Trong đó Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank), Võ Anh Tuấn (41 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank) và bốn bị cáo khác bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Huyền Như còn bị xử thêm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo Phạm Anh Tuấn (36 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương) tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Huỳnh Thị Việt Yên (40 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Hồ Hải Sỹ (30 tuổi, phó phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nhân viên phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch chi nhánh của VietinBank bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn một số bị cáo bị truy tố với tội danh cho vay nặng lãi.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2007 khi còn là cán bộ tín dụng Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và nhiều cá nhân với lãi suất cao để đầu tư vào bất động sản.

Đến đầu năm 2010, bất động sản thua lỗ nên Huyền Như mất khả năng thanh toán. Lúc này, Huyền Như đã lên làm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản với mức 50 tỉ đồng nên để có tiền trả nợ, Như đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM để huy động tiền của nhiều tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt.

Thực hiện việc lừa đảo này, Huỳnh Thị Huyền Như đã cho làm giả tám con dấu đứng tên các cơ quan đơn vị như: Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và các công ty như Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank-Berjaya, làm giả tài liệu của VietinBank và nhiều đơn vị, cá nhân khác. Cáo trạng cho rằng bằng các thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu, giấy tờ trên mà Như đã lừa đảo của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền tổng cộng hơn 3.982 tỉ đồng.

Trong số tiền chiếm đoạt trên, Như dùng gần 1.000 tỉ đồng trả nợ, lãi, hoa hồng cho 79 cá nhân, đơn vị, tổ chức.

H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên