Chiều 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Trình bày báo cáo về bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp bố trí hơn 11 ngày cho công tác lập pháp, 11 ngày cho các vấn đề quan trọng, 1,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết và dự phòng.
Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc hơn 23 ngày, khai mạc vào ngày 23-10, đồng thời bố trí 2 đợt họp.
Tổng thư ký Quốc hội cũng xin ý kiến về việc tổ chức kỳ họp theo 2 phương án. Cụ thể, với phương án 1, Quốc hội nghỉ hơn 1 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 30-11.
Với phương án 2, Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào ngày 7-12 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.
Theo ông Cường, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công...
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp cũng dự kiến dành nửa ngày để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó sẽ có nội dung làm việc tại đoàn và hội trường.
Nêu ý kiến thảo luận về dự kiến kỳ họp thứ 6, đa phần các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt. Đồng thời, đồng ý theo phương án 1.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nếu không có gì thay đổi sẽ tổ chức như kỳ họp thứ 5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận