Sầu riêng chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 11-7 - Ảnh: TTO
Ngày 11-7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm.
Theo nghị định thư, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Việc ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đã được Bộ NN&PTNT và GACC chuẩn bị, đàm phán trong hơn 2 năm qua.
Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.
Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.
Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng.
Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…
Các hoạt động giám sát và quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ quản lý kỹ thuật được Bộ NN&PTNT hoặc đơn vị do Bộ NN&PTNT ủy quyền tập huấn.
Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác...
Năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận