Khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng tại một nhà hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lại... "méo mặt" vì phí ăn vào lợi nhuận, trong khi các tổ chức thẻ, ngân hàng lại chưa có chính sách hỗ trợ người bán.
Cửa hàng nhỏ "méo mặt"
Chụp tấm hình cầm trong tay hàng loạt hóa đơn cà thẻ sau khi tổng kết doanh thu trong ngày, chị Bồng Sơn, chủ quán bán đặc sản vùng cao tại Q.3 (TP.HCM), cho hay gần đây thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi hẳn. Theo đó, số thực khách đến ăn uống tại quán này và trả bằng thẻ có ngày lên đến 70-90% doanh thu, thay vì trả bằng tiền mặt như trước.
"Do khách chủ yếu thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi đỡ lo khoản thối tiền. Nhưng nói thật chúng tôi rất xót ruột vì hầu hết khách hàng cà thẻ quốc tế như Visa, Master, rất ít người thanh toán bằng thẻ ATM. Mà mức phí thẻ quốc tế rất cao, thấp nhất cũng 1,6%, còn trung bình 1,8%. Như vậy khách hàng cứ trả 1 triệu đồng, cửa hàng mất 16.000-18.000 đồng phí" - chị Bồng Sơn cho biết.
Với doanh thu hiện tại, mức phí mà chị Bồng Sơn phải trả cho ngân hàng khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng, khiến lợi nhuận giảm đáng kể. "Việc thay đổi thói quen thanh toán của người dân sang không dùng tiền mặt là tích cực. Nhưng ở góc độ người bán, tôi cho rằng các ngân hàng, tổ chức thẻ cũng nên có chính sách hỗ trợ, thậm chí chung tay với các cửa hàng nhỏ bằng việc giảm phí thanh toán xuống mức thấp hơn thay vì duy trì mức ngất ngưởng như hiện nay" - chị Bồng Sơn đề nghị.
Anh T., chủ chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch tại TP.HCM, cũng đau đầu vì phí cà thẻ. Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, lượng khách thanh toán bằng thẻ khi mua sản phẩm tại cửa hàng này tăng rất nhanh. Do mặt hàng chính là rau củ quả nên phần lớn hóa đơn của mỗi khách hàng chỉ 100.000-200.000 đồng, thậm chí thấp hơn, nhiều món hàng nhà cung cấp chỉ cho cửa hàng lãi 5%.
"Trong khi đó, phí cà thẻ đã ngốn mất 1,5-1,8%, chưa kể tiền mặt bằng, nhân viên, điện nước... nên tính ra cửa hàng lỗ vốn. Do vậy, tôi vừa yêu cầu nhân viên từ chối nhận cà thẻ với khách có hóa đơn dưới 200.000 đồng. Ngoài một số khách hàng hiểu và thông cảm, số khác phản ứng rất dữ dội" - anh T. kể, đồng thời đề nghị các tổ chức thanh toán nên có chính sách chia sẻ phần nào gánh nặng về phí cho các cửa hàng nhỏ lẻ.
Vì sao khách "cà" bằng thẻ quốc tế?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mức phí cà thẻ mà các điểm thanh toán, cửa hàng phải trả khác biệt rất xa nếu chủ thẻ dùng thẻ quốc tế hoặc thẻ ATM. Theo đó, mức phí chấp nhận thẻ quốc tế từ 1,4-3% tính trên doanh số giao dịch, trong khi mức phí chấp nhận thẻ nội địa dao động 0,2-0,3%.
Như vậy, nếu dùng thẻ ATM để thanh toán hóa đơn 1 triệu đồng tại quán ăn, cửa hàng trả phí cao nhất là 0,3% x 1 triệu = 3.000 đồng. Nếu trả bằng thẻ tín dụng quốc tế, cửa hàng phải trả phí bình quân 1,9% x 1 triệu = 19.000 đồng, tức gấp hơn 6 lần. Trong thực tế, phần lớn khách hàng lại thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế, rất ít người thanh toán bằng thẻ ATM.
Theo giải thích của một số chủ thẻ, nếu chi tiêu bằng thẻ tín dụng quốc tế, chủ thẻ có thể "xài trước trả sau", miễn lãi tối đa đến 45-55 ngày, trong khi dùng thẻ ATM phải có sẵn tiền trong tài khoản. Chưa kể ngân hàng ít có các chương trình khuyến mãi cho chủ thẻ thanh toán bằng ATM, trong khi với thẻ tín dụng lại có hàng "rừng" ưu đãi.
Chẳng hạn, nếu được cấp thẻ "cashback" (hoàn tiền), khi chi tiêu đến một hạn mức nào đó, chủ thẻ sẽ được ngân hàng hoàn tiền. Do được lợi kép như vậy nên trong các buổi đi ăn theo nhóm, nhiều người "xung phong" đứng ra cà thẻ thanh toán rồi sau đó nhận lại tiền mặt từ các thành viên, chủ yếu để được tích điểm hưởng ưu đãi, hoàn tiền.
Tương tự, thay vì thanh toán tiền tiếp khách trước rồi lấy hóa đơn về thanh toán lại như trước, nhiều doanh nghiệp làm luôn thẻ cho nhân viên để cà thẻ thanh toán sau khi tiếp khách. Theo nhiều chủ cửa hàng, những lợi ích của thanh toán không tiền mặt với cửa hàng cũng rất lớn như bán được nhiều hàng hơn, quản lý tiền mặt tốt hơn, không mất công đem tiền mặt đi nộp ở ngân hàng...
Tuy nhiên, cần mức phí thấp hơn để hài hòa lợi ích các bên. Còn mức phí hiện nay quá cao, đặc biệt với một số dòng thẻ hạng sang nên chủ cửa hàng chuộng trả bằng tiền mặt để thu trọn tiền. Số khác thì yêu cầu khách hàng chuyển khoản, có trường hợp lấy lý do máy hư để từ chối cà thẻ.
Nhiều chủ cửa hàng cho biết mức phí chấp nhận thẻ với thẻ quốc tế quá cao, “ăn” hết lợi nhuận của cửa hàng - Ảnh: Ng.Phượng
Kiến nghị nhưng chưa giảm phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Ngân hàng VN và Hội Thẻ ngân hàng VN cũng thừa nhận phí cà thẻ quốc tế quá cao khiến nhiều cửa hàng bán lẻ không hứng thú với việc khách thanh toán không dùng tiền mặt, gây ảnh hưởng đến chủ trương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Chẳng hạn, do mức phí của các tổ chức thẻ quốc tế cao, các ngân hàng thanh toán cũng phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ với mức tương ứng. Do vậy, nhiều cửa hàng lắp máy POS chỉ để cho có, còn khuyến khích khách hàng trả tiền mặt.
Tại văn bản kiến nghị gửi đến Tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard, Hiệp hội Ngân hàng VN cho biết doanh số phát hành và thanh toán thẻ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng các ngân hàng lại đang phải gánh nhiều loại phí từ Visa, MasterCard.
Theo thống kê, các ngân hàng thanh toán đang phải trả cho Visa, MasterCard 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch gồm phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài VN, phí dịch vụ... Mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước cũng đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi dịch, nhiều ngân hàng đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng trong một thời gian, trong khi mức phí của hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard không thay đổi. Do vậy Hiệp hội Ngân hàng VN kiến nghị hai tổ chức thẻ này miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng VN. Tuy nhiên, mức phí này vẫn chưa có gì thay đổi.
Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho rằng vấn đề hiện nay là phải cân bằng lợi ích giữa các bên. Nếu muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các phương thức không dùng tiền mặt cũng như ưu đãi cho chủ thẻ cũng phải hướng đến điểm chấp nhận thanh toán thẻ nhiều hơn.
"Ngoài ra, bài học của nhiều nước trong khu vực thời gian qua cho thấy để phát triển thanh toán không tiền mặt từ thẻ nội địa, cần định hướng cũng như chính sách tổng thể từ cơ quan quản lý. Phải làm sao có thể đi sâu vào mặt sản phẩm để sản phẩm thẻ nội địa cũng hấp dẫn như thẻ quốc tế" - vị giám đốc trung tâm thẻ này đề nghị.
Thích ứng với thanh toán không dùng tiền mặt
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong đợt dịch COVID-19, một tháng có khoảng 15 triệu người sử dụng Internet banking và Mobile banking. Ước tính mỗi ngày VN có khoảng 30 triệu giao dịch thanh toán.
Theo khảo sát của Visa, dịch COVID-19 tạo thói quen "không tiền mặt" tại châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn trong số họ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số thay vì tiền mặt, ngay cả khi đại dịch toàn cầu thuyên giảm.
Trong khi theo MasterCard, việc sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á đã giảm đáng kể do dịch COVID-19. Người tiêu dùng và doanh nghiệp đã thích ứng với thế giới số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo sự an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận