12/12/2005 05:48 GMT+7

Săn tình... công nhân: Tú bà và bãi đáp

N.B. - L.QUỲNH
N.B. - L.QUỲNH

TT - Chập choạng tối, sau giờ tan ca, dòng người hối hả đổ ra từ các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN).

mcGVM2tc.jpgPhóng to
Khu nhà trọ nam công nhân rách nát gần cổng Khu công nghiệp Tân Tạo - "điểm hẹn" của những "chiếu giác hơi" công nhân - Ảnh: N.B.

Quốc lộ 1A đoạn Bình Tân, KCN Tân Tạo, xa lộ Đại Hàn đoạn Thủ Đức quanh KCX Linh Trung không còn chỗ cho các phương tiện cơ giới.

Thế nhưng cạnh các khu chợ đêm chuyên phục vụ thợ, dọc quốc lộ là hàng chục ngọn đèn dầu leo lét...

Bán quán tha hồ đi đây đi đó (!)

Chúng tôi vờ tìm một bạn gái 18 tuổi, làm việc ở Sài Gòn lâu quá không thấy tin tức về quê. “Kiếm công nhân hả? Không có ở công ty thì qua quán cà phê, quán nhậu”, một bác xe ôm trả lời trỏng câu hỏi của chúng tôi. Loanh quanh ở vườn cây trước cổng Công ty Pouyuen là rất nhiều gương mặt tìm bạn, đợi bồ.

Dọc đoạn đường khoảng 5km từ ngã tư đi An Sương tới bùng binh Phú Lâm có gần chục điểm nhậu, cà phê video: quán nhà tôn, nhà tường, quán lọt thỏm giữa đống phế liệu ngổn ngang sắt vụn, xà bần...

Bước vào một quán, khách hàng toàn nam công nhân với các cô phục vụ mặc đồ mát mẻ. Có quán nữ phục vụ còn đông hơn khách trong tiếng nhạc ầm ĩ và ánh đèn màu chớp lóe. “Chưa đâu, đông nhất là mấy hôm công ty phát lương”, một nữ phục vụ bảo.

Một vòng bảng giá: một ly cà phê bụi 2.000 - 3.000 đồng, cà phê đèn màu 4.000 - 7.000 đồng, cà phê “cao cấp” 9.000 - 11.000 đồng. Hầu hết các cô tự làm tự lo, chủ quán cho chỗ ăn, chỗ ở hoặc “chia” ít tiền trên đầu khách mối.

Nghe chúng tôi tìm em gái, một người đàn ông có vẻ tinh quái nháy mắt: “Thử đến mấy vườn hoa của các bà chủ Nụ, Thủy, Năm mà hỏi hay về nhà đợi ngày em gái hồi hương”.

Ngay ngã ba mũi tàu (quốc lộ 1A) chúng tôi tìm bà chủ quán có cái tên đẹp: Mai Thủy. Đó là một bà chủ tuổi băm từng có thâm niên “bảo vệ” cầu Đồng Nai, nay “hoàn lương” bằng mở quán cà phê.

Cái tên giang hồ chính gốc là “quỉ” Mai được cải biên thành Mai Thủy. Những công nhân mà chúng tôi tiếp xúc đều rỉ tai: “Quán bả giúp đỡ các em gái cơ nhỡ, tìm mối qua ngày, dài hạn lẫn ngắn hạn.

Tùy vào túi tiền của khách để chào mời khách “làm bạn” uống nước chung, ăn chung hay nhiều thứ chung khác giá bình dân. Khách không có tiền vẫn phục vụ chu đáo, với cái thẻ CMND khách có thể uống vô tư cả chục lần. Bà chủ không sợ quịt tiền vì tiền làm thẻ bằng cả tháng uống cà phê, hơn nữa đa số công nhân ở tỉnh, không có CMND thì như người... cụt chân”.

Khi chúng tôi lo ngại cô bạn gái không làm thợ mà đi bán quán, bà Mai nói ngay: “Bán quán không cực khổ gì mà có khi được đi đây đi đó” (!).

Giác hơi... giữa ruộng

TP.HCM hiện là trung tâm lao động lớn nhất cả nước với 150.000 lao động tập trung trong các KCX-KCN.

Chủ tịch công đoàn các KCX-KCN cho biết: “70% lao động ở đây là nữ đến từ các tỉnh. Đời sống văn hóa tinh thần rất thiếu thốn, các tổ chức vui chơi giải trí đa số tự phát hoặc của Đoàn Hội không đáng kể. Việc nữ công nhân sa ngã khó tránh khỏi”.

Anh Nguyễn Đức Hoàng (Công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) kể một câu chuyện đau lòng: tại Công ty F.T. đã xảy ra vụ việc một nữ công nhân dính bầu, đẻ con trong nhà vệ sinh rồi vứt vào sọt rác. Nhiều người sau cú sốc tình cảm bỏ đi nơi khác và dính vào con đường mại dâm.

Một ngọn đèn dầu, cái giỏ nhựa đựng đồ nghề đấm bóp, giác hơi, chiếu cói, gối hoa trải sẵn hoặc chỉ là một tấm áo mưa.Thợ giác hơi quanh KCN Tân Tạo đa số là nữ với các “chiếu” trên vỉa hè, ven đường, thậm chí chỉ một mô đất giữa ruộng; hoạt động từ 18g30 đến 3-4 giờ sáng. Một cô kể vanh vách về khách hàng của mình: chủ yếu là tài xế xe các loại, khách vãng lai và “thợ đụng” (đụng đâu làm đó) và một số nam công nhân.

Gần một năm nay, các “chiếu” giác hơi ngày một dài thêm hàng cây số (đường đi Long An, An Sương). Lúp xúp trong bụi cây, bờ cỏ, chúng tôi nhận ra nhiều thợ vốn là công nhân; còn bây giờ có cô vừa giác hơi vừa thuốc lá phì phèo. Những khi tan ca, họ lẫn vào dòng thợ “chào hàng” .

Đồ nghề gói gọn trong chiếc giỏ “tập kết” ngay bên đường, Q., một “thợ” giác hơi 18 tuổi “ăn nói” rất hương lúa, bảo với chúng tôi: “Tiền công 10.000 - 15.000 đồng/lần, bằng nửa ngày công hồi tui còn làm thợ”.

Rồi Q. kể huyên thuyên về tuổi 16-17 của mình: từ Trà Vinh lên Sài Gòn, sức trẻ, mục tiêu kiếm tiền nuôi ba đứa em ăn học khiến Q. “cày” không biết mệt. Nhưng lương công nhân 800.000 đồng/tháng chỉ đủ các cô gái xa nhà dành dụm gửi tiền về quê, thuê nhà trọ và ăn uống qua ngày.

Những bó rau xanh, miếng đậu, quả trứng, con cá tươi của chị T. (khu phố 3, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) - người hàng xóm tốt bụng - trở thành món quà quí. Dần dà hàng xóm thấy các cô thợ đi làm thất thường, rồi trốn việc theo chị T. “làm ăn xa”; rồi lại trở về khu nhà trọ với “nghề”... giác hơi giữa ruộng.

Họ săn tình mỗi đêm hay đang là “mồi” của những thợ săn?!

N.B. - L.QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên