18/03/2021 08:21 GMT+7

Sau COVID-19, Đà Nẵng 'sực tỉnh' sau thời gian dài dựa vào đất và du lịch

TẤN LỰC - HỮU KHÁ
TẤN LỰC - HỮU KHÁ

TTO - Những tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá trăm triệu USD lần lượt được "rót" vào Đà Nẵng.

Sau COVID-19, Đà Nẵng sực tỉnh sau thời gian dài dựa vào đất và du lịch - Ảnh 1.

Tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư đã đi vào sản xuất - Ảnh: TẤN LỰC

Thay vì chủ yếu dựa vào nguồn thu từ khai thác quỹ đất, du lịch và dịch vụ, Đà Nẵng - “thủ phủ” của miền Trung - đang tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng trọng tâm vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Những tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá trăm triệu USD lần lượt được "rót" vào Đà Nẵng.

Điểm chung các dự án này là đều tập trung vào công nghệ cao, công nghệ thông tin và kỹ thuật tiên tiến.

Đây là những viên gạch đầu tiên trong định hướng tái cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng hậu COVID-19: tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, thu hút các doanh nghiệp toàn cầu.

Nhiều tên tuổi công nghệ "đổ bộ"

Từ đầu tháng 3, trên công trường Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), hàng trăm công nhân và kỹ sư tất bật cắt thép, dựng trụ đổ bêtông. Năm khu nhà xưởng quy mô lớn dần thành hình để kịp lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử vào cuối tháng.

Theo kế hoạch hợp tác với các đối tác Mỹ, các nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 tới đây với doanh thu ước tính mỗi năm trên 1 tỉ USD. Với 6 triệu sản phẩm sản xuất hằng năm, chủ đầu tư cam kết góp sức nghiêm túc vào sự phát triển công nghệ điện tử tại Đà Nẵng.

Không chỉ sản xuất, doanh nghiệp này còn đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển, xây dựng nhà ở chuyên gia để thu hút những bộ não nước ngoài về góp sức đào tạo nguồn nhân lực.

Trước đó, tại trụ sở Khu công nghệ cao, ông Hồ Kỳ Minh - phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng - đã trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án lớn, trong đó có những dự án hàng trăm triệu USD như Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise, Nhà máy sản xuất máy in 3D Arevo Inc (Mỹ).

Đà Nẵng cũng vừa thu hút thành công Tập đoàn điện tử LG (Hàn Quốc) đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển tại đây.

Bên cạnh đó, một tập đoàn công nghệ trong nước đang tích cực triển khai tổ hợp không gian sáng tạo quy mô 17ha với tổng mức đầu tư 12.000 tỉ đồng tại khu đô thị mới Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Ngoài ra, nhiều dự án công nghệ tiên tiến đã đi vào sản xuất như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị thủy lực Tokyo Keike...

Sau COVID-19, Đà Nẵng sực tỉnh sau thời gian dài dựa vào đất và du lịch - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Hướng đi hợp lý

Đây là một bước chuyển hướng rất lớn với Đà Nẵng sau một thời gian dài thu nhập chủ yếu dựa vào quỹ đất và du lịch. Những chuyển động dồn dập đang mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho bức tranh kinh tế Đà Nẵng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Lee Sungnyung - tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng - cho biết nhiều doanh nghiệp nước này đã đến Đà Nẵng khảo sát điều kiện đầu tư, song họ vẫn tìm hiểu thêm các khu kinh tế lân cận - nơi có chi phí đầu tư thấp.

Ông Lee khuyến cáo Đà Nẵng cần chú trọng hơn nữa đến việc cải thiện cơ sở vật chất và hạ tầng khu công nghiệp, mang đến cho các nhà đầu tư một môi trường làm việc năng động, hiện đại và vượt trội.

"Hàn Quốc là quốc gia tập trung vào nghiên cứu và phát triển, do đó môi trường làm việc mà các công ty Hàn Quốc mong đợi phải tương xứng với các dự án đầu tư của họ.

Đà Nẵng có thể tham khảo mô hình các thành phố công nghiệp của Hàn Quốc như Busan, Ulsan, Daegu - nơi có thể phát triển cùng lúc cả công nghiệp và du lịch. Tôi cho rằng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin là hướng đi hợp lý của Đà Nẵng.

Những ngành công nghiệp này ít ảnh hưởng đến môi trường, có thể phát triển hiệu quả cùng với du lịch. Hơn nữa, việc xây dựng các trung tâm CNTT và nghiên cứu phát triển tại Đà Nẵng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở hai đầu đất nước là một ý tưởng thiết thực" - ông Lee nhắn nhủ.

Ông Lee Sungnyung cho biết: "Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, POSCO, Hyundai, Lotte, SK... đã có mặt tại VN từ nhiều năm nay và kéo theo rất nhiều nhà cung cấp và đối tác của họ.

Năm ngoái LG đã thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển linh kiện xe hơi tại Đà Nẵng và có thể sau này sẽ phát triển trung tâm nghiên cứu hàng đầu của họ tại đây.

Tôi tin rằng Đà Nẵng có thể tận dụng cơ hội này để thu hút thêm các công ty công nghệ Hàn Quốc, đặc biệt là sau khi hạ tầng Công viên phần mềm số 2 và Khu công nghệ thông tin tập trung được hoàn thiện".

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sang - đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng - cho rằng các địa phương khác ở VN đều muốn thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Do đó, Đà Nẵng cần phải quan tâm đầu tư vào hạ tầng cho tốt, có những chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa về thủ tục, nhất là với doanh nghiệp FDI. Ông Sang dự báo ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin sẽ mang lại đóng góp lớn cho kinh tế Đà Nẵng và VN trong tương lai.

Tuy nhiên, trong mắt nhà đầu tư, TP này còn yếu về công nghiệp phụ trợ và lao động kỹ thuật. Điều này khiến các công ty quy mô lớn ngần ngại đưa ra quyết định thành lập nhà máy ở đây.

Ông Nguyễn Anh Huy - giám đốc Công ty CP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng - cho biết TP tồn tại hai nút thắt lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động, nhà xưởng. Trong đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi làn sóng công nghiệp hóa tại các địa phương lân cận đang diễn ra mạnh mẽ.

Để tạo sự chú ý của nhà đầu tư trong cuộc đua thu hút dòng vốn FDI giữa các tỉnh thành hiện nay, ông Huy cho rằng Đà Nẵng cần định hướng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Việc này sẽ nâng chất lượng các dự án, chất lượng sản phẩm.

Thay vì cạnh tranh, TP nên chủ động phối hợp cùng các tỉnh lân cận xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ mạnh để nâng đỡ công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm nhập khẩu nguyên liệu bên ngoài.

Sau COVID-19, Đà Nẵng sực tỉnh sau thời gian dài dựa vào đất và du lịch - Ảnh 3.

Công nhân gấp rút thi công dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện tử do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Hướng tới trung tâm công nghệ cao của Đông Nam Á

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Theo quyết định phê duyệt, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng, khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, khu công viên phần mềm số 1, số 2, số 3.

Ngoài ra, hình thành Cụm đổi mới sáng tạo tại phía nam TP gắn liền với khu đô thị Đại học Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.

Ông Lê Trung Chinh (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Chinh cho biết TP tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư. TP cũng tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao giai đoạn 3. UBND TP đã giao các sở ngành liên quan rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày còn 5-7 ngày làm việc.

Đà Nẵng cũng tập trung đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và thị trường lao động.

Hình thành mô hình liên kết hợp tác giữa 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối, doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực và được tham gia quy trình đào tạo của nhà trường.

Nhiều địa phương hút vốn đầu tư nước ngoài

bac giang fdi

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian qua Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI theo hướng lựa chọn dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao.

Hai tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 85% so với cùng kỳ năm 2020. Cần Thơ dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,31 tỉ USD, Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 918 triệu USD, Bắc Giang đứng thứ 3 với gần 573 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM...

Cụ thể, ngày 18-1 UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 561 triệu USD.

Cả 4 dự án này đều sản xuất các thiết bị liên quan tới lĩnh vực điện, điện tử. Trong đó, dự án nhà máy Fukang Technology do Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư tại KCN Quang Châu có vốn đăng ký 270 triệu USD. Dự án này có mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng, máy tính xách tay, quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm cho Apple.

Một dự án khác cũng tại KCN Quang Châu là dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam do Công ty Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited đầu tư với vốn đăng ký đầu tư 210 triệu USD...

Trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư FDI. Bắc Giang hiện có 472 dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỉ USD.

Cũng trong tháng 1, dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh được UBND tỉnh này cấp chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD. Tương tự, dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) được UBND TP Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng vốn thêm 750 triệu USD vào đầu tháng 2.

Riêng Cần Thơ thu hút được dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 1,31 tỉ USD, với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký kết biên bản ghi nhớ với các đối tác chiến lược trong thực hiện dự án nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở tỉnh Bạc Liêu.

Các đối tác chiến lược thực hiện dự án chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, như: Công ty General Electric (cung cấp tuôcbin khí), Công ty Bechtel (nhà thầu EPC cho các hạng mục trên bờ), Công ty McDermott International (tổng thầu EPC cho các hạng mục công nghệ ngoài khơi), Công ty Stena AB (cung cấp giải pháp kho cảng nổi LNG), Công ty Black and Veatch (đơn vị cố vấn kỹ thuật), Công ty Howe Robinson (đơn vị cố vấn vận chuyển LNG)...

Dự án này có quy mô công suất 3.200MW, với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD do Công ty Delta Offshore Energy là nhà đầu tư phát triển dự án. Dự án LNG Bạc Liêu là dự án FDI lớn nhất ĐBSCL hiện nay, đã được cấp chủ trương đầu tư vào đầu năm 2020, đang ở thời điểm cuối của giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

N.T. tổng hợp

Ứng dụng công nghệ cao mà manh mún thì Ứng dụng công nghệ cao mà manh mún thì 'cứ nghèo hoài'

TTO - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng ứng dụng bất kỳ công nghệ nào trong nông nghiệp mà cứ làm manh mún, mỗi người làm một kiểu thì cứ nghèo hoài.

TẤN LỰC - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên