02/10/2017 18:27 GMT+7

Sau dự án nuôi rừng là... phá rừng

TRƯỜNG TRUNG-NAM UYÊN
TRƯỜNG TRUNG-NAM UYÊN

TTO - Ngay sau khi dự án "Khôi phục và quản lý rừng bền vững" (KFW6) kết thúc, một số diện tích rừng trong dự án này bị đốt phát tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chính quyền địa phương chưa biết hướng xử lý vì người dân có sổ đỏ trong tay.

Sau dự án nuôi rừng là... phá rừng - Ảnh 1.

Những khu vực rừng thuộc dự án "Khôi phục và quản lý rừng bền vững" (KFW6) tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn bị phá lẻ tẻ - Ảnh: NAM UYÊN

Đốt rừng khi hết tiền hỗ trợ trồng rừng

Thời gian qua, nhiều nhiều cánh rừng thuộc xã Quế Ninh, Quế Phước, Quế Trung, Phước Ninh (huyện Nông Sơn) nằm trong hợp phần KFW6 bị người dân đốt phá. Đặc biệt là những diện tích rừng nằm tiếp giáp với các rừng keo do người dân trồng. Có mặt tại đây những ngày qua chúng tôi ghi nhận bên cạnh những khu rừng bị đốt cháy đang trong giai đoạn chờ mưa để gỗ mùn phân hủy, nhiều khu đã được trồng keo lá tràm ngay bên cạnh những cây thân gỗ lớn đã bị cưa chỉ còn lại gốc.

Hồi trước mỗi tháng người ta trả cho các hộ dân khoảng 400 ngàn đồng/ha, giờ dự án không còn nữa dân mới nghĩ ra kế sinh nhai là đốt một số diện tích để vừa khai thác, vừa trồng lại keo.

ông Phạm Tám – cán bộ xã Quế Ninh

Điển hình như tại tiểu khu 411 thôn Mậu Long 1 (xã Quế Ninh) một mảng rừng bị đốt phá còn muội than mới tinh.Theo người dân, khu rừng này vốn có các loại cây như dó bầu, sao đen, lim xẹt... bị đốt cách đây khoảng 1 tuần. Cạnh các loại cây bị đốt cháy có nhiều gốc cây đường kính 50-60cm còn vết cưa tươi mới. Tại các tiểu khu 440, 437 cũng nằm chung tình trạng trên.

Ông Phạm Tám – cán bộ xã Quế Ninh cho biết tình trạng này diễn ra gần 2 năm nay nhưng vì phạm vi rộng lớn, lực lượng chuyên môn của địa phương và cơ quan kiểm lâm địa bàn không thể quán xuyến hết.

"Hồi trước mỗi tháng người ta trả cho các hộ dân khoảng 400 ngàn đồng/ha, giờ dự án không còn nữa dân mới nghĩ ra kế sinh nhai là đốt một số diện tích để vừa khai thác, vừa trồng lại keo. Tại xã đã có một số hộ bị lập biên bản rồi nhắc nhở. Do những diện tích rừng bị phá đều có sổ đỏ giao cho dân nên không thể dùng chế tài mạnh được" - ông Tám cho biết.

Chưa biết hướng xử lý

Lý giải chuyện phá rừng công khai, ông Lê Văn Mạnh – kiểm lâm địa bàn xã Quế Ninh cho biết khu vực phụ trách quá rộng lớn việc đốt rừng tràn lan nên xử lý không xuể. "Có nhiều khu rừng, hôm nay mình tuần tra thì còn xanh nhưng bữa sau trở lại thì cây lớn đã bị chặt hạ, cây nhỏ đã bị đốt"- ông Mạnh nói.  

Theo ông Mạnh, chính quyền và ngành kiểm lâm cũng biết tình trạng trên nhưng gần như chỉ dừng lại ở mức lập biên bản thôi chứ không có chế tài xử lý bởi dự án đã kết thúc nhưng sổ đỏ thì còn trong tay người dân. "Chúng tôi cũng xót lắm. Ngành kiểm lâm và chính quyền huyện cũng đã có báo cáo và đề xuất tỉnh sớm có phương án. Chứ không tình trạng này kéo dài thì rừng bị phá hết. Người dân phát triển kinh tế từ rừng thì chính đáng thôi, nhưng không phải bằng cách này" - ông Mạnh chua xót.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 2-10, ông Lê Ngọc Trung, chủ tịch UBND huyện Nông Sơn thừa nhận có tình trạng phá rừng trong diện tích dự án KFW6. Ông Trung cho biết dự án KFW6 do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai trên địa bàn từ năm 2006 đến năm 2011 với diện tích khoanh nuôi là 1992,59ha/1.424hộ. 

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014, Ban quản lý dự án KFW6 huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng dự án vận động, hướng dẫn các hộ gia đình tiếp tục quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện có. Đến năm 2015, khi kết thúc giai đoạn thực hiện, dự án được bàn giao lại cho huyện Nông Sơn quản lý.

Sau dự án nuôi rừng là... phá rừng - Ảnh 3.

Trong khi chính quyền chưa tìm ra hướng xử lý thì rừng vẫn bị phá, đây là điều nghịch lý vì những người tham gia phá rừng trước đó tham gia phát triển rừng- Ảnh: NAM UYÊN

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, quản lý dự án trên địa bàn huyện có phát sinh một số khó khăn vướng mắc. "Trước đây BQL Dự án KFW6 chưa tiến hành bàn giao ngoài thực địa đối với diện tích rừng thuộc dự án này mà chỉ bàn giao số liệu, do đó tại thời điểm bàn giao rừng chưa đánh giá được hiện trạng rừng. Ngoài ra, diện tích rừng được quy hoạch cho Dự án KFW6 là rừng sản xuất, một số diện tích rừng Dự án KFW6 đã đến tuổi khai thác, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về quy chế khai thác rừng Dự án KFW6"- ông Trung nói.

Vì đây là diện tích rừng mà người dân có sổ đỏ, liên quan yếu tố do nước ngoài tài trợ nên tỉnh cũng đang xin ý kiến để giải quyết triệt để vấn đề này.

ông Lê Ngọc Trung, chủ tịch UBND huyện Nông Sơn

Cũng theo ông Trung, khi dự án chưa kết thúc, những hộ tham gia dự án được nhận được tiền từ dự án nhưng khi dự án kết thúc, hết kinh phí hỗ trợ nhiều hộ đã phát toàn bộ thực bì trên diện tích được giao để trồng rừng keo, làm kinh tế để đảm bảo kế sinh nhai. 

"Chưa có thống kê diện tích rừng trong dự án bị mất vì việc phá rừng diễn ra lẻ tẻ suốt năm qua. Huyện đã biết và đã có báo cáo tỉnh để xin cơ chế xử lý. Vì đây là diện tích rừng mà người dân có sổ đỏ, liên quan yếu tố do nước ngoài tài trợ nên tỉnh cũng đang xin ý kiến để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoài ra có nhiều loại rừng trong dự án, mình phải xác minh dân phá rừng loại nào thì mới đề xuất xử lý. Còn hiện tại thì địa phương với kiểm lâm phối hợp vận động dân giữ rừng và lập biên bản xử phạt đối với người phá rừng"- ông Trung nói.  

TRƯỜNG TRUNG-NAM UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên