30/10/2018 15:45 GMT+7

Sản xuất phân hữu cơ trong… nhà máy rác

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Nhà máy chế biến rác bị tạm đình chỉ do gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn lén lút hoạt động. Công ty chế biến phân bón không sản xuất tại nhà máy như in trên bao bì mà lại phối trộn, đóng gói ngay tại nhà máy rác này.

Clip ghi lại hoạt động bên trong nhà xưởng. - Ảnh: DUY THANH

Sáng 30-10, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN & PTNT Bình Định – cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra ngay việc sản xuất phân hữu cơ không đúng quy định tại nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH chế biến rác thải Duy Anh (gọi tắt là Công ty Duy Anh) ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn.

3 loại phân bón trong nhà máy rác

Thời gian qua, nhà máy xử lý rác của Công ty Duy Anh nhiều lần bị người dân địa phương "tố" gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Chí Công – phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn – cho biết đã buộc nhà máy tạm dừng hoạt động từ 1-10 đến 31-12-2018 để khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường.

Sản xuất phân hữu cơ trong… nhà máy rác - Ảnh 2.

Những đống rác "nguyên liệu" trong khuôn viên nhà máy xử lý và chế biến rác Duy Anh. - Ảnh: DUY THANH

Tuy nhiên trên thực tế, nhà máy này vẫn hoạt động. Ông Trần Anh Tài – chủ tịch HĐQT, giám đốc công ty – cho hay nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Ông Tài cũng cho hay hệ thống xử lý rác này do ông sáng chế, không nước, không khói, không gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Cứ 8 giờ, hệ thống này xử lý 15-20 tấn rác. 80% rác đưa về được nhà máy ông chế biến thành sản phẩm để làm phân hữu cơ, phần còn lại đem đi chôn lấp.

Sản xuất phân hữu cơ trong… nhà máy rác - Ảnh 3.

Phân bón hữu cơ cao cấp Organic được đóng bao tại xưởng. - Ảnh: DUY THANH

Tại một khu nhà xưởng trong nhà máy xử lý rác thải, có những đống nguyên liệu xay nát màu nâu đen và hàng chục bao sản phẩm mang các thương hiệu phân bón Supe lân Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), phân hữu cơ cao cấp Organic (Công ty TNHH Nông dược Bình Định, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), phân bón S.A Kim Cương (PV chưa rõ nơi sản xuất) và hàng trăm vỏ bao phân Organic mới chưa được đóng thành phẩm.

Sản xuất phân hữu cơ trong… nhà máy rác - Ảnh 4.

Những bao phân hữu cơ đã đóng gói tại xưởng của nhà máy xử lý và chế biến rác Duy Anh - Ảnh: DUY THANH

Ông Tài nói: "Chúng tôi chế biến rác, ủ khoảng 15-20 ngày là thành phân hữu cơ, rồi bán cho các hãng sản xuất phân với giá dưới 1 triệu đồng/tấn. Họ đến đây chế biến, đóng bao, đưa xe tải chở đi" – ông Trần Anh Tài "vô tư" giới thiệu.

Có dấu hiệu vi phạm

Trước việc người dân tiếp tục phản ứng nhà máy xử lý rác Duy Anh gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Chí Công cho biết ngày 25-10 huyện đã có văn bản yêu cầu UBND 2 xã Hoài Thanh, Tam Quan Nam chấm dứt hợp đồng bán rác cho công ty này.

Clip ghi lại núi rác bên trong nhà máy. Ảnh: DUY THANH

Từ thông tin do Tuổi Trẻ Online cung cấp về việc có 3 loại phân hữu cơ khác nhau được giới thiệu là sản xuất ngay tại nhà máy rác, ngày 29-10, ông Công cho hay kết quả kiểm tra ban đầu của Phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn cho thấy có việc sử dụng sản phẩm sau xử lý rác của nhà máy này làm ra phân bón hữu cơ ngay tại chỗ.

Chúng tôi liên lạc với ông Phan Đức Lợi - người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nông dược Bình Định - thì được ông này xác nhận công ty có sản xuất phân bón hữu cơ tại nhà máy rác của Công ty Duy Anh.

Sản xuất phân hữu cơ trong… nhà máy rác - Ảnh 6.

Bao bì mang thương hiệu phân bón hữu cơ cao cấp Organic tại xưởng của nhà máy rác - Ảnh: DUY THANH

Khi được hỏi ba loại phân bón mang các thương hiệu khác nhau tại nhà máy rác này có phải đều do Công ty TNHH Nông dược Bình Định sản xuất không, ông Lợi trả lời rằng công ty ông mua hai loại phân Supe Lâm Thao và S.A Kim Cương về để phối trộn với nguyên liệu từ nhà máy rác Duy Anh thành sản phẩm phân hữu cơ cao cấp Organic.

Chúng tôi hỏi tiếp là vì sao trên bao bì của phân bón Organic ghi nhà máy sản xuất ở thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nhưng lại tổ chức sản xuất trực tiếp tại nhà máy rác của Công ty Duy Anh, thì ông Lợi nói: "Do nhà máy rác sản xuất nguyên liệu không kịp nên chúng tôi phối trộn ở đó, chỉ làm một ít thôi".

Ông Nguyễn Chí Công nhận định: "Đây là nhà máy xử lý và chế biến rác thải thành một thành phần của phân hữu cơ, chứ sản xuất phân bón mà có thương hiệu thì phải ở nhà máy đàng hoàng. Làm như vậy là có dấu hiệu vi phạm, huyện đang chỉ đạo tiếp tục xác minh, kiểm tra để xử lý".

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên