27/05/2021 13:17 GMT+7

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1: Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đó là mùa hè năm 1985 - năm có những sự kiện không thể quên của đất nước. Năm đó, chúng tôi 16 tuổi, vừa học xong lớp 10 và bước vào một mùa hè đầy nhọc nhằn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1:  Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền - Ảnh 1.

Thẩn thơ tìm lại kỷ niệm xưa trên sân Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng - Ảnh: M.TỰ

Sân trường rộn ràng tiếng cười đùa một thời hoa niên và rực màu phượng đỏ. Trong mỗi chúng ta ai cũng có những sân trường kỷ niệm trong trái tim mình, dù đó là sân trường đẫm bùn đất miệt bưng biền hay dày dặn lịch sử, danh giá như trường Petrus Ký, Quốc học, Văn khoa Sài Gòn...

Đó là mùa hè năm 1985 - năm có những sự kiện không thể quên của đất nước. Năm đó, chúng tôi 16 tuổi, vừa học xong lớp 10 và bước vào một mùa hè đầy nhọc nhằn.

"Ta lớn lên bối rối một sắc hồng"

Năm đó, học sinh khối chuyên văn và Anh văn tỉnh Bình Trị Thiên vẫn còn học ở Trường phổ thông trung học Hai Bà Trưng, tức là Trường nữ trung học Đồng Khánh trước 1975. 

Khối chuyên toán và vật lý thì học ở Trường phổ thông trung học Quốc học, nguyên là trường nam trung học từng mang tên vị vua Khải Định, nằm ngay sát cạnh. Học sinh từ bắc đèo Ngang vào đến nam đèo Hải Vân trúng tuyển kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi thì được về đây học. 

Vì vậy, trường dành dãy nhà trệt ở phía sau làm khu nội trú cho học sinh ở xa. Biết bao buồn - vui, sướng - khổ đã diễn ra với chúng tôi ở cái góc nội trú lặng lẽ cuối trường ấy.

Kết thúc năm học lớp 10 đầy thú vị và không ít gian khổ vì thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi trở về quê nghỉ hè. Sau một tháng hè ở quê, nỗi nhớ trường, nhớ phố, nhớ những hiệu sách báo cứ cồn cào trong lòng. 

Tôi đón xe đò lên phố và hối hả tìm đến ngôi trường màu hồng của mình. Bước chân qua cánh cổng trường và trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ lạ chưa từng thấy. 

Sân trường đỏ rực bởi một rừng phượng vĩ đang trổ hết màu đỏ của mình. Trên các tán cây là những quầng hoa đỏ, dưới mặt đất cũng là một thảm đỏ.

Ánh mặt trời rọi xuyên qua tán hoa tạo nên một thứ ánh sáng đỏ lung linh. Chiếc áo trắng của tôi đã thành chiếc áo hồng. Cả người tôi cũng hồng rực lên như ai đó dùng cả thùng nước màu đỏ giội lên. 

Cái không gian đã quen thuộc với lũ học trò nội trú chúng tôi qua mỗi ngày nắng đêm mưa, sao giờ trở nên lạ lẫm như cõi nào đó trong cổ tích. 

Tôi đứng im trong sân trường vắng lặng chỉ có mình tôi và dặn lòng phải lưu vào bộ nhớ phút giây và khung cảnh thần tiên này. Đó là một ngày đầu tháng 7-1985.

Phút giây đó tôi liền nhớ tới những câu thơ của một nhà thơ xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm: "Ta lớn lên bối rối một sắc hồng/Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi/ Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội/ Ta nhận ra mình đang lớn khôn". Những câu thơ dường như không thể thiếu trong sổ tay của rất nhiều đứa học trò thuở ấy.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1:  Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền - Ảnh 2.

Những tấm ảnh kỷ niệm của các thế hệ Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được trưng bày trên sân trường - Ảnh: M.TỰ

Khát chữ và khát nước

Học sinh phổ thông thì nghỉ hè ba tháng, còn khối chuyên thì chỉ nghỉ hai tháng, nên đầu tháng 8 là khu nội trú chúng tôi lại đông đúc trở lại. 

Đó cũng là lúc cao điểm của nắng nóng và hạn hán. Nước mặn từ Biển Đông tràn vô phá Tam Giang, xâm nhập vào sông Hương và chảy ngược lên đến tận bến Tuần. 

Nhà máy nước không thể xử lý được nên thứ nước lợ đó theo đường ống chảy đến tất cả các gia đình. Không thể quên được vị mặn của muối biển pha lẫn nước sông tạo thành một thứ nước lờ lợ, rất khó nuốt trôi.

Người dân cả thành phố phải chạy lên các chùa, về các làng vùng ven để chở nước giếng về uống và nấu cơm. Mọi việc tắm giặt đều phải dùng nước máy nhiễm mặn. Tắm xong là cái đầu tóc rối bù và rít rát vì muối biển. 

Lũ học trò nghèo nội trú chúng tôi vì không có tiền mua nước ngọt để uống nên đành ngửa cổ mà nuốt cái thứ nước lờ lợ đó. Càng uống càng khát hơn. Lại thêm cái nóng như bức của cao điểm mùa hè. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thèm khát nước ngọt như lúc đó. 

Không đủ nước uống mà lại phải gặm một khối chữ nghĩa quá lớn dành cho học sinh chuyên, nên cái đầu đứa nào cũng khô rốc như đá ong. Đó là một mùa hè khắc nghiệt, càng khắc nghiệt hơn với lũ học trò nghèo xa nhà như chúng tôi.

Sân trường thành bãi sắt vụn

Học được hai tuần thì nhà trường triển khai chiến dịch thu gom sắt vụn. Đó là thời điểm mà "phong trào" thu gom sắt vụn để xuất khẩu đang rầm rộ. Sau chiến tranh, sắt thép phế liệu ngổn ngang khắp nơi. 

Nhưng chỉ vài năm xuất khẩu, sắt thép phế liệu đã trở nên khan hiếm. Vì vậy, giá sắt vụn tăng cao, và nhiều cơ quan đã kiếm thêm được một cục tiền từ thứ phế phẩm chiến tranh này để giúp cho nồi cơm của cán bộ - công nhân viên bớt độn khoai sắn thời đó.

Mỗi học sinh Trường Hai Bà Trưng tham gia phong trào bằng 30kg sắt vụn. Chỉ chừng đó thôi mà chúng tôi lục lọi suốt mấy ngày vẫn không tìm ra đủ. Cả thành phố đều săm soi sắt vụn thì thứ rác ấy còn đâu nữa mà tìm. 

Các xí nghiệp cơ khí, nhà ga, bến xe... là mục tiêu tìm kiếm sắt vụn của lũ học trò. Chúng tôi xin được một thanh ray mà bảo vệ trường trung cấp cơ điện dùng làm gác chắn cổng trường. Thanh ray nặng đến mức giúp chúng tôi... thở phào nhẹ nhõm vì đã kiếm đủ chỉ tiêu sắt vụn cho cả mấy đứa.

Sân Trường Hai Bà Trưng thơ mộng hôm nào đã trở thành một bãi sắt phế liệu. Những chiếc xe tải vào chở đi, những chuyến tàu phế liệu xuất cảng, và mang về cho trường một nhà in hiện đại nhất Huế bấy giờ. Xưởng in Hai Bà Trưng đặt tại dãy nhà trệt đối diện khu nội trú, nay là chỗ nhà tập luyện thể thao của trường. 

Lúc đó, cả thành phố Huế chỉ có một xí nghiệp in và in bằng kỹ thuật typo rất lạc hậu. Xưởng in Hai Bà Trưng in bằng kỹ thuật offset với máy móc hiện đại nên chất lượng in rất cao. 

Tạp chí Sông Hương những số báo nóng hổi gắn liền với cuộc đổi mới được in tại đây, với bìa và phụ bản màu in trên giấy láng đẹp long lanh. Chẳng mấy chốc "xưởng in Hai Bà" đã trở nên nổi tiếng cả vùng.

Đổi tiền

Mùa hè 1985 của chúng tôi kết thúc khi chiến dịch thu gom sắt vụn bước vào đợt hai, sau đợt một rất thành công. Sáng sớm ngày 14-9, chúng tôi thức dậy trong khu nội trú thì nhận được thông báo: đổi tiền. 

Cả lũ học trò nội trú vét túi gom tiền lại để nhà trường đổi giúp, cũng chỉ đổi được vài chục đồng. Vài ngày sau đó, chúng tôi đi ăn bánh đúc chợ Bến Ngự, đưa tờ bạc mới ra các dì còn không dám tin là tiền thật.

Mãi sau này, chúng tôi mới biết đó là cuộc thu đổi tiền quy mô trong lịch sử trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Trước đó, vào giữa mùa hè tháng 6, khi mà chúng tôi đang thả hồn mình theo những cánh phượng rơi trên sân trường thì đã có một chính sách mới ban ra liên quan đến đời sống của những đứa học sinh có "hưởng phụ cấp". 

Đó là nghị quyết 8 về giá - lương - tiền ngày 17-6-1985, nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang nền cơ chế hạch toán. 

Trong đó có việc bãi bỏ chế độ bao cấp về sinh hoạt phí đối với học sinh, và định lại bằng chế độ học bổng theo hướng khuyến khích học sinh giỏi, quan tâm con liệt sĩ và người thiểu số.

Cứ tưởng là khối chuyên sắp giải tán thì cuối tháng 9 năm đó, chúng tôi được chuyển sang Trường Quốc học, nhằm gom toàn bộ các khối chuyên về một mối, học chung một chỗ, ở chung một nơi. 

Mùa hè 1985 khắc nghiệt kết thúc và mùa thu tiếp nối bằng trận bão số 8 với sức tàn phá lớn chưa từng có trong lịch sử vùng đất này. 1985 - năm của những con số 8 không thể quên ...

Lớn khôn qua thử thách gian nan

Bây giờ mỗi khi nhớ lại năm tháng đó, tôi lại càng thấy yêu hơn những câu thơ trong trang vở học trò thuở ấy: "Ta lớn lên bối rối một sắc hồng/Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi/ Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội/ Ta nhận ra mình đang lớn khôn". Đúng vậy, lũ trẻ chúng tôi đã lớn khôn lên qua những thử thách gian nan và biến cố của đời sống...

**************

>> Kỳ tới: Nhớ lắm sân trường đẫm bùn miệt bưng biền

Lớn lên được đi khắp nơi, được làm khách mời ở các ngôi trường đẹp đẽ, nhưng tôi không thể nào quên ngôi trường mái lá, vách đất ở miệt bưng biền nghèo khó. Cái thời chúng tôi dự ngày vui cắm trại bằng cách... bọc mấy lít lúa đi đóng thay tiền.

100 năm một mái trường hồng Đồng Khánh - Hai Bà Trưng 100 năm một mái trường hồng Đồng Khánh - Hai Bà Trưng

TTO - Sáng 3-3, các thế hệ học sinh và giáo viên Đồng Khánh - Hai Bà Trưng đã mở lễ hội kỷ niệm 100 năm. Các thế hệ học trò Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ở khắp nơi trong và ngoài nước đã về dự.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên