20/07/2004 23:37 GMT+7

Sâu từ rừng... đến biển

DUY KHANG
DUY KHANG

TT - Đứng từ ngư cảng Trần Đề nhìn về Nông trường 30-4, chúng tôi đã nhận ra 1.000ha rừng bần phòng hộ với một màu úa vàng xơ xác.

H9KOU8Gc.jpgPhóng to
Một vạt rừng phòng hộ ven biển ở huyện Cù Lao Dung bị sâu ăn trụi lá
TT - Đứng từ ngư cảng Trần Đề nhìn về Nông trường 30-4, chúng tôi đã nhận ra 1.000ha rừng bần phòng hộ với một màu úa vàng xơ xác.

Những cây bần chừng năm năm tuổi là tấm lá chắn sóng cho hàng ngàn hộ dân đang trơ ra những nhánh khô.

Sâu không chỉ cắn phá dãy rừng từ ngư cảng Trần Đề đến Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Long Phú, Sóc Trăng) dài hơn 8km mà đã lan sang cánh rừng bần khoảng 1.000ha này. Ở đâu cũng thấy sâu dày đặc...

Người đi trước... sâu rượt theo sau!

Khá vất vả chúng tôi mới lọt vào được một con rạch nhỏ với hai bên toàn là sâu bần bám đầy trên thân cây để vào nhà bà Năm Quyết - một phụ nữ gần 60 tuổi đang từng ngày đối mặt với dịch sâu.

Bà Năm vừa quét mạnh đàn sâu đang lũ lượt kéo nhau tràn vào nhà để trốn nắng vừa than: “Phải ngồi trước nhà suốt ngày để canh sâu vì nắng nóng là chúng kéo nhau vào nhà. Hết ăn lá non, chúng lại bò vô nhà, chui vào quần áo làm cho mấy đứa con nít bị sâu “bắn” muốn chết”.

Ông Phạm Thành Thảo - trưởng Phòng quản lý và bảo vệ rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Chúng tôi đã báo với Cục Kiểm lâm để tìm phương pháp tiêu diệt sâu nhưng đến ngày 20-7 vẫn chưa được trả lời. Do rừng bần quá cao, nếu sử dụng thuốc trừ sâu phun vào thì chỉ có thể dùng máy bay. Tuy nhiên, hiện nay hàng trăm hecta tôm sú của bà con chưa thu hoạch nên sợ phun thuốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và làm chết tôm. Vì vậy đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được biện pháp nào hữu hiệu để diệt sâu”.

Càng đi xa về hướng biển mật độ sâu cắn phá càng nhiều. Mỗi cây bần có vô số sâu bám vào thân và lá. Ăn hết lá non của cây này sâu rơi xuống biển và theo nước trôi vào cây bên cạnh để tiếp tục cuộc hành trình... ăn lá.

Đang trò chuyện với bà Năm, từ phía nhà bếp bỗng có tiếng hét lên của cô con gái út. Bà Năm phân bua: “Lại là sâu rớt vào thức ăn nữa rồi. Nấu nướng cái gì cũng phải đậy kín lại, nếu không thì sâu lông rớt vào phải mang đi đổ bỏ”.

Có tận mắt chứng kiến cuộc hành trình tìm nơi “nghỉ trưa” của loại sâu này mới thật sự thấy khủng khiếp.

Hàng bầy hàng bầy lũ lượt bò xuống gốc bần và cùng nhau kéo từng đàn băng qua con đê rộng khoảng 1m.

Vừa đặt chân lên bờ đê chúng tôi phải nhảy nhanh trở lại vỏ lãi vì đám sâu như tỏ ra hung dữ trong “cuộc chiến giành lãnh địa”, từ trong bụi cỏ bất ngờ bò ra nhung nhúc.

Một thanh niên tên Tân là người chuyên chạy xe ôm vào rừng và cũng là dân “sống chung với sâu” mách nước bằng cách trùm kín người bằng áo mưa, chân phải bao lại bằng bọc nilông để tránh sâu “bắn” mới có thể lên bờ.

Tuy nhiên khi đi được hơn 100m, bất ngờ một cơn gió mạnh quật vào tán cây bần làm đàn sâu rơi ào xuống, hơn 50 con sâu lông bám vào người.

Khi vượt ra khỏi rừng bần, anh Tân cho biết: “Mấy hôm nay sâu không chỉ bò ngổn ngang trên đê mà còn bò vào chợ làm nhiều người không buôn bán gì được. Nhiều lúc vừa dừng lại nói chuyện với khách nhìn lại đã có mấy chục con sâu lớn nhỏ bò khắp trên xe”.

Đi về các ấp Võ Thành Văn, Vàm Hồ... của xã An Thạnh Nam, đâu đâu cũng nghe bà con nói chuyện sâu bần. Những cánh rừng đang căng tràn nhựa sống, trong một thời gian ngắn chỉ còn lại những cành cây khô trơ trụi, sâu bám đầy đung đưa trước gió biển.

Đêm xuống, lênh đênh trên biển cạnh bìa rừng phòng hộ, chúng tôi phải cố gắng bám lấy dây neo để chiếc vỏ lãi không bị trôi vào rừng.

Vài phút phải soi đèn pin xung quanh một lần và liên tục dùng thanh tre gạt sâu bám vào hai bên vỏ lãi để chúng không kịp bò lên người.

Tuy nhiên, khi ánh đèn pin sáng lên thì cả đàn bướm liền ập đến. Khuya, không gian như cô đặc lại, chúng tôi lại nghe khá rõ tiếng rì rào phát ra từ cánh rừng bên bờ Mỏ Ó. Đó là tiếng của những chiếc lá bần non bị sâu róm... “tàn sát”.

P1fXCmkX.jpgPhóng to
Bị sâu "bắn" làm tay chân chị Lấm sưng to, không thể cử động được
Nỗi kinh hoàng của người đi biển

Khi ăn hết lá, sâu làm kén hóa bướm, những con sâu “thiếu may mắn” bị rơi tõm xuống biển làm cho môi trường nước trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều ngày qua, một lượng lớn sâu róm trôi đầy trên mặt nước tạo nên nỗi kinh hoàng đối với nhiều người đi biển. Khốn khó nhất ở khu vực Xóm Đáy (xã Trung Bình, huyện Long Phú) là gia đình chị Lâm Thị Lấm.

Chị kể: do cuốn lưới vào lúc trời rạng sáng không thấy được sâu vướng vào lưới, cả gia đình cùng bị lông sâu đâm vào tay gây nên những cơn đau nhức, sưng tấy và đến giờ vẫn không cử động được.

Chị Lấm nói: “Tay ổng (chồng chị) bị sưng gần một tháng không làm gì được. Ổng vừa phải lấy vải cột tay lại để đi biển cào cá, tép. Đêm qua tay tôi bớt sưng nhưng nhức lắm, không ngủ được”.

Trên đường xuôi vỏ lãi về biển Mỏ Ó chúng tôi được bà Ba Hạnh (xã Trung Bình, huyện Long Phú) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, khi kéo đáy lên là xúc ra cả rổ sâu. Sợ nhất là sâu bám vào lưới, lấy không sạch lông sâu là bị ngứa hoài”.

Cũng theo bà Hạnh, từ khi dịch sâu róm xuất hiện, cá khoai tươi không một ai dám ăn bởi cá và sâu cùng vào một đáy, trong khi da của cá khoai rất mịn nên có rất nhiều lông của sâu róm chui vào nhưng cạo rửa không ra.

Còn ông Tư Thương ở chợ Rạch Tráng (xã An Thạnh Ba, Cù Lao Dung) cho biết hiện nay không người nào dám mua cá út trắng vì nhiều người cho biết loại cá này rất thích ăn sâu lông từ trên cây bần rơi xuống.

Nhiều ngày qua tại trạm y tế xã An Thạnh Nam đã có trên mười người đến điều trị vì mắc phải các triệu chứng sưng, đau nhức, nóng sốt do sâu “bắn”.

Chị Kim Thị Thùy Linh - y sĩ trực ở trạm y tế xã - cho biết: “Trước mắt, gặp những ca bệnh như thế này chúng tôi chỉ điều trị bằng cách cho uống thuốc kháng viêm, dị ứng và theo dõi bệnh. Về sau không biết có ảnh hưởng gì không vì hiện tại vẫn chưa xác định được độc tố của sâu”.

Nhiều người đã kể về trường hợp một thanh niên tại Nông trường 30-4 đã chết vì có liên quan đến sâu róm: sau khi đi vào rừng bần bị sâu bám vào người gây sưng, ngứa nhưng anh không điều trị. Khi những cơn ngứa nổi lên, anh không thoa thuốc mà gãi nên tạo thành những vết loét, nhiễm trùng, nóng sốt và...

Ông Hồ Văn Sáu - bí thư đảng ủy xã Trung Bình (huyện Long Phú) - nói rằng đây là đợt sâu ăn lá lớn nhất từ trước đến nay trên cánh rừng phòng hộ ven biển.

Ông cho biết: “Khi nghe thông tin sâu xuất hiện rất nhiều ở rừng phòng hộ và nhiều ngư dân bị sâu làm sưng cả tay chân, chúng tôi đã báo ngay với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng và cùng đơn vị này đi khảo sát thực tế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về biện pháp phòng trị”.

DUY KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên