29/08/2014 07:50 GMT+7

Siêu âm tim cho trẻ: Nơi dỗ, chỗ đuổi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Một bà mẹ đưa con đi siêu âm tim đã kể lại hai cách làm trái ngược nhau của hai bệnh viện: nơi dỗ dành trẻ, nơi bắt trẻ uống thuốc ngủ và khi trẻ khóc thì đuổi ra ngoài...

Nốt cản âm sáng trong tim thai nhi
Phẫu thuật tật tim cho trẻ 23 ngày tuổi
Bệnh nhi ung thư phấn khích trong chuyến dã ngoại hè

Phóng to
Bác sĩ siêu âm tim cho bệnh nhi tại Bệnh viện Hòa Hảo, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Phóng to
Bác sĩ siêu âm tim cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Hòa Hảo, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Mang trong người căn bệnh hiếm, hằng tháng con trai tôi (13 tháng tuổi) phải đến bệnh viện siêu âm tim. Đưa con đi siêu âm tim mới thấy những nỗi cơ cực của các bậc làm cha làm mẹ.

Con khóc là bị đuổi ra

Hạn chế sử dụng thuốc an thần cho trẻ nhỏ

PGS.TS Vũ Minh Phúc, trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chủ nhiệm bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết ở nước ngoài người ta hạn chế sử dụng thuốc an thần cho trẻ nhỏ.

Khi siêu âm tim cho trẻ nhỏ, người ta thường dụ em bé là chính, bằng cách cho trẻ bú, chơi, nuốt những loại đường để trẻ nằm yên.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng làm như vậy, trừ những em bé nào khó quá phải cho bé ngủ rồi mới đưa vào siêu âm tim.

Có những trường hợp bé mắc bệnh tim nặng quá, phải mổ ngay nên cũng không thể đợi bé ngủ.

Trong trường hợp này nhân viên y tế sẽ cho bé sử dụng thuốc an thần cho bé ngủ để siêu âm.

Về việc sử dụng thuốc an thần cho trẻ khi tầm soát bệnh tim, bác sĩ Phúc cho rằng đây là những loại thuốc xirô an thần, trẻ chỉ uống một liều lượng nhỏ nên không gây ảnh hưởng gì cho trẻ.

7g30 hai vợ chồng tôi và con có mặt tại bệnh viện: đăng ký, đóng tiền và ngồi chờ.

Gần 9g đến lượt bé (trước đó, bác sĩ đã dặn phải mua sẵn một loại thuốc có tác dụng gây buồn ngủ, mẹ cho bé uống và ru cho bé ngủ vì khi siêu âm tim bé phải nằm im).

Tôi nhẹ nhàng ẵm con vào phòng siêu âm, lúc này bé đang thiu thiu ngủ, chưa đặt con xuống giường đã nghe bác sĩ nạt: “Đi ra ngoài thay áo có gài nút cho bé”. Định ẵm con ra ngoài thì cô điều dưỡng lớn tuổi ôn tồn gọi lại: “Không sao! Mẹ cởi áo bé ra rồi siêu âm cũng được”. Nhưng hỡi ôi, khi cởi được cái áo ra thì bé cũng mở mắt và... khóc, giãy giụa. Bác sĩ nói: “Khi nào ngủ thì vào!”. Đành ra ngoài chờ đến lượt sau.

10g hơn, lúc này bé đã ngủ (sau khi được cha ru gần một giờ) thì được kêu tên. Lần này rút kinh nghiệm tôi đã cho bé mặc áo có gài nút. Nhưng “thảm cảnh” khác đã xảy ra: phòng siêu âm lạnh ngắt (lúc tôi mở nút áo ra thì bé đã co người lại), khi bác sĩ đổ một loại chất nhờn lên ngực bé và đặt đầu máy siêu âm vào, bé mở choàng mắt, khóc và nhất định không chịu nằm trên giường siêu âm.

Thấy vậy, tôi vội vàng ngồi lên giường theo con, vỗ về, dỗ dành. Bác sĩ lại la: “Mẹ đứng lên, không được ngồi trên giường. Bế bé ra ngoài đi”. Cô điều dưỡng lại an ủi: “Mẹ ra ngoài ráng dỗ cho bé ngủ say, chứ khóc như thế này không siêu âm được đâu”.

Lần thứ hai bế con ra ngoài, các phụ huynh khác chạy lại hỏi dồn: “Lại không được hả?”... Mà không phải một mình con tôi, nhiều đứa trẻ khác cũng bị cảnh tương tự, cứ vào phòng siêu âm là tỉnh ngủ rồi khóc. Ngay lập tức bác sĩ đuổi ra ngoài để cho bé khác vào.

Gần 12g, cô điều dưỡng ra thông báo nghỉ trưa, bé nào chưa siêu âm thì vui lòng chiều quay lại. Trời nắng chang chang, vợ chồng tôi quyết định cho bé ở lại để chiều được siêu âm sớm.

Cùng chung “số phận” với bé nhà tôi còn có bốn bé khác ở Bình Dương, Đồng Nai, Thủ Đức (TP.HCM).

Nhưng khổ thay, buổi chiều sự việc diễn ra y chang như buổi sáng! Một lần nữa bị bác sĩ đuổi ra ngoài, tôi đã bật khóc, thầm ước phải chi con mình lớn hơn một chút, thấu hiểu được nỗi khổ của cha mẹ, biết nghe lời mẹ nằm im cho bác sĩ siêu âm. Khác với tôi, ông bố ở Đồng Nai sau khi ẵm con từ trong phòng siêu âm ra (lần thứ ba) đã không kiềm chế được, phát cho con hai cái vào mông đau điếng và quát: “Mắc gì cứ vào phòng siêu âm là tỉnh ngủ?”.

Cậu bé khóc òa lên. Mẹ bé vội chạy lại bế con. Thế là các phụ huynh đồng cảnh ngộ xúm lại, an ủi nhau.

Ông bố phân bua: “Tức quá mà, tháng nào cũng như tháng ấy, đi từ 4g sáng mà giờ này chưa được siêu âm (lúc đó đã gần 15g)”.

Chúng tôi nhìn nhau thở dài ngao ngán...

Một cách làm khác...

Rồi có một lần, tôi gặp một phụ huynh có con nằm bệnh viện chung phòng với con tôi trước đó. Sau khi nghe tôi trần tình về nỗi khổ siêu âm tim, anh cao giọng: “Đến bệnh viện X (một bệnh viện tư) đi, không cần bé ngủ người ta vẫn siêu âm được”.

Cả nhóm phụ huynh vây quanh anh, nghe anh kể về “kinh nghiệm đau thương” khi cho con đi siêu âm tim và nhờ anh chỉ đường sang bệnh viện tư.

Đến bệnh viện X, khi đóng tiền chúng tôi đều hỏi: “Có phải ru cho bé ngủ trước không?”. Cô nhân viên thu tiền ngạc nhiên: “Ngủ để làm gì ạ?”.

Bé nhà tôi được vào đầu tiên. Mẹ mới bước chân vào phòng, bé đã khóc, bác sĩ trấn an: “Chào con, mời con vô đây chơi với chú. Vô đây chơi, có gì đâu mà khóc”. Cô điều dưỡng vội vàng lấy gấu bông: “Cho con chơi nè”. Thằng bé cầm con gấu bông ném đi, nhất định không chịu nằm xuống giường. Bác sĩ yêu cầu: “Mẹ nằm xuống với bé đi (khác với bệnh viện kia quá, ngồi còn không cho nói gì đến nằm).

“Chít chít chít - con chuột ở đâu vậy ta? Chít chít chít chít. Nó nằm ở trên trần nhà nè con ơi. Con nhìn lên đi, thấy chưa? Đó, nó thấy con khóc nên còn thập thò, chưa dám ra” - hai cô điều dưỡng ra sức làm hết con này đến con kia.

Bệnh nhân hết khóc, có mẹ nằm kế bên nên yên tâm, nằm im thin thít, cố dỏng tai lên nghe xem con chuột, con gà, con dê... kêu ở đâu. Lúc ấy, bác sĩ đã đổ chất nhờn lên ngực bé và siêu âm từ lúc nào.

Siêu âm xong, tôi bế con ra, thở phào nhẹ nhõm.

Rồi tôi tự hỏi: Tại sao bệnh viện kia lại không làm như bệnh viện X để giảm bớt vất vả cho các ông bố bà mẹ có con phải đi siêu âm tim?

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên