Chờ đợi lâu, nhiều người phải ngồi bệt ở nhà ga. Trẻ em ngủ trên chân mẹ lúc nửa đêm - Ảnh: C.TRUNG
"Một người thân là Việt kiều về nước, 10 người đón, chờ đợi cả ngày lẫn đêm. Nhiều người quá mệt, nằm ngủ đủ kiểu ngay sảnh nhà ga, người thì mang nước, bánh trái ngồi lê lết đợi vì không biết giờ máy bay hạ cánh".
Cảnh tượng này được phóng viên Tuổi Trẻ Online tường thuật từ nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đêm và rạng sáng nay, 18-1. Đây là chuyện mới so với những ngày trước, nhưng không lạ mà chỉ là "đến hẹn lại lên" mỗi dịp Tết tới, xuân về.
Và hầu như mỗi năm, các nhà chức trách hàng không, giao thông đường bộ, hải quan, công an… đều mất ăn mất ngủ để phòng ngừa, ứng phó và giải quyết những tình huống phát sinh cả bên trong và ngoài sân bay.
Những năm gần đây giới chức hàng không sân bay Tân Sơn Nhất luôn khuyến cáo người dân có thân nhân là Việt kiều về quê ăn Tết chỉ nên cử đại diện thay vì kéo cả bầu đoàn thê tử ra đón để giảm lưu lượng xe cộ vào ra sân bay và nhất là giảm tải lượng người chờ đợi ở bên trong nhà ga.
Tuy nhiên, thực tế thì ai lo cứ lo, ai đón cứ đón nên tình trạng chen chút vật vã đón Việt kiều không hề thuyên giảm. Thậm chí, điều kiện kinh tế tốt hơn, đường bay mở ra nhiều hơn, số chuyến bay quốc tế tăng thêm, Việt kiều về thăm quê ăn Tết càng đông khiến câu chuyện "kẹt cứng" ở sân bay những ngày giáp tết cổ truyền càng trở nên nghiêm trọng.
Sau Tết, cảnh tượng chen chúc ở sân bay lặp lại khi nhà nhà cùng nhau đi tiễn Việt Kiều.
Vì sao như vậy?
Người đón thường có câu trả lời giống nhau rằng mỗi năm, có trường hợp là nhiều năm, người thân mới về Tết một lần nên mừng quá, lên tận sân bay đón cho… bớt nôn nao. Người được đón thì giả lả: "Có sao đâu, đông vui mà"!
Cũng có người "ngoài cuộc" thì cho rằng việc kéo cả nhà đi đón Việt kiều quá tốn kém trong khi hiện nay phương tiện, dịch vụ đưa rước từ sân bay về tận làng quê không hiếm, ới một tiếng là có. Có người thì cho rằng việc "một Việt kiều về chơi, cả nhà đi đón" là phô trương thái quá, cần tiết chế lại.
Vì sao cứ phải chen nhau đi đón Việt kiều?
Mời bạn đọc chia sẻ nhận định của mình với Tuổi Trẻ Online quanh câu chuyện này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận