Một công nghệ giáo dục có tính năng làm thí nghiệm ảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 28-7, hàng trăm nhà giáo và các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục trong và ngoài nước tham dự Triển lãm Công nghệ giáo dục 2023 (CTE 2023) tại TP.HCM.
Công nghệ giáo dục 51 tỉ USD
Ông Sudeep Laad - chuyên gia từ tập đoàn tư vấn giáo dục toàn cầu L.E.K - cho biết các nghiên cứu của đơn vị cho thấy lĩnh vực công nghệ giáo dục vẫn thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm toàn thế giới.
Trong 3 năm 2019 - 2022, công nghệ giáo dục thu tổng số vốn đầu tư mạo hiểm 51 tỉ USD. Công nghệ giáo dục toàn cầu xếp hạng 4 trong các ngành nhận được vốn mạo hiểm nhiều nhất, sau lĩnh vực sức khỏe (307 tỉ USD), công nghệ tự động (207 tỉ USD) và thực phẩm (114 tỉ USD).
Theo ông Sudeep Laad, nếu chia các giải pháp công nghệ giáo dục theo độ tuổi người học thành 4 nhóm mẫu giáo, K-12, đại học và sau đại học (học suốt đời) có thể thấy rõ sự thay đổi trong xu hướng công nghệ giáo dục trong và sau dịch COVID-19.
Cụ thể trong dịch, các ứng dụng cho nhóm K-12 và đại học phát triển rất mạnh, chủ yếu các nền tảng học online. Khi dịch COVID-19 qua đi, tăng trưởng mạnh nhất thuộc về nhóm sau đại học (học suốt đời).
Ngày càng nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học vẫn có nhu cầu tự học và kênh được lựa chọn là các ứng dụng công nghệ giáo dục. Gần 50% người dùng các app công nghệ để học tập là học ngoại ngữ.
Ông Sudeep Laad phân tích thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu hiện nay - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Bà Trương Lê Quỳnh Tương - giám đốc khu vực Đông Nam Á của ClassIn - cho rằng sau COVID-19, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của thị trường thế giới.
Điển hình trong nửa năm 2023, rất nhiều quỹ đầu tư lớn đã rót vốn vào các công ty công nghệ giáo dục Việt Nam. Có thể kể đến MindX gọi được 15 triệu USD (tháng 4-2023), EQuest gọi được 120 triệu USD (tháng 5-2023), Teky gọi được 10 triệu USD (tháng 6-2023), Vuihoc gọi 6 triệu USD (tháng 7-2023).
Theo bà Tương, ngoài việc rất quan tâm đầu tư giáo dục cho con, phụ huynh Việt Nam cũng rất cởi mở về công nghệ và các phương thức học tập mới. Ngành giáo dục cũng có nhiều chính sách khuyến khích dùng công nghệ gia tăng chất lượng dạy và học.
Công nghệ và giáo dục chưa "nhuyễn"
Nhìn ở góc độ khác, bà Tương nhận định vẫn còn nhiều thử thách cho các đơn vị làm công nghệ giáo dục. Một trong số đó nằm ở các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục - những bên sẽ đầu tư áp dụng công nghệ.
Phần nhiều vẫn khá đắn đo có nên đầu tư tài chính cho công nghệ, hay là dành nguồn tiền đó cho những khâu khác đem lại lợi nhuận nhanh hơn. Đặc biệt khi kinh tế khó khăn, sự đắn đo này càng lớn hơn.
Các chuyên gia thảo luận bàn tròn về công nghệ giáo dục hậu COVID-19 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: có một thực tế rằng niềm tin của nhiều cơ sở giáo dục vào công nghệ có phần giảm sút khi họ cảm nhận áp dụng một số công nghệ giáo dục có vẻ không mang lại nhiều khác biệt so với lớp học truyền thống.
Bà Thơ cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ sự kết hợp của công nghệ và giáo dục chưa thật sự "nhuyễn". Một số công nghệ giáo dục chủ yếu thiên về công nghệ mới mà chưa thực sự gắn chặt với việc dạy và học thực tế.
Mặt khác, bà Thơ cũng cho rằng hiện tại các nghiên cứu đưa công nghệ vào giáo dục ở Việt Nam đang bùng nổ, hứa hẹn hai yếu tố "công nghệ" và "giáo dục" có thể phối hợp với nhau "nhuyễn" hơn thông qua các ứng dụng thực tế.
Ông Tú Phạm - sáng lập nền tảng Prep.vn - nêu góc nhìn việc áp dụng công nghệ tại các cơ sở giáo dục dù có thể không mang tới kết quả ngay lập tức nhưng cũng không thể chậm.
Từ kinh nghiệm chuyển đổi từ các lớp học trực tiếp sang nền tảng online, ông Tú Phạm cho biết có một số mảng các cơ sở giáo dục có thể cân nhắc áp dụng sớm như phần mềm quản lý học sinh, số hóa các bài tập, chấm điểm…
Một sự chuẩn bị khác là về dữ liệu. Nếu không có dữ liệu, một khi có nhu cầu áp dụng công nghệ, các cơ sở giáo dục sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận