27/07/2022 12:14 GMT+7

Sẽ thay đổi để loa phường Hà Nội 'thân thiện với người dân'

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Bà Nguyễn Thị Mai Hương - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội - cho rằng loa phường là hình thức truyền phát thông tin không thể thay thế được. Sở này đang nỗ lực để thay đổi cách thức hoạt động 'để thân thiện với người dân hơn'.

Sẽ thay đổi để loa phường Hà Nội thân thiện với người dân - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thông tin báo chí sáng 27-7 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Sáng 27-7, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đã tổ chức buổi thông tin báo chí để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của dư luận liên quan tới kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, giai đoạn 2022-2025.

Nguyễn Thị Mai Hương - phó giám đốc sở - chủ trì buổi thông tin báo chí kể trên.

Lý giải về việc tại sao UBND Hà Nội lại ban hành kế hoạch tiếp tục "phủ sóng" loa phường, bà  cho biết các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của thành phố bám sát quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 1381 của Bộ Thông tin và truyền thông.

Theo đó, các đài truyền thanh cơ sở sẽ chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Bà Mai Hương cho rằng hệ thống truyền thanh cơ sở (loa phường - PV) là loại hình truyền đưa thông tin không thể thay thế.

"Các cộng đồng dân cư có nhu cầu khác nhau, không thể bắt bác tổ trưởng tổ dân phố đến từng hộ dân để thông báo thông tin. Nhắn tin qua Zalo thì có người đọc, có người không. Nhưng khi phát qua hệ thống loa, người dân nắm được, truyền tải lại cho nhau, nên các chủ trương của thành phố, hoạt động nội bộ của cụm dân cư rất hiệu quả.

Trong đợt dịch, vai trò phát huy rất là đặc biệt, loa truyền thanh hoạt động rất hiệu quả", bà Hương nói.

Về lo ngại tiếng ồn phát ra từ các loa phường, bà Mai Hương cho biết sở đã nhiều lần tham mưu cho thành phố, đến nay đã dần thay đổi phương thức vận hành nhằm phù hợp với thời đại và để loa phường thân thiện hơn với người dân.

"Trước đây, tại các phường thường để các cụm loa lớn, có nơi để gần chục loa khiến bà con ở gần bị ô nhiễm tiếng ồn. Sau đó các phường đã đặt ít loa đi. Đến đề án 1246 của thành phố, các địa phương căn cứ nhu cầu truyền thông và chủ động quyết định vị trí lắp đặt loa, tránh khu vực trường học, khu vực có người già, đoàn ngoại giao...

Đồng thời, các phường cũng đã thay đổi cả về thời lượng, truyền thông đã thay đổi hình thức rất nhiều", bà nói thêm.

Sẽ thay đổi để loa phường Hà Nội thân thiện với người dân - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trước những ý kiến "loa phường tra tấn, làm phiền người dân", vị phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết khi loa phường hoạt động, đơn vị này sẽ quy định một ngày tối đa không phát quá 2 buổi, mỗi buổi tối đa 15 phút. Trừ dịch bệnh và ngày lễ đặc biệt cần tuyên truyền thì phải có chỉ đạo của UBND TP và Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội mới có sự thay đổi khác.

"Mỗi lần phát thanh kéo dài 15 phút sẽ không gây tiếng ồn đến mức lo ngại. Thông tin đưa lên loa phường phải là rất thiết yếu cho cộng đồng thì mới được phát. Trong 1 tuần, các phường sẽ phát 5 ngày, trừ thứ bảy và chủ nhật.

Đây là một kênh không thể thay thế được. Ngay tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, hệ thống loa phục vụ cộng đồng vẫn đang được duy trì", bà Hương thông tin.

Bà cho rằng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của UBND TP nằm trong chủ trương lớn của Chính phủ, được cụ thể hóa trong chiến lược của Bộ Thông tin và truyền thông.

Bà nói: "Hiện có 20 địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội. Hà Nội chưa hề dừng loa phường, chỉ điều chỉnh để sao cho thân thiện với người dân, tránh ảnh hưởng đến người dân".

Về nhân lực, cách thức để vận hành hệ thống loa phường, bà Hương cho biết sẽ không phát sinh thêm nhân sự, mà chỉ có các nhân sự kiêm nhiệm. Ngoài ra, việc ứng dụng giọng đọc qua AI sẽ vừa tiết kiệm nhân lực, vừa quản lý được thông tin phát đi ở mọi cấp khác nhau.

"Trước đây, cách thức vận hành chưa hợp lý, quá nhiều thông tin trùng lặp nên gây bức xúc cho người dân. Thành phố sẽ nỗ lực để loa phường trở nên gần gũi, sát dân nhất và đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng nhỏ và các hình thức khác không thay thế được", bà Mai Hương nói.

Hà Nội khôi phục loa phường: Người dân chưng hửng vì Hà Nội khôi phục loa phường: Người dân chưng hửng vì '4.0 rồi mà?'

TTO - Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tại 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố...

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên