Kỳ thi quốc gia chung: chấp nhận nhưng không yên tâm

GS NGUYỄN ĐỨC DÂN
GS NGUYỄN ĐỨC DÂN

TT - Giáo sư Nguyễn Đức Dân gửi ý kiến tham gia diễn đàn Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia. Giáo sư đã nêu ra ba vấn đề.

Phóng to
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của học sinh khi lựa chọn phương án cho một kỳ thi quốc gia. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh tư liệu

1. Bộ GD-ĐT đang hướng tới một kỳ thi quốc gia chung, vừa tốt nghiệp THPT vừa dùng để xét tuyển ĐH. Trước mỗi quyết định, xã hội có ba mức chấp nhận.

Theo hiện lệ là chấp nhận cao, chấp nhận và chấp nhận thấp. Với quyết định này, tôi thuộc loại chấp nhận thấp cho phù hợp với xu thế chung của thời đại, nghĩa là đành chấp nhận vì không yên tâm, vì tin chắc kết quả không phản ánh năng lực thực của học sinh ít nhất cũng trong mươi năm đầu tiên.

Một khi trên dưới đã “đồng lòng nhất trí” để địa phương mình đạt thành tích thi cử cao, học sinh trúng tuyển vào nhiều trường ĐH thì dù Bộ GD-ĐT có trăm phương nghìn kế cũng không một biện pháp nào, không một phương án thi cử nào có thể đưa lại kết quả trung thực, công bằng trong thi chung quốc gia. Thôi thì cứ để các địa phương tự tổ chức thực hiện kỳ thi chung, còn Bộ GD-ĐT sẽ dùng biện pháp vĩ mô điều chỉnh dần dần.

2 Không lẽ mãi mãi chấp nhận một kỳ thi chung mà biết chắc kết quả không trung thực? Bởi vậy, cần có biện pháp điều chỉnh để người có quyền dần thấy rằng dù không trung thực thì kết cục sẽ không được lợi gì đáng kể, lại hại nhiều tới uy tín cá nhân. Biện pháp cơ bản là Bộ GD-ĐT ra một văn bản pháp lý: điểm thi trong kỳ thi chung toàn quốc chỉ là điều kiện cần để được nhận chính thức vào một trường ĐH. Các trường được quyền hậu kiểm.

Có những trường không muốn hậu kiểm, hoặc do họ muốn có lượng sinh viên tối đa thu được lợi nhuận nhiều nhất, còn chất lượng đầu vào ra sao không quan tâm, “sống chết mặc bay, tiền thầy hội đồng quản trị bỏ túi”. Hoặc do họ không đủ tự tin ra những đề thi chính xác kiểm tra lại trình độ học sinh. Hãy để những trường đó nhận sinh viên theo kết quả kỳ thi chung.

Những trường muốn khẳng định học hiệu của mình sẽ tổ chức kiểm tra lại theo văn bản pháp lý quy định. Sẽ loại những học sinh không đạt. Ở kỳ kiểm tra lại không nên tiến hành cồng kềnh, ồn ào, toàn trường. Cứ coi như kỳ thi kết thúc một môn học bình thường. Có thể giao cho từng khoa hoặc liên khoa. Không nhất thiết kiểm tra lại đầy đủ các môn của khối thi.

Tùy trường, thậm chí tùy khoa quyết định kiểm tra lại những môn nào, tối đa ba môn. Những giáo viên giỏi và có kinh nghiệm sẽ biết được “tử huyệt” của những học sinh kém ở từng môn cụ thể, nhưng do thi chung mà có kết quả cao. Họ sẽ có những đề thi nhẹ nhàng nhưng đủ làm lộ năng lực thật của loại học sinh này.

3 Dùng dư luận xã hội để giảm dần tình trạng gian lận thi cử ở cấp độ vĩ mô. Đó là biện pháp dùng con số để chứng minh những gian lận: hãy công khai “thành tích” thi chung và kết quả hậu kiểm ở một số trường ĐH lên các trang mạng, lên các bản in giấy lưu truyền được lâu của từng trường và của ngành giáo dục rồi công bố lên báo chí để công chúng biết. Hằng năm, công bố đều đều và tích lũy lại.

Cần có những thông báo kiểu như thế này: “Trong kỳ thi THPT vừa qua (năm 2015), 90% học sinh đạt kết quả giỏi của trường A, cụm thi B, huyện C, tỉnh D do ông E làm chủ tịch đã bị loại trong kỳ thi lại vào trường ĐH X, trường ĐH Y...” sẽ dễ dàng tổng hợp được độ vênh giữa kết quả hai kỳ thi. Tự những con số vênh trong nhiều lần nói lên tất cả, tạo nên áp lực với các quan chức, đưa các kỳ thi chung trở lại sự nghiêm túc cần thiết. Nhưng những công bố như vậy sẽ “đụng”.

Vấn đề là Bộ GD-ĐT có đủ dũng khí và quyết tâm thực hiện hay không.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đổi mới thi cử: đầy âu lo
Kiểm soát đầu ra thay vì đầu vào
Nên đưa ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc
Lợi cho thí sinh, thiệt thòi cho các trường tốp dưới

GS NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên