Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo sau ngày 31-7-2022 trạm thu phí nào chưa lắp đầy đủ làn ETC sẽ phải xả trạm - Ảnh: VGP
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) và các dự án BOT giao thông ngày 17-5.
Trạm thu phí để xảy ra sự cố phải chủ động xả trạm
Phó thủ tướng nhận định từ tháng 10-2021 đến nay, tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng - ETC đã có sự chuyển động tích cực. Chỉ trong 7 tháng, từ 1 triệu xe dán thẻ sử dụng ETC đến nay đã có gần 3 triệu xe dán thẻ, đạt 65% số xe trên cả nước dán thẻ là chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành tiến độ. Các tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý triển khai ETC rất chậm so với yêu cầu. Mục tiêu đến ngày 30-6-2022 phải hoàn thành cơ bản hệ thống ETC, các trạm thu phí đều lắp đủ làn ETC, chỉ để lại 1 làn hỗn hợp (ETC và tiền mặt).
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thu phí không dừng còn có tình trạng hệ thống ETC gặp sự cố, dẫn tới ách tắc giao thông kéo dài, khiến người dân phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, như sự cố đứt cáp quang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
"Phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, xử lý theo đúng quy định hiện hành, không để ùn tắc kéo dài quá thời gian quy định tại các trạm thu phí. Nếu gặp tình huống tương tự, các chủ đầu tư phải xả trạm, đảm bảo lưu thông cho nhân dân" - Phó thủ tướng chỉ đạo.
Về việc thí điểm chỉ thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1-6, phó thủ tướng cho rằng đây là việc khó nhưng dứt khoát phải làm, không lùi thời hạn. Bộ Giao thông vận tải cùng nhà đầu tư phải chuẩn bị kỹ các phương án khi xảy ra tình huống xe chưa dán thẻ đi vào, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc quá thời gian quy định.
Theo phó thủ tướng, các tuyến cao tốc mới đều phải áp dụng ETC tại tất cả các làn thu phí.
"Sau 31-7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải xả trạm, có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hai trạm thu phí ở TP.HCM có khả năng không kịp lắp đầy đủ ETC
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Kim Thành - vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư của Bộ Giao thông vận tải - cho biết đến nay tất cả các trạm thu phí đủ điều kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC với tổng số 113 trạm, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng tại quyết định số 19/2020/QĐ-TTg. Trong đó: Bộ Giao thông vận tải quản lý 69 trạm, các địa phương quản lý 44 trạm.
Còn một số trạm thu phí có tính chất đặc thù như: thời gian thu phí còn lại ngắn, lưu lượng quá thấp, đang tạm dừng thu phí… đã được Thủ tướng chấp thuận không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC.
Trong số những trạm thu phí đã lắp ETC, tất cả các trạm thu phí có lưu lượng xe lớn đều được lắp đặt toàn bộ làn ETC, chỉ để một làn hỗn hợp/chiều xe chạy. Còn 102 làn thuộc 23 trạm thu phí cần tiếp tục lắp đặt ETC để đảm bảo các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/mỗi chiều xe chạy (trong đó 38 làn/13 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý và 64 làn/10 trạm do địa phương quản lý).
Tại cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải ngày 12-5, các địa phương đều cam kết hoàn thành trước 30-6-2022, riêng 16 làn/2 trạm thu phí An Sương - An Lạc và Xa lộ Hà Nội do UBND TP.HCM quản lý có khả năng bị chậm tiến độ.
Đến nay, cả nước có gần 3 triệu xe sử dụng ETC (chiếm hơn 65% tổng số xe cả nước). Bộ Giao thông vận tải phấn đấu trong năm 2022, số lượng xe dán thẻ đạt 80-90% như đã báo cáo Thủ tướng.
Với các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác (thu phí nộp ngân sách nhà nước), lãnh đạo VEC cho biết do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư ETC nên VEC chọn phương án thuê dịch vụ ETC từ chi phí quản lý thu phí tại các tuyến cao tốc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn có ý kiến sử dụng chi phí quản lý thu phí để thuê dịch vụ ETC là chưa hoàn toàn phù hợp. Do vậy, cuối tháng 2-2022, VEC có văn bản xin ý kiến hướng dẫn từ các bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) khiến tiến độ triển khai ETC bị chậm.
Trong khi chờ đầy đủ ý kiến từ các bộ ngành, ngày 5-5-2022 VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu cung cấp cho thuê dịch vụ ETC. Trong tháng 6-2022 sẽ lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ để lắp đầy đủ làn ETC trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 45 ngày và hoàn thành lắp ETC trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong 50 ngày tiếp theo; hoàn thành toàn bộ việc lắp đặt, vận hành ETC trên các tuyến cao tốc còn lại trong năm 2022.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý VEC phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do doanh nghiệp này quản lý; nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, "phải làm đêm ngày với tinh thần quyết liệt, ai chậm thì kiểm điểm trách nhiệm".
Phó thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm đôn đốc VEC khẩn trương xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai ETC trên các tuyến cao tốc, bám sát các mốc tiến độ đã đề ra và đồng bộ với hệ thống ETC toàn quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận