12/12/2019 07:29 GMT+7

Shipper giao hàng - những người bán mạng để kiếm sống

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty giao hàng làm dấy lên nỗi lo về tính mạng của cả người giao hàng (shipper) và những người xung quanh khi thời gian gấp gáp khiến cánh tài xế phải tăng tốc để kịp đơn hàng.

Shipper giao hàng - những người bán mạng để kiếm sống - Ảnh 1.

Nhân viên một hãng giao thức ăn ở Trung Quốc làm việc trong thời tiết mưa gió - Ảnh: Nikkei Asian Review

Nhiều quốc gia cũng đang "chạy đua" về mặt chính sách nhằm bảo vệ người giao hàng.

Hiểm họa thường trực

Ele.me và Meituan Dianping là những ứng dụng giao thức ăn nhanh hàng đầu Trung Quốc. Hai ứng dụng này lần lượt thuộc về 2 "ông lớn" công nghệ là Alibaba và Tencent. Theo Nikkei Asian Review, cuộc đấu để làm khách hàng hài lòng giữa 2 hãng này cũng diễn ra vô cùng khốc liệt. Điển hình,

Ele.me sẽ có hình phạt đối với các tài xế không giao kịp thời gian quy định, cũng như phạt thêm khoảng 50 tệ, tương đương 160.000 đồng, nếu khách hàng khiếu nại.

Các nhà phân tích cho biết dịch vụ giao thức ăn nhanh không chỉ đem lại hàng tỉ đôla doanh thu hằng năm cho Alibaba và Tencent, mà còn thúc đẩy những mảng dịch vụ khác phát triển, ví như thanh toán điện tử. Tuy nhiên, những "chiến binh tuyến đầu" lại là những người có thể mất mạng để giữ đà cạnh tranh cho công ty.

Một trong những ví dụ thương tâm nhất diễn ra khi Lekima, cơn bão lớn thứ 5 trong lịch sử Trung Quốc, tấn công Thượng Hải hồi tháng 8 năm nay. Mặc cho báo động đỏ từ chính quyền, Ele.me và cả Meituan vẫn duy trì hoạt động giao hàng. Hậu quả là một tài xế của

Ele.me đã thiệt mạng sau khi đi vào một bãi đỗ xe bị ngập.

Hiểm họa vốn luôn thường trực. Pan Jiang, 31 tuổi, tài xế của Ele.me tại Thâm Quyến, thừa nhận mình từng suýt chết vì một chiếc xe phía trước quẹo bất ngờ khi anh đang phóng nhanh. "Vào giờ cao điểm, tôi có 13 đơn hàng phải giao trong chưa đầy 1 giờ. Tôi rất áp lực. Thứ duy nhất tôi quan tâm là giao đồ ăn nhanh nhất có thể", Pan kể.

568

Những cuộc đua với tử thần trên không phải là mới. Từ năm 1993, chuỗi pizza Domino của Mỹ đã buộc phải rút lại chương trình giao hàng trong 30 phút sau hàng loạt vụ tai nạn và kiện cáo. Đài Loan đã ghi nhận 3 cái chết liên quan tới dịch vụ giao thức ăn chỉ trong vòng 5 ngày vào tháng 10 năm nay. Những tai nạn tương tự tại Hàn Quốc là 568 vụ chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, cao gấp đôi số liệu cho cả năm 2016, theo trang tin Newstapa.

Nỗ lực pháp lý

Theo trang BuzzFeed, tính đến tháng 10-2019 có ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng xe liên quan tới các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cho Amazon.

Thế nhưng, khi các tài xế khiếu nại về điều kiện làm việc khắc nghiệt của mình, Amazon đã từ chối nhận bất cứ trách nhiệm nào. BuzzFeed cho biết các lãnh đạo của tập đoàn thương mại điện tử này còn nhanh chóng tìm cách đuổi việc những tài xế liên kết để đòi quyền lợi.

Những nỗ lực nhằm bảo vệ quyền lợi cho tài xế của những hãng công nghệ vẫn còn giới hạn. Không chỉ các dịch vụ giao hàng nhanh, tài xế của những nền tảng khác đa số không có hợp đồng chính thức.

Tờ New York Times cho biết tiểu bang California (Mỹ) hôm 10-9 đã thông qua thành công dự luật yêu cầu những công ty như hãng xe Uber và Lyft đối xử với lao động hợp đồng như nhân viên. Quy định này được kỳ vọng sẽ định hình lại nền công nghiệp làm việc bán thời gian.

Bên cạnh đó, liên minh các công đoàn tại New York cũng ra sức vận động cho một quy định giống như trên. Các dự luật tương tự ở Washington và Oregon có cơ hội được thông qua nhờ tiền đề của California.

Trong khi cuộc chiến pháp lý còn dai dẳng ở Mỹ, Đài Loan đã ban hành quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ giao thức ăn phải mua bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm phi nhân thọ cho tài xế của mình.

Theo cơ quan quản lý lao động của Đài Loan, quy định mới còn buộc các hãng trang bị thiết bị bảo vệ cho tài xế, ví dụ như áo và miếng dán phản quang. Ngoài ra, Đài Loan cũng buộc các hãng cung cấp áo ấm, khẩu trang và khăn quàng cho tài xế vào mùa lạnh.

Nước mắt nghề shipper: tiền tươi không dễ kiếm Nước mắt nghề shipper: tiền tươi không dễ kiếm

TTO - Phan Văn Đạo, một shipper (từ dùng để chỉ các nhân viên giao hàng), cho biết mỗi khi ngồi nghỉ, anh lau khăn giấy ngang mặt là thấy đen sì.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên