28/11/2020 13:41 GMT+7

Sắp có thể sử dụng khuôn mặt để thanh toán ở cửa hàng tiện lợi

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Thay vì phải trả tiền mặt, cà thẻ hoặc thanh toán qua ví điện tử, từ đầu năm tới, khuôn mặt có thể trở thành mật khẩu để thanh toán tiền tại các cửa hàng tiện lợi. Đây cũng là lần đầu tiên người tiêu dùng tại Việt Nam có thể làm điều này.

Sắp có thể sử dụng khuôn mặt để thanh toán ở cửa hàng tiện lợi - Ảnh 1.

Khách hàng chỉ cần đứng trước màn hình để thiết bị nhận dạng khuôn mặt là hoàn tất việc thanh toán - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ứng dụng có tên facepay được Công ty Wee Digital phát triển, theo đó người dùng chỉ cần tải ứng dụng này trên điện thoại di động rồi đăng ký thông tin cá nhân, đăng ký khuôn mặt một lần duy nhất và liên kết với thẻ ngân hàng.

Gương mặt sau đó trở thành "mật mã" để thanh toán tại các cửa hàng đối tác của FacePay mà không cần mang theo bất kỳ thứ gì. Việc mua hàng trở nên gọn nhẹ khi khách hàng chỉ lựa chọn hàng hóa rồi "cười" trước màn hình đặt tại cửa hàng là xong. 

Dự kiến công nghệ này sẽ được áp dụng đầu tiên tại chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 từ đầu năm 2021, sau đó triển khai ở một số chuỗi cửa hàng tiện lợi và nhà hàng, cà phê khác.

Theo Wee Digital, sẽ có 3 hình thức thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt. 

Với khách hàng mua hàng online qua các trang thương mại điện tử lớn, tới đây có thể thanh toán qua chính máy tính của mình bằng nhận dạng khuôn mặt. 

Còn với các nhà bán lẻ lớn như các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cà phê thì sẽ trang bị các màn hình cho phép nhận dạng khuôn mặt khi thanh toán. 

Với các chủ shop thời trang nhỏ, bán hàng online, đặc sản, cà phê cóc..., họ sẽ dùng điện thoại cá nhân để nhận thanh toán và các chủ cửa hàng, quán ăn này sẽ đươc đăng ký như là một điểm chấp nhận thanh toán.

Ngân hàng Sacombank cũng vừa kết hợp với Visa ra mắt công nghệ Tap to phone - Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động - lần đầu tiên tại Việt Nam.

Với công nghệ mới này, điện thoại di động, máy tính bảng cũng được sử dụng như một máy POS để thanh toán không tiếp xúc.

Sắp có thể sử dụng khuôn mặt để thanh toán ở cửa hàng tiện lợi - Ảnh 2.

Chạm điện thoại để thanh toán tiền - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các doanh nghiệp như công ty bảo hiểm, đơn vị vận chuyển hàng hóa thu tiền tại nhà, nhà hàng ăn uống thanh toán tại bàn, tiểu thương... có thể dùng điện thoại di động, máy tính bảng như một thiết bị chấp nhận thẻ (POS). 

Chủ thẻ không cần ký tên vào hóa đơn dưới 1 triệu đồng. Đối với hóa đơn trên 1 triệu đồng, bên bán sẽ hướng dẫn chủ thẻ ký tên trên màn hình thiết bị di động và nhập email để nhận hóa đơn điện tử.

Theo các khảo sát của Visa trong năm 2020, kết nối thông minh đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam với hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao di động - hơn một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G. 

Theo thống kê, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Do vậy việc phát triển các phương thức thanh toán mới, sử dụng ứng dụng sinh trắc học để tạo sự thuận tiện và tăng trải nghiệm người dùng được xem là biện pháp khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không tiền mặt.

Việt Nam trên đường trở thành Việt Nam trên đường trở thành 'quốc gia không tiền mặt'

Việt Nam được đánh giá sẽ có tốc độ chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhanh hơn trong những năm tới đây.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên