17/08/2017 18:26 GMT+7

Sắp được tham quan địa đạo Củ Chi bằng... thực tế ảo

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Chỉ cần đeo một loại kính và thiết bị đặc biệt, du khách không cần chui xuống lòng đất mà vẫn có thể trải nghiệm cảm giác như đang ở dưới địa đạo Củ Chi, ngoài ra còn được nghe thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng.

Trung tâm khoa học công nghệ trẻ Thành Đoàn giới thiệu mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong trưng bày hiên vật, chiều 17-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Trung tâm khoa học công nghệ trẻ Thành Đoàn giới thiệu mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong trưng bày hiện vật, chiều 17-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là một trong nhiều ứng dụng "bảo tàng thông minh" mà Khu di tích địa đạo Củ Chi dự kiến triển khai tới đây. Thông tin do ông Đặng Lê Tiến Hưng, đại diện Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) cung cấp tại buổi làm việc chiều 17-8 với phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến. 

Ông Hưng cho biết: Ngoài các ứng dụng công nghệ trong thiết kế bản đồ tham quan, trong cách tra cứu thông tin hiện vật, Khu di tích địa đạo Củ Chi sẽ còn có khu vực để du khách trải nghiệm không gian thực tế ảo mô phỏng hầm địa đạo.

Ứng dụng này nhằm phục vụ các đối tượng khách tham quan vì lý do nào đó không muốn hoặc không thể trực tiếp chui xuống lòng đất. Họ vẫn có thể trải nghiệm cảm giác giống như đang thám hiểm từng ngóc ngách trong địa đạo.

“Chỉ cần đứng trên mặt đất, đeo kính và thiết bị hỗ trợ là du khách có thể hòa mình vào không gian thực tế ảo. Trong quá trình trải nghiệm thì được nghe thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng”, ông Hưng miêu tả.

Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ cũng sẽ trở thành một "bảo tàng thông minh", bà Nguyễn Thị Thắm - giám đốc bảo tàng cho biết.

Dự kiến trước mắt, mô hình "bảo tàng thông minh" sẽ được thực hiện thí điểm ở tầng 2 của bảo tàng hiện hữu. “Khu vực triển khai bảo tàng thông minh thí điểm dự kiến sẽ khai trương mở cửa đón khách đúng vào dịp kỷ niệm 30-4 năm sau”- bà Thắm nói.

Để đảm bảo triển khai các ứng dụng thông minh, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ sẽ phải phủ sóng wifi toàn bộ tòa nhà. Ngoài ra, bảo tàng phải bố trí thiết kế trưng bày lại vì qua 30 năm hoạt động, các thiết kế, trưng bày hiện đã cũ kỹ, lạc hậu, kém thu hút.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện nôi dung trưng bày hiện vật tại bảo tàng Nam Bộ TP.HCM , chiều 17-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu triển khai thí điểm "bảo tàng thông minh" ngay trong năm 2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Đặng Lê Tiến Hưng, với các ứng dụng mới, khách tham quan có thể quét mã vạch trên hiện vật để ngay lập tức được cung cấp đầy đủ thông tin về hiện vật cũng như liên kết với nhiều dữ liệu khác có liên quan.

Ngoài ra, du khách còn có thể xem hiện vật trện thiết bị di động với công nghệ thực tại ảo tăng cường. Một số hiện vật còn được lựa chọn để triển lãm tại các tủ trưng bày bằng hình ảnh 3D để tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến giao Sở tài chính TP hướng dẫn ghi vốn để triển khai các hạng mục đầu tư theo đúng quy trình và triển khai ngay trong năm 2017.

Sở Thông tin truyền thông TP cũng có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho đơn vị thực hiện dự án, gắn kết với việc triển khai đô thị thông minh của TP.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên