17/04/2018 13:49 GMT+7

Sau tên lửa xuống Syria, Mỹ dội cấm vận vào Nga

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các diễn biến liên tục sau cuộc không kích Syria khiến nhiều người hoa mắt. Bóc tách tất cả, nó thực chất lại là màn đối đầu giữa Nga và Mỹ một lần nữa.

Sau tên lửa xuống Syria, Mỹ dội cấm vận vào Nga - Ảnh 1.

Thế giới đang dõi theo Tổng thống Nga Vladimir Putin trong xử lý bài toán Syria - Ảnh: REUTERS

Phát biểu trên truyền hình Mỹ ngày 15-4, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tiết lộ Washington đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt Nga vì "ủng hộ chế độ Syria Bashar al-Assad".

Người Mỹ, sau khi dẫn đầu liên minh 3 nước gồm Anh, Pháp, tấn công Syria hôm 14-4, đang cho thấy họ nhắm tới người Nga nhiều hơn. Thực tế là vậy, sự can thiệp của Matxcơva vào Syria kể từ năm 2015 đã làm xáo trộn nhiều toan tính của Mỹ, đánh bật nhiều lực lượng chống Chính phủ Syria được Washington hỗ trợ.

1 tháng 3 lệnh trừng phạt?

"Các lệnh trừng phạt sẽ nhắm trực tiếp vào những công ty liên quan đến các thiết bị trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền al-Assad" - bà Haley tiết lộ. 

Đích thân Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ công bố các biện pháp trừng phạt vào ngày 16-4 (giờ Mỹ). Nếu được xác nhận, đây đã là lệnh trừng phạt thứ 3 của Mỹ nhắm vào Nga trong vòng chưa tới 1 tháng. Cộng thêm các bước đi ngoại giao liên quan, chính quyền Mỹ Donald Trump đang có cách tiếp cận cứng rắn chưa từng có với Matxcơva kể từ khi ông lên nhậm chức.

Hôm 11-4, viết trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump thừa nhận quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức tệ chưa từng thấy, đồng thời chủ động kêu gọi Nga - Mỹ ngừng chạy đua vũ trang, đổi lại Washington sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga tăng trưởng.

Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã khiến nền kinh tế của nước này trì trệ.

Đáp trả lại đe dọa mới nhất từ Mỹ, Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Yevgeny Serebrennikov tuyên bố "Nga không bao giờ cung cấp công nghệ lưỡng dụng" cho Syria, cho rằng "đây tiếp tục là những cáo buộc sai trái và dối trá khác của Mỹ".

Ông Serebrennikov cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng ứng phó trước hàng loạt biện pháp trừng phạt mới, đồng thời lưu ý các biện pháp trừng phạt Nga càng mạnh thì càng gây thêm thiệt hại cho chính Mỹ và châu Âu.

Điện Kremlin ngày 16-4 cho biết Nga vẫn hi vọng đối thoại với Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Nga hi vọng rằng khi Mỹ giải quyết các vấn đề nội bộ, hai nước có thể "bắt đầu một số cuộc liên lạc cho dù tổn hại trong mối quan hệ song phương hiện nay chủ yếu do Washington gây ra". 

Trước đó, tranh cãi giữa Nga và Anh, Mỹ tiếp tục nổ ra khi nhóm điều tra thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học bị từ chối tiếp cận Douma (Syria) - khu vực nghi bị Chính phủ Syria tấn công hóa học ngày 7-4.

Tuy nhiên, ngay sau tín hiệu từ Nga, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lại cho biết Washington đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga nhưng không lý giải nguyên nhân tại sao. Đại diện Nhà Trắng cho biết quyết định sẽ sớm được đưa ra trong tương lai gần.

Sau tên lửa xuống Syria, Mỹ dội cấm vận vào Nga - Ảnh 2.

Những ánh mắt tuyệt vọng của cư dân còn bám lại ở thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta sau khi quân nổi dậy rút đi và quân đội chính quyền Syria vào tiếp quản ngày 16-4 - Ảnh: REUTERS

Đồng minh Mỹ kêu gọi giải pháp chính trị

Pháp, một bên tham gia không kích Syria cùng Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, gồm cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị toàn diện tại quốc gia Trung Đông này.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BFM TV, RMC và trang tin tức trực tuyến Mediapart ngày 15-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định quan điểm của Pháp là đối thoại với tất cả các bên.

Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Syria đòi hỏi các cuộc đối thoại với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Macron nhấn mạnh: "Đây là điều kiện để có được hòa bình". Tổng thống Macron tuyên bố sau các cuộc không kích ngày 14-4, giờ đây ưu tiên hàng đầu của Pháp, Mỹ và Anh là "chuẩn bị cho một giải pháp chính trị thay thế lâu dài, cho phép một sự chuyển đổi trong khuôn khổ hiến pháp".

Cũng giống như Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Macron đang đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước, đặc biệt là từ quốc hội nước này, khi nhà lãnh đạo Pháp có hành động "tiền trảm hậu tấu", không tham vấn với các nghị sĩ trước khi quyết định tham gia tấn công Syria.

Dự kiến bà May sẽ phải đăng đàn giải thích trước quốc hội rằng đâu là lợi ích quốc gia của Anh khi tham gia cùng Mỹ tấn công Syria vào ngày 16-4 (giờ Anh).

Châu Âu và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đang chia rẽ xung quanh vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã nhiều lần bắt tay Nga dàn xếp các thỏa thuận, hòa đàm cho Syria, ngày 16-4 tuyên bố "không đứng về bên nào trong vấn đề Syria", nhấn mạnh chính sách khác biệt với Mỹ, Nga và Iran.

Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria "càng sớm càng tốt"

Nhà Trắng ngày 16-4 tuyên bố Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên ý định rút gần 2.000 quân Mỹ ở Syria về nước "càng sớm càng tốt". Tuyên bố được đưa ra sau khi tổng thống Pháp cùng ngày khẳng định ông tin rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự thường trực tại Syria "trong một thời gian dài".

Nga công bố loại vũ khí hạ tên lửa Mỹ rụng như sung ở Syria Nga công bố loại vũ khí hạ tên lửa Mỹ rụng như sung ở Syria

TTO - Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và trung Pantsir-S1 do Nga sản xuất là một trong các hệ thống vũ khí đã đánh bật 70% tên lửa do liên quân Mỹ, Anh và Pháp bắn vào Syria rạng sáng 14-4.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên