
Các đại biểu cho ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã - Ảnh: HOÀNG TÁO
Chiều 22-4, UBND tỉnh Quảng Trị họp phiên toàn thể UBND tỉnh cho ý kiến về tờ trình và dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã.
Đề xuất nghiên cứu trung tâm hành chính mới
Ông Ngô Quang Chiến - giám đốc Sở Nội vụ - cho hay tỉnh đang lấy ý kiến từ các sở, ban ngành và địa phương. Các ý kiến đóng góp đang được tổng hợp, hiện đã có 10 trang tham gia.
Ông Hà Sỹ Đồng - quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố trí trung tâm hành chính, lưu ý cần bố trí các cơ sở hành chính "gần dân" để tạo thuận lợi và giải quyết hồ sơ thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Theo đó, dự thảo đề án bố trí hai cơ sở hành chính ở hai tỉnh.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Hà Sỹ Đồng đề xuất nghiên cứu một trung tâm hành chính mới tại địa điểm chiến lược nằm giữa Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Lệ Thủy (Quảng Bình).
"Vị trí này "gánh" hai thành phố lớn ở hai đầu tỉnh mới, tạo ra không gian và động lực phát triển cân bằng cho toàn tỉnh", ông Đồng nói.
Theo dự thảo đề án, địa phương được chọn làm trung tâm hành chính mới sẽ phải đối mặt với áp lực lớn về hạ tầng đô thị, nhà ở công vụ, giao thông, dịch vụ công và trụ sở làm việc. Ngược lại, tại địa phương không được chọn làm trung tâm, nhiều trụ sở công có nguy cơ bỏ trống, gây lãng phí tài sản nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, dự thảo đề án kiến nghị trung ương song song với việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại Đồng Hới, trước mắt nghiên cứu duy trì một số bộ phận làm việc tại trụ sở cũ dưới hình thức chi nhánh.
Việc này nhằm phân chia hợp lý bộ máy theo khu vực, đảm bảo hiệu quả hoạt động, giảm gánh nặng chi phí di chuyển, thuê nhà ở và giúp ổn định đời sống cán bộ.
Về lâu dài, dự thảo nêu đề nghị thống nhất chủ trương giao tỉnh mới nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính - chính trị mới tại vị trí phù hợp khi đủ điều kiện và được Trung ương đồng ý.

Dự thảo đề án sáp nhập Quảng Bình - Quảng Trị nêu đặt hai cơ sở hành chính ở hai tỉnh - Ảnh: HOÀNG TÁO
Trung tâm hành chính mới phải hoạt động ngay
Theo dự thảo đề án sắp xếp tỉnh Quảng Trị mới, việc lựa chọn thành phố Đồng Hới làm trung tâm chính trị - hành chính được Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố then chốt.
Đề xuất này không chỉ dựa vào vị thế hiện tại mà còn nhìn nhận tiềm năng phát triển và khả năng đáp ứng tức thời cho bộ máy hành chính mới.
Đồng Hới là đô thị loại 2 với dân số hơn 155.000 người, vị trí được xem là lý tưởng khi nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng 200km và TP Huế khoảng 170km. Điều này tạo nên một điểm trung chuyển và liên kết mạnh mẽ cho toàn bộ khu vực.

TP Đồng Hới được lựa chọn là trung tâm hành chính tỉnh Quảng Trị mới - Ảnh: HOÀNG TÁO
Sân bay Đồng Hới đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế với công suất dự kiến 5 - 8 triệu hành khách/năm. Đây cũng là ga tàu chính trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đồng Hới cũng nằm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, cùng cao tốc Bắc - Nam đã cơ bản hoàn thành và dự kiến có ga đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Sự kết nối đa phương thức này đảm bảo khả năng liên kết nội địa và quốc tế hiệu quả.
Lịch sử cũng đã từng lựa chọn Đồng Hới là trung tâm chính trị trong quá khứ.
Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị, cùng với việc lựa chọn Đồng Hới làm trung tâm, là một bước đi chiến lược nhằm tạo ra động lực phát triển mới, khai thác tối đa lợi thế hai tỉnh và khu vực.
Tỉnh mới sẽ có diện tích khoảng 12.700km2, dân số khoảng 1,8 triệu người, có 78 đơn vị hành chính cấp xã (69 xã, 8 phường, 1 đặc khu).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận