Những ngày này, chính quyền và người dân phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) tổ chức đan rọ sắt đựng đá hộc để gia cố khu vực sạt lở bên bờ sông Minh.
Trước đó, tối 10-1, tại khu vực bờ sông Minh đã bất ngờ xảy ra sạt lở đất đá, cây cối với chiều dài khoảng 30-50m, chiều rộng khoảng 10m. Đây là lần sạt lở thứ hai được ghi nhận trong vòng 3 tháng qua.
Theo ghi nhận điểm sạt lở, có hàng trăm khối đất đá, cây cối bị cuốn xuống dòng sông. Quanh khu vực sạt lở xuất hiện nhiều đường nứt kéo dài, gây nguy hiểm khi có người đến gần.
Đáng nói, địa điểm sạt lở nằm tiếp giáp với Di tích lịch sử - văn hóa Đền Cả (hay còn gọi là Dinh đô quan Hoàng Mười). Một số hạng mục tại công trình này đã bị đe dọa nên ngành chức năng phải di chuyển để tránh mất an toàn.
Ngay trong đêm 10-1, chính quyền địa phương đã đến hiện trường căng dây, đặt biển báo cảnh báo, đồng thời huy động máy móc đến hiện trường để di dời cây xanh và trụ cổng làm bằng đá ong của ngôi đền đến vị trí an toàn để hạn chế thiệt hại.
Hiện ngành chức năng đang tiếp tục kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để đề xuất lên cấp trên sớm có các phương án ứng phó, khắc phục triệt để sạt lở lan rộng, đảm bảo an toàn hành lang tuyến đê La Giang và khu vực di tích, đường giao thông ở gần đó.
Theo lãnh UBND thị xã Hồng Lĩnh, khu vực bờ sông Minh đoạn giáp với Đền Cả thường xuyên bị sạt lở, nhất là về mùa mưa lũ. Mặc dù lực lượng chức năng đã dùng rọ đá kè bờ sông, song đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài cần phải có biện pháp khắc phục triệt để tránh việc sạt lở tiếp diễn.
Trước đó, vào đợt mưa lũ cuối tháng 10-2023, bờ sông Minh đoạn giáp với Đền Cả đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 60m, ăn sâu vào vùng khu vực đền khoảng 6m. Vụ sạt lở đã làm trôi nhiều cây lớn và khoảng 2.000m2 đất đá bị cuốn xuống sông.
Đền Cả được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông gồm: sông Lam, sông La và sông Minh, ba con sông bồi đắp tạo nên thế đất đền hình con hạc. Chính vì vậy, nhân dân thường gọi là Đền Mỏ Hạc.
Tương truyền đền được xây dựng vào thời nhà Lý, có kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ nhất với các tòa thượng điện, trung điện và hạ điện. Trải qua thời gian dài và ảnh hưởng của chiến tranh, đến năm 2000 ngôi đền chỉ còn lại phế tích.
Đến năm 2014 đền được tôn tạo lại và năm 2017 được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội Đền Cả được tổ chức vào ngày 10-10 âm lịch hằng năm rất chu đáo, trang nghiêm, thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương và bà con nhân dân tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận