04/06/2022 08:04 GMT+7

Sau 100 ngày, chiến sự Nga - Ukraine vẫn bất định

ThS LỤC MINH TUẤN (nhóm nghiên cứu quốc tế Trường đại học HUFLIT)
ThS LỤC MINH TUẤN (nhóm nghiên cứu quốc tế Trường đại học HUFLIT)

TTO - Ngày 3-6 đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi Nga bắt đầu 'chiến dịch quân sự đặc biệt' tại Ukraine. Phát biểu nhân cột mốc này, cả hai nước đều tự tin sẽ giành chiến thắng.

Sau 100 ngày, chiến sự Nga - Ukraine vẫn bất định - Ảnh 1.

100 ngày xung đột Nga - Ukraine - Nguồn: Al Jazeera, Viện Nghiên cứu chiến tranh - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Trên thực tế, sau khi phương Tây tung các gói trừng phạt kinh tế - tài chính - công nghệ được thực hiện đồng loạt nhằm tối đa hóa áp lực nhưng vẫn không buộc Nga từ bỏ "chiến dịch quân sự đặc biệt".

"1 ngũ giác, 2 vành đai"

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine, tất cả các thành viên trong khối Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đều đã khẳng định quan điểm "không trừng phạt Nga" cũng như quy mọi tác nhân khiêu khích dẫn đến chiến sự về phía khối NATO.

Trong đó, không chỉ Trung Quốc và Ấn Độ đều cùng bỏ phiếu trắng trong mọi nghị quyết phản đối Nga tại Liên Hiệp Quốc, mà cả Brazil và Nam Phi cũng phản đối các hoạt động trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Kết hợp với các hoạt động tăng cường các hợp đồng năng lượng (Trung Quốc, Ấn Độ), phân bón (Brazil) và lương thực (Nam Phi) với Nga bất chấp sức ép duy trì cấm vận với nước này từ Mỹ và các nước phương Tây, cùng với các dự án tích hợp hệ thống thanh toán thương mại nội khối BRICS bằng đồng nội tệ đang được Nga thúc đẩy, có thể thấy BRICS đang giữ vững khối ngũ giác thiên Nga ở vị trí trung tâm của trật tự thế giới hậu chiến tranh Ukraine.

Sự hỗ trợ vòng ngoài của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga lãnh đạo cũng góp phần củng cố sức mạnh cho lập trường thiên Nga của ngũ giác này. 

Vượt ra ngoài khuôn khổ thiên Nga của khối BRICS, các nước nhỏ vốn không chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ và khối NATO cũng đã sớm xây dựng một lập trường trung lập linh động: vẫn lên án Nga nhưng chỉ duy trì các gói trừng phạt tượng trưng - ít có khả năng gây thiệt hại cho phía Nga.

Xu hướng này xuất hiện ở cả ba tổ chức khu vực quan trọng là ASEAN, Liên hiệp châu Phi (AU) và Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong đó hầu hết thành viên khối ASEAN đều né tránh duy trì bất kỳ lệnh trừng phạt nào với Nga (trừ Singapore), hầu hết các thành viên AU đều bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết bất lợi cho Nga ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và phía OPEC luôn duy trì hợp tác chặt chẽ với Nga cùng điều phối giá dầu quốc tế. 

Đây chính là "vành đai trung lập" đầu tiên mà phía Nga đã giữ được trong thế trận của họ.

"Vành đai trung lập" thứ hai chính là tập hợp các quốc gia đồng minh của Mỹ (cả trong và ngoài khối NATO) cũng như Liên minh châu Âu chịu ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc quá lớn vào các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Nga. 

Đại diện cho các nước này có thể kể đến cả ba cường quốc ở châu Âu là Anh (phụ thuộc vào platinum của Nga cho ngành sản xuất máy bay), Pháp (phụ thuộc nhiên liệu uranium từ Nga) và Đức (phụ thuộc vào khí đốt của Nga).

Sau 100 ngày, chiến sự Nga - Ukraine vẫn bất định - Ảnh 2.

Một tòa nhà bị phá hủy ở thị trấn Borodianka, gần thủ đô Kiev - Ảnh: AFP

Các kịch bản

Thực tế sự kéo dài chiến sự Ukraine vẫn đang mở ra các viễn cảnh mới với nhiều hệ quả đa chiều. Trong đó viễn cảnh đầu tiên nhưng cũng ít khả thi nhất chính là việc phương Tây đổ dồn vũ khí vào để tăng khả năng kết thúc chiến sự Ukraine nhanh chóng với sự tham gia đóng góp phục dựng kinh tế và hạ tầng từ nhiều nước.

Viễn cảnh thứ hai có thể dự báo được đó là sự tăng cường hiện diện quân sự của khối NATO lên "vành đai quân sự" ở khu vực Bắc Âu và Đông Âu. 

Tuy nhiên với các đảm bảo sẽ không cho phép thiết lập căn cứ quân sự thường trực cũng như vũ khí tấn công trên lãnh thổ của mình, Phần Lan và Thụy Điển thực tế vẫn giữ vai trò "vùng đệm" cần thiết một cách khéo léo nhằm tránh kịch bản xung đột leo thang không cần thiết mà vẫn giữ được lập trường quyết đoán với dư luận trong nước.

Viễn cảnh thứ ba là sự trỗi dậy của hai lục địa Á - Phi như những điểm đến thay thế quan trọng cho châu Âu trong chiến lược năng lượng thay thế. Trong đó châu Á đang trở thành đầu tàu dẫn đầu sự phát triển nguồn cung về năng lượng hydro trong tương lai gần, còn châu Phi lại chính là đầu tàu gần nhất có thể khỏa lấp một phần nguồn cung năng lượng cho châu Âu hiện tại bên cạnh nguồn cung truyền thống nhưng nhiều bất ổn từ khối OPEC.

Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu ngày 3-6, cho biết lực lượng vũ trang và người dân đã bảo vệ đất nước tròn 100 ngày.

Công việc này sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự được hoàn thành.

Người phát ngôn Điện Kremlin DMITRY PESKOV nói hôm 3-6

Thế giới bị ảnh hưởng ra sao?

● Người tị nạn

Theo Liên Hiệp Quốc, đến nay đã có hơn 14 triệu người Ukraine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột Nga - Ukraine. Trong số này, có hơn 6,5 triệu người đã vượt biên và đang sống tị nạn ở nước ngoài, hơn 8 triệu người đang phải di tản trong nước.

● Khủng hoảng lương thực

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì quan trọng, sản xuất khoảng một nửa dầu hoa hướng dương của thế giới, chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu về ngô và 10% về lúa mì. Cuộc xung đột đã làm đình trệ xuất khẩu của nước này.

Tính đến hết tháng 5-2022, khoảng 23 nước đã hạn chế xuất khẩu lương thực, một dấu hiệu cho thấy an ninh lương thực đang suy yếu.

● An ninh năng lượng

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai và nhà xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới. Việc Liên minh châu Âu tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga làm đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu.

● Giá cả và lạm phát tăng

Khi giá lương thực và nhiên liệu tăng, mọi thứ khác cũng tăng theo. Liên Hiệp Quốc cho biết giá lương thực thế giới đã tăng 13% trong tháng 3-2022, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động thế giới, lạm phát đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới tính từ tháng 3-2021.

● NATO mở rộng

Phần Lan và Thụy Điển đã tuyên bố gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kết thúc chính sách trung lập mà hai nước này đã duy trì suốt 70 năm.

ANH THƯ tổng hợp

Tròn 100 ngày Tròn 100 ngày 'chiến dịch quân sự', Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ thắng

TTO - Tròn 100 ngày kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, cả hai nước đều lên tiếng sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.

ThS LỤC MINH TUẤN (nhóm nghiên cứu quốc tế Trường đại học HUFLIT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ukraine Nga 100 ngày