"Hành động này là chiến thắng dành cho chủ nghĩa đa phương và cho những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt mà đại dương đang phải đối mặt, cả trong hiện tại và với các thế hệ mai sau" - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phát biểu vào cuối tuần trước, sau khi các nước thành viên nhất trí về văn bản của Hiệp ước Biển khơi (hay được gọi là Thỏa thuận về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia - BBNJ).
Không để mạnh ai nấy khai thác biển
Thỏa thuận lịch sử nói trên đạt được vào tối 4-3 (giờ Mỹ) sau hai tuần đàm phán tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ). Đến ngày 6-3, văn bản của hiệp ước vẫn chưa được công bố và không rõ đã có những thỏa hiệp nào để đạt được sự đồng thuận.
Theo Hãng tin Bloomberg, các đại biểu sẽ gặp lại nhau một ngày khác để chính thức thông qua văn bản của hiệp ước, sau đó nó được chuyển đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để bỏ phiếu. Tiếp theo, các nước sẽ phê chuẩn để hiệp ước có hiệu lực.
Có thể hiểu đơn giản là hiệp ước này cung cấp các công cụ pháp lý để thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của đại dương.
Hiệp ước cũng bao gồm các đánh giá về môi trường để ước lượng thiệt hại tiềm ẩn của những hoạt động thương mại (chẳng hạn như khai thác dưới biển sâu) trước khi thực hiện, và cam kết của các bên ký kết về chia sẻ tài nguyên đại dương.
Theo Đài CNN, biển khơi đôi khi được gọi là "vùng hoang dã" thực sự cuối cùng của thế giới. Biển khơi bắt đầu từ ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước - vùng mà theo luật quốc tế hiện tại có chiều rộng không quá 200 hải lý (370km) tính từ bờ biển.
Hơn 60% đại dương được coi là vùng biển quốc tế, tức biển khơi, đồng nghĩa tất cả quốc gia đều có quyền triển khai tàu, đánh cá và nghiên cứu ở đó.
Việc các nước nhất trí về hiệp ước trên là cột mốc quan trọng vì hiện tại không có quy định toàn diện nào để bảo vệ sinh vật biển ở biển khơi.
Các chuyên gia nhận định Hiệp ước Biển khơi cũng sẽ giúp đáp ứng các cam kết đa dạng sinh học toàn cầu mà các nước đã đưa ra tại COP15, Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Montreal (Canada) vào tháng 12-2022.
Bà Monica Medina - trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về đại dương, các vấn đề khoa học và môi trường quốc tế - kỳ vọng hiệp ước "sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% đại dương toàn cầu vào năm 2030".
Đàm phán mướt mồ hôi
Hiện nay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 có quy định các hoạt động trong vùng biển quốc tế, gồm cả khai thác dưới đáy biển.
Tuy nhiên từ "đa dạng sinh học" không xuất hiện trong UNCLOS, và UNCLOS cũng không cung cấp bất kỳ cơ chế nào để đánh giá tác động môi trường của các hoạt động công nghiệp đối với đời sống đại dương hoặc phục vụ việc bảo tồn thông qua các khu bảo tồn biển.
Việc soạn thảo một hiệp ước đa dạng sinh học biển khơi là nỗ lực kéo dài hàng thập niên để giải quyết những thiếu sót đó. Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn UNCLOS do sự phản đối của Đảng Cộng hòa, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden (Đảng Dân chủ) đã ủng hộ hiệp ước biển khơi nói trên.
Năm 2004, Liên Hiệp Quốc thành lập một nhóm đặc biệt để thảo luận về vấn đề bảo vệ đại dương. Mãi đến năm 2015, tổ chức này mới thông qua nghị quyết về phát triển một hiệp ước đại dương mang tính ràng buộc. Và sau nhiều năm chuẩn bị, các cuộc đàm phán bắt đầu nghiêm túc vào năm 2018.
Nhiều bên từng hy vọng 2022 sẽ là năm đạt được bước đột phá, nhưng các cuộc đàm phán vào tháng 8 năm ngoái đã kết thúc trong thất bại. Các cuộc đàm phán mới nhất lần này được coi là cơ hội cuối cùng.
Nhiều vấn đề đã cản trở quá trình đàm phán, thậm chí khiến một số bên lo lắng sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận. Các điểm mấu chốt bao gồm xác định quy trình thành lập các khu bảo tồn biển; đảm bảo chi phí và lợi ích được chia sẻ một cách công bằng, đặc biệt khi nhiều nước đang phát triển không có công nghệ hoặc năng lực để tự khám phá biển khơi...
Tuy nhiên, cuối cùng các cuộc đàm phán đã kết thúc vào tối 4-3 bằng một thỏa thuận. "Đó là cả chặng đường dài kể từ lần đầu tiên vấn đề được nêu lên cho đến lúc đạt được kết quả như hiện nay" - bà Liz Karan, giám đốc dự án đại dương tại Tổ chức phi chính phủ Pew Charitable Trusts, bình luận.
Việt Nam đóng góp nhiều đề xuất
Việt Nam nằm trong số các thành viên Liên Hiệp Quốc đạt sự đồng thuận về văn bản của Hiệp ước Biển khơi. Đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển đối với văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên này nhằm bảo vệ biển khơi.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang - trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - làm trưởng đoàn, đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến các quy định về nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ biển vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận