21/09/2021 23:56 GMT+7

Sau 4 ngày cô đơn và giận dữ, Pháp tìm được 'cái khoác vai' từ châu Âu

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ngoại trưởng và các quan chức EU đã thể hiện sự đoàn kết với nước Pháp sau 4 ngày để Paris thể hiện sự tức giận vì bị Mỹ, Anh và Úc qua mặt. Các ngoại trưởng EU đã thể hiện sự ủng hộ khi nhóm họp trên đất Mỹ.

Sau 4 ngày cô đơn và giận dữ, Pháp tìm được cái khoác vai từ châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chất vấn các cam kết của Mỹ với đồng minh - Ảnh: REUTERS

Xích mích ngoại giao giữa Pháp và các nước châu Âu với Mỹ, Anh, Úc đang ngày một leo thang sau khi 3 nước này bắt tay thành lập cơ chế hợp tác an ninh AUKUS hôm 16-9.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas là một trong những người mới nhất lên tiếng bảo vệ nước Pháp.

"Tôi có thể hiểu được sự tức giận của những người bạn Pháp. Những gì đã được quyết định và cách thức mà nó được quyết định đã gây khó chịu và thất vọng, nhưng không chỉ riêng với Pháp", ông Maas nói với các phóng viên tại New York (Mỹ) ngày 21-9.

"Tôi không bao giờ ảo tưởng rằng chúng tôi sẽ không gặp vấn đề với tân tổng thống Mỹ", Ngoại trưởng Đức phát biểu và kêu gọi đã tới lúc nên củng cố sức mạnh tập thể của châu Âu.

Sau phiên họp kín bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các ngoại trưởng và quan chức Liên minh châu Âu (EU) lần lượt thể hiện sự đoàn kết với nước Pháp, theo Hãng tin Reuters.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết khối này "bị bất ngờ" vì AUKUS. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì nói ông cảm thấy khó hiểu trước động thái của Úc, Anh và Mỹ.

"Tại sao ư? Bởi vì với chính quyền Joe Biden vừa mới nói 'Nước Mỹ đã trở lại'. Họ đã phát đi thông điệp đó và bây giờ chúng tôi có câu hỏi. Nó có nghĩa là gì - Nước Mỹ đã trở lại? Nước Mỹ đã trở lại Mỹ hay ở một nơi nào khác? Chúng tôi thật sự không biết", ông Michel nói với các phóng viên ở New York.

Theo ông Michel, nếu Trung Quốc là trọng tâm chính của Washington thì việc Mỹ hợp tác với Úc và Anh là điều "rất lạ", là một quyết định làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Sau 4 ngày cô đơn và giận dữ, Pháp tìm được cái khoác vai từ châu Âu - Ảnh 2.

Thủ tướng Úc Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau tại New York (Mỹ) ngày 21-9 - Ảnh: REUTERS

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với đài CNN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, tuyên bố không thể có chuyện Mỹ và EU tiếp tục như không có gì xảy ra.

"Một trong những quốc gia thành viên của chúng tôi đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được. Chúng tôi muốn biết điều gì đã xảy ra và tại sao lại như vậy. Do đó, trước hết hãy làm rõ mọi thứ trước khi muốn mọi chuyện như bình thường", chủ tịch EC nêu quan điểm.

Ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, đã cảnh báo "có điều gì đó rạn nứt" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo ông Breton, căng thẳng Pháp - Mỹ về AUKUS có nguy cơ lan sang cả lĩnh vực thương mại và công nghệ.

Cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và EU về thương mại và công nghệ dự kiến diễn ra vào ngày 29-9 tại Pittsburgh (Mỹ) đang bị phủ bóng vì những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.

Một nhà ngoại giao EU cho biết Pháp đã yêu cầu hoãn cuộc họp tại Pittsburgh, ngay trước thềm cuộc gặp kín không chính thức của các ngoại trưởng EU tại New York.

Yêu cầu của Paris đã vấp phải một số sự phản đối từ các quốc gia thành viên khác, những nước đang lo sợ sự bất bình của Pháp sẽ làm xói mòn mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ.

Bộ trưởng các vấn đề EU của Thụy Điển Hans Dahlgren đã dè dặt và kêu gọi không nên thay đổi chính sách thương mại của khối vì các căng thẳng Pháp - Mỹ.

Theo thỏa thuận trong AUKUS, Úc sẽ chấm dứt hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp và chuyển sang mua tàu ngầm công nghệ Mỹ, Anh.

Việc Paris mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD cho Úc đã khiến Pháp thất vọng. Song theo các nhà quan sát, việc Mỹ không báo trước với Pháp mới là nguyên nhân khiến Paris tức giận.

Trong những ngày đầu tiên, Pháp gần như cô đơn khi thể hiện sự giận dữ và thất vọng với các nước AUKUS. Một số nhà quan sát khi đó kêu gọi Paris vì lợi ích chung mà bỏ qua, tránh để cơn giận làm mờ mắt và để các đối thủ của EU, Mỹ hưởng lợi.

AUKUS khoét sâu rạn nứt Mỹ, châu Âu AUKUS khoét sâu rạn nứt Mỹ, châu Âu

TTO - Các quốc gia châu Âu đồng minh của Mỹ hy vọng Tổng thống Joe Biden sẽ đưa mối quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương quay trở lại quỹ đạo sau một nhiệm kỳ 4 năm đầy hỗn loạn và khó đoán của tổng thống Donald Trump.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Pháp Mỹ châu Âu