Công trình dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát - Ảnh: SONG NGỌC
Cụ thể TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, thêm nhiều dự án nhà đất mọc lên nhưng kênh rạch không bị lấn chiếm, san lấp.
Thêm công trình đô thị hóa, kênh rạch thoát nước ở thành phố này được cải tạo và mở rộng gấp nhiều lần.
Chuyện từ một dự án thoát nước
Tuần trước, tôi có qua cầu Trắng (đường DT745, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương), thấy mặt bằng hai bên cầu đang được san lấp, mở rộng, nghĩ: chắc thêm một dự án địa ốc sắp sửa mọc lên chỗ này.
Dừng xe, hỏi thăm người dân, mới hay họ đang thi công "dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát", đoạn từ cầu Trắng đến cống ngang quốc lộ 13 (tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng tại Bình Dương, nối các tỉnh Tây Nguyên về TP.HCM).
Khu vực này vốn là vùng trũng, nơi hứng chịu nguồn nước mưa, nước thoát cho các phường Phú Lợi, Hòa Phú, Phú Thọ (TP Thủ Dầu Một). Những năm gần đây, mỗi khi trời mưa lớn thường bị ngập nặng khiến tuyến đường bị chia cắt, xe cộ chết máy, nước tràn vào nhà dân...
Nay thấy thật vui khi tận mắt nhìn cảnh thi công dự án thoát nước này. Lại thêm một dự án thoát nước hữu ích cộng đồng, thêm niềm tin tương lai TP của chúng tôi sẽ không ngập nước do đô thị hóa.
Trung tâm TP Thủ Dầu Một nơi tôi đang sinh sống cũng gần sông Sài Gòn. Hệ thống thoát nước đô thị của TP Thủ Dầu Một đã được đầu tư xây dựng đồng bộ cùng với hệ thống giao thông. Đô thị hóa, thêm nhiều dự án nhà đất mọc lên nhưng kênh rạch không bị lấn chiếm, san lấp.
Những con rạch nhỏ nằm trong khu vực nội đô đều được cải tạo, xây kè hai bên bờ kiên cố và được mở rộng hơn gấp nhiều lần. Những khi trời mưa lớn, nhân viên đô thị dầm mưa đi cào rác từng lỗ miệng cống cho nước thoát nhanh nên TP rất hiếm khi xảy ra cảnh ngập nước...
Sao chặn "đường đi" của nước?
Tôi không phải công dân TP.HCM nhưng rất quan tâm đến vấn đề ngập lụt của TP, bởi đã "trải nghiệm" cảnh ngập lụt trong những lần có việc đến TP này.
Nhiều lần, báo Tuổi Trẻ đã nêu một trong những nguyên nhân gây ngập là do "kênh rạch thoát nước bị san lấp, thu hẹp dòng chảy vô tội vạ". Mới đây, trong buổi làm việc với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu: "Cần giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước" (Tuổi Trẻ ngày 29-5-2018).
Không phải tự nhiên mà TP xảy ra cảnh ngập lụt như hôm nay. Trong khi chờ TP thực hiện những giải pháp chống ngập mới, mỗi người dân có thể không xả rác, địa phương cần cải tạo, nạo vét, khai thông kênh rạch. Cần nhất là phải "trả lại" cho thiên nhiên những dòng chảy tự nhiên vốn có!
Nước vốn có "đường đi" của nước
Chạnh nghĩ: Nước vốn có "đường đi" riêng của nước. Con người chiếm hết chỗ thì phải chảy tràn lan ra đường, chứ biết chảy đi đâu!? "Dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát" ở TP Thủ Dầu Một đang được thi công, mở rộng gấp nhiều lần so với dòng chảy cũ vốn chỉ là con rạch rất nhỏ.
Nay mai sẽ thành dòng kênh thoát nước ra sông Sài Gòn. Vùng trũng nơi này tương lai sẽ không còn cảnh ngập nước. Và người dân như tôi cảm ơn tầm nhìn của những người làm quy hoạch đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận