TS Mai Văn Trinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo cục trưởng Mai Văn Trinh, kỳ thi sẽ được tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm do các trường ĐH đủ năng lực được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ trì (tương tự các cụm thi ĐH tại Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ năm 2014, nhưng sẽ được mở rộng để tạo thuận lợi cho thí sinh) với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Đổi mới từ coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi
* Để tổ chức một kỳ thi thật sự nghiêm túc, kết quả đạt tới độ tin cậy, bộ đã tính đến những phương án khả thi nào trong tất cả các khâu (ra đề, coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét tuyển)?
"Thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp"
Cục trưởng MAI VĂN TRINH |
- Muốn có kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lý và sử dụng kết quả thi. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.
Cùng với việc phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi; công tác thanh tra sẽ được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi của cán bộ, giáo viên và thí sinh.
* Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với nhiều giải pháp mới, trong khi chương trình giáo dục phổ thông vẫn như cũ. Phải chăng ở đây đang có sự mâu thuẫn?
- Thật ra ở đây không có mâu thuẫn. Vì trong những năm qua, việc đổi mới thi cử đã bắt đầu có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học dù chương trình giáo dục vẫn là chương trình hiện hành, nhưng tác dụng đó vẫn còn hạn chế bởi các điều kiện dạy học chưa được cải thiện, đổi mới quản lý quá trình dạy học mới chỉ là bước đầu.
Ở kỳ thi nào, đề thi cũng phải có yêu cầu phân hóa được thí sinh, phải đảm bảo học sinh nào giỏi sẽ làm bài tốt hơn, học sinh nào học yếu sẽ làm bài kém hơn. Những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu ở khâu tổ chức coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi, nội dung thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu ở lớp 12.
Một trong những mục đích của kỳ thi nhằm tác động tích cực trở lại quá trình dạy học. Bằng việc đổi mới thi, kiểm tra để đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Do đó, tuy nội dung chương trình, sách giáo khoa chưa thay đổi nhưng với những đổi mới về thi, kiểm tra để từ đó đổi mới phương pháp dạy học tích cực cũng sẽ từng bước đạt được mục tiêu nói trên.
Đề thi sẽ ra như thế nào?
* Các bài thi được thiết kế như thế nào để đánh giá được kết quả toàn diện của học sinh?
- Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, học sinh phải được tạo môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường của mình theo định hướng nghề nghiệp, bộ đã chỉ đạo các nhà trường phổ thông đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như ngữ văn, lịch sử, địa lý, đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi ngữ văn có kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân...).
Đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; ở cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; đáp ứng yêu cầu cơ bản và năng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
* Điều mà các thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm là các thí sinh tự do sẽ thi như thế nào khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
- Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi của mình.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn.
* Kỳ thi này sẽ mang lại những lợi ích gì cho thí sinh?
- Kỳ thi THPT quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh, các trường ĐH, CĐ và xã hội. Cụ thể, đối với thí sinh và gia đình, do chỉ còn một kỳ thi duy nhất được tổ chức thành các cụm thi, để các em lựa chọn cụm thi phù hợp, được chủ động đăng ký các môn thi, không phải tham gia nhiều đợt thi như trước đây nên thí sinh và gia đình các em sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí.
Việc đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tham khảo được nhiều yếu tố bao gồm chỉ tiêu tuyển sinh của trường, kết quả thi của mình so với tương quan chung, do đó sẽ lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi, tránh được tình trạng đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH như những năm trước.
Thí sinh chỉ thi tốt nghiệp: sẽ thi tại các cụm do sở GD-ĐT chủ trì Với các thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, bộ sẽ tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì tại các địa phương. Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được quy định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thật sự tin cậy vào kết quả thi. Do những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi bốn môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT nên có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ. Do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình. Mặt khác, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ này. Các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường (thông qua đề án tuyển sinh riêng cũng được công bố rộng rãi) để tham gia tuyển sinh vào các trường này, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH, CĐ phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận