03/01/2018 07:49 GMT+7

Sẻ chia cùng những phận đời cơ nhỡ

MINH PHƯỢNG - MẠNH KHANG
MINH PHƯỢNG - MẠNH KHANG

TTO - Ngày cuối năm, ai cũng muốn về nhà thật nhanh, sum họp bên gia đình. Lặng lẽ trong dòng người hối hả, những bạn trẻ âm thầm mang thức ăn, chiếc áo ấm... sẻ chia với những mảnh đời “không có nơi để về”...

Chút tình người và ước mong không ai phải cô đơn, buồn tủi... như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm những trái tim cô quạnh.

Món quà năm mới

20h, con hẻm nhỏ ở phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhộn nhịp vì sự có mặt của hơn 50 bạn trẻ. Quên đi những cuộc vui, pháo hoa lóe sáng hay cảm giác ngọt ngào bên người yêu, họ ở đây từ rất sớm để gói quà. 22h cũng là lúc 500 phần quà đã chuẩn bị xong, chờ trao tận tay những phận đời lang thang cơ nhỡ ở các tuyến đường của Sài Gòn.

Hai chàng trai trẻ Triệu Võ Trung Tính (sinh viên năm 1 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), Trịnh Văn Hóa (26 tuổi), người phát động tổ chức hoạt động này, chia mọi người thành ba nhóm, tỏa đi các cung đường với lời dặn dò: "Các bạn hãy trao quà cho các cô chú, các em bằng tình cảm yêu thương nhất. Chúng ta đừng nghĩ mình đang ban ơn cho ai, cũng đừng cố trao thật nhanh để được về sớm. Những món quà này là tình cảm của rất nhiều người, nên cố gắng trao chúng thật trân trọng".

Trên tuyến đường Lý Thường Kiệt - Nguyễn Chí Thanh - Ngô Gia Tự..., người lao động nghèo đã trở về "ngôi nhà" quen thuộc của mình. "Nhà" là hè phố, "bầu trời" là mái che, chiếc giường ngả lưng qua đêm là cái võng nhỏ, trạm xe buýt, góc vỉa hè kín gió, chiếc yên xe máy... Hai từ "năm mới" có lẽ không dành cho họ.

Gần 0h, người đàn ông nhỏ xíu ngồi bó gối co ro ngủ gục bên chiếc xe máy đã cũ. Khi các bạn trẻ tíu tít ùa tới: "Chú ơi, chú ăn bánh giò cho đỡ đói!". Giật mình ngước lên đón phần quà là sữa, mì gói, quần áo cũ... và chiếc bánh giò nóng hổi, ông rưng rưng cảm ơn. Ông cho biết mình tên Huấn (50 tuổi), quê ở Đồng Nai nhưng lang bạt hè phố Sài Gòn kiếm sống đã lâu lắm rồi. "Tui chạy xe ôm kiếm tiền lo cho hai cha con. Tối về ngồi đây, tranh thủ chợp mắt luôn đặng ai kêu thì mình chạy".

Cách đó vài bước là A Chảy (11 tuổi) - con trai ông Huấn - nằm cuộn tròn trong chiếc võng vá chằng vá đụp. Cậu bé bảo mình không nhớ đã theo cha ở ngoài đường bao nhiêu năm rồi. A Chảy chẳng mong quần áo mới hay đồ chơi mà chỉ ước được đi học. "Mẹ nó bỏ lâu rồi. Tui nghèo quá nên không có tiền cho nó đi học" - ông Huấn trầm ngâm. Ước mơ của người cha chỉ là con trai khỏe mạnh, tuổi thơ không cơ cực...

Càng về khuya, những phận người cố thu mình lại để xua bớt sương giá. Những người làm thiện nguyện cố nán lại trò chuyện, động viên. Cũng có những món quà được đặt nhẹ nhàng bên cạnh họ vì không ai nỡ đánh thức một giấc ngủ say đầy mệt nhọc. "Lúc tỉnh giấc bất chợt, nếu đói bụng, chiếc bánh sẽ giúp họ qua cơn đói" - một bạn trẻ nói.

Sẻ chia cùng những phận đời cơ nhỡ - Ảnh 2.

Phần quà nhỏ trong đêm giao thừa sưởi ấm trái tim của những hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: MẠNH KHANG

Những ngày này, nhóm bạn của Hà Ngọc Quý (24 tuổi) tỏa ra trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ba Tháng Hai, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y... Bạn Huỳnh Cẩm Tú, thành viên của nhóm, kể: "Tụi mình vừa gặp gia đình ba mẹ con, hai em bé nhỏ xíu mà phải ngủ ngoài đường. Lúc tặng bánh và sữa, các em mừng tíu tít, thấy thương lắm. Tụi mình phát quà đến 3h sáng ai cũng mệt, buồn ngủ nhưng vui vì làm điều có ích dù rất nhỏ".

3 thế hệ cùng tham gia phát quà

Góp mặt trong buổi phát quà còn có bà Hương Lữ (63 tuổi). Bà đi cùng con trai là anh Lê Duy Liêm (45 tuổi) và cháu nội Lê Minh Quang (4 tuổi). Bà Lữ bảo trao đến người nghèo một món quà cùng lời động viên họ trong đêm đông như thế này sẽ rất ý nghĩa. Khi nghe con trai rủ, bà gật đầu ngay. Bà Lữ kể bữa trước thấy có người bán vé số phải lết trên đường, bà cùng con trai hỏi thăm và gửi tặng một số tiền để họ mua chiếc xe lăn di chuyển.

"Tui chỉ làm sữa chua bán thôi, cũng không dư dả gì nhưng thấy người khác khó hơn, tui rất muốn chia sẻ. Tình người mới quan trọng" - bà Lữ nói.

Kết nối những trái tim

Kể về lý do phát động chương trình, Triệu Võ Trung Tính nghèn nghẹn nhớ về hoàn cảnh của mình. Cuối năm lớp 10, vì gia cảnh khó khăn, Tính phải rời Hậu Giang lên TP.HCM tìm việc. "Chân ướt chân ráo" cộng với nhiều biến cố ập tới khiến Tính "trắng tay", không có tiền về quê, lang thang ngủ bụi hơn nửa năm trời. "Vì vậy, mình rất thấm thía những đêm mùa đông của ngày giáp năm mới. Gió cứ thốc mạnh trong khi mình không có cái áo khoác nào, bị bệnh sốt nhưng không có thuốc để uống. Nhớ lại những ngày đó, mình quyết tâm thực hiện chương trình này, giúp mọi người có thêm chút gì đó ấm lòng hơn" - Tính xúc động.

Khi Tính phát động chương trình phát quà đến người vô gia cư ở Sài Gòn đêm giao thừa, Hóa đã đồng hành và vận động bạn bè, mạnh thường quân cùng góp quần áo cũ, tiền bạc. Các thành viên tham gia, nhiều người không biết nhau từ trước, người này là bạn của người kia rồi cùng rủ đến. Ai có gì thì góp nấy. Nguyễn Tấn Phát (sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) tham gia "tập kết" quần áo cũ từ khắp TP về đây. "Thông tin quyên góp cho chương trình đăng lên Facebook, nhiều người biết đã gửi tặng quần áo cũ. Thông qua Tính cung cấp địa chỉ, tụi mình chạy xe đến lấy về" - Phát kể. Liên tục mấy ngày liền, có ngày đi tới 0h sáng, chạy vòng vòng bở hơi tai nhưng cậu bạn vẫn vui vẻ.

Để có tiền mua quà, bên cạnh nguồn kinh phí đóng góp của mạnh thường quân, nhóm của Huỳnh Thị Phương Dung (Trường ĐH Mở TP.HCM) còn đi bán báo, bán trà chanh, trà đào, bắp nướng... Số tiền thu được các bạn dùng để mua bánh, mì, sữa cho những hoàn cảnh khó khăn. Dung tâm sự: "Nhiều lần đi về khuya, nhìn những người lớn tuổi không có nhà cửa phải ngủ hè phố, mình nghĩ chắc họ lạnh lẽo và khổ sở lắm. Nhìn thấy xót nên mình luôn nghĩ cố gắng san sẻ với họ chút quà gì đó để họ thấy ấm áp hơn".

Muốn là "gánh hát qua làng trong tuổi thơ"

Nhìn hơn 250 em học sinh Trường tiểu học Đan Phượng 1 (Đan Phượng, Lâm Hà, Lâm Đồng) ngồi ăn món bún thịt nướng ngon lành giữa sân trường mà 60 thành viên CLB truyền thông REC miền Nam (ĐH KHXH&NV TP.HCM) tiêu tan hết những mệt mỏi sau chuyến đi dài.

Đây là năm thứ tư các bạn trẻ tổ chức chương trình "Thắp sáng vùng cao" đến với các em nhỏ vùng khó khăn. Ngày cuối tuần cũng là ngày cuối năm, trường Đan Phượng rộn ràng khi "gánh hát" biểu diễn kịch thiếu nhi, tô tượng, chụp ảnh, chơi zic zac điện, nặn đất sét... để lấy màu vẽ, bút tập... và có nước ngọt uống cả ngày.

Gần 700 suất ăn gửi đến 600 em học sinh và các thầy cô được chuẩn bị kỹ càng. Các bạn cũng vận động bạn bè, doanh nghiệp để tặng một tủ sách, học bổng cho các em, tặng nhà trường thiết bị dạy học, giường y tế... Các thành viên bảo "muốn là một gánh hát qua làng trong tuổi thơ của các em". (VŨ THỦY)

MINH PHƯỢNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên