29/09/2024 19:09 GMT+7

Sao chổi 80.000 năm mới 'hiện hình' xuất hiện trên bầu trời Việt Nam

LÂM THIÊN
và 1 tác giả khác

Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS), sao chổi được mong đợi nhất năm, được nhìn thấy trên bầu trời TP Quy Nhơn, Bình Định sáng nay 29-9.

Sao chổi 80.000 năm mới 'hiện hình' xuất hiện trên bầu trời Việt Nam - Ảnh 1.

Đuôi sao chổi C/2023 A3 rất rõ nét, dễ quan sát - Ảnh: HOÀNG ĐỨC NGỌC

Chiều 29-9, ông Lê Quang Thủy, chuyên gia, cố vấn về thiên văn, chế tạo mô hình của Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn, cho biết những hình ảnh mà các nhiếp ảnh gia chụp được tại Quy Nhơn sáng sớm nay đích thực là sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS). Bởi vì các nhà thiên văn thế giới đã tính toán được đường đi, giờ xuất hiện của sao chổi này mà chúng ta có thể nhìn thấy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 29-9, anh Hoàng Đức Ngọc (ở TP Quy Nhơn), người chụp được những hình ảnh sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS), cho biết bản thân là một người yêu thích thiên văn nên rất thích tìm hiểu về lĩnh vực này.

"Tôi biết thông tin về sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) qua các hội nhóm nghiên cứu thiên văn và mạng xã hội. Để chụp được những bức ảnh này, sáng sớm nay 29-9 tôi đã đến bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn chuẩn bị sẵn hết máy ảnh, chân máy.

Khoảng 4h, tôi bắt đầu ngắm và chụp ảnh sao chổi. Đến hơn 5h, khi Mặt trời xuất hiện thì không thể nhìn thấy sao chổi nữa", anh Ngọc chia sẻ.

'Bắt' được khoảnh khắc sao chổi C/2023 A3 trên bầu trời Bình Định - Ảnh 2.

Sao chổi xuất hiện ngay trên bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn) vào sáng sớm 29-9 - Ảnh: HOÀNG ĐỨC NGỌC

Cũng theo anh Ngọc, theo thông tin từ các nhà khoa học thiên văn, sao chổi này có nguồn gốc từ đám mây Oort trong Hệ Mặt trời. Mọi người có thể nhìn thấy sao chổi ở ngay phía trên đường chân trời hướng đông đông nam trong chòm sao Kính Lục Phân, khoảng 30-45 phút trước khi Mặt trời mọc đến ngày 2-10.

Tuy nhiên cần có ống nhòm để dễ quan sát hơn vì độ sáng biểu kiến của nó chỉ cỡ 3,5. Khác với sao băng xuất hiện trong nháy mắt, sao chổi di chuyển rất chậm trên bầu trời nên tha hồ ngắm.

Sao chổi 80.000 năm mới "hiện hình"

Theo trang earth.com, sao chổi C/2023 A3 có quỹ đạo quanh Mặt trời hơn 80.000 năm. Nó được nhìn thấy lần đầu vào ngày 27-9 vừa qua và sẽ còn được quan sát thấy từ nay đến ngày 2-10. Dự kiến nó sẽ xuất hiện như một quả bóng mờ với cái đuôi trải dài trên bầu trời.

"C/2023 A3 có chu kỳ quỹ đạo khoảng 80.000 năm, được phân loại là sao chổi chu kỳ dài. Điều này có nghĩa là hành vi và hình dạng của nó có thể không thể đoán trước, với những thay đổi tiềm ẩn về độ sáng và sự phát triển của đuôi khi nó tiến gần đến Mặt trời", Minjae Kim, một chuyên gia về vũ trụ tại khoa thiên văn học của Đại học Warwick (Anh), nói.

"Nếu mọi chuyện đúng như dự đoán, chúng ta có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Nếu không, ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ có thể tiết lộ nhiều chi tiết hơn về cấu trúc và đuôi của sao chổi", Kim nói thêm.

Các nhà khoa học cho biết nếu C/2023 A3 "sống sót" sau chuyến đi quanh Mặt trời (vì sao chổi thường sẽ vỡ ra khi tiến gần Mặt trời), nó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường khi ở gần Trái đất nhất, với tầm nhìn tốt nhất dự kiến từ ngày 12-10 đến 20-10.

Starwalk, một ứng dụng thiên văn dành cho người ngắm sao, cho biết sao chổi này là "sao chổi được mong đợi nhất trong năm".

'Bắt' được khoảnh khắc sao chổi C/2023 A3 trên bầu trời Bình Định - Ảnh 3.Sao chổi đen bí ẩn có thể đe dọa Trái đất

Sao chổi đen là loại đá không gian kỳ lạ, khó phát hiện và có thể đe dọa đến Trái đất nghiêm trọng hơn so với con người nghĩ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên