Vở sẽ ra mắt tại Sân khấu Thiên Đăng vào ngày 12-9.
Hy vọng thêm một vở hay ở Sân khấu Thiên Đăng
Sở dĩ người trong nghề trông chờ vở diễn vì đây là kịch bản hay, ý nghĩa. Vở từng được vài sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM dựng làm vở tốt nghiệp đạo diễn.
Tuy nhiên, có thể nói đây là lần đầu tiên kịch bản được dàn dựng trên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp của TP.HCM.
NSND Trần Minh Ngọc, đạo diễn của vở, tâm sự ông rất vui khi được Thiên Đăng mời dựng.
Ông cho biết vở này đã được đạo diễn trẻ Võ Cẩm Tiên (hiện đang cộng tác tại Sân khấu Hồng Hạc) làm vở tốt nghiệp năm 2022 với tên Sông hát, sau đó một sinh viên ở lớp đạo diễn tài năng cũng làm.
Bản dựng của các bạn có sự tìm tòi nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải.
"Ở Sân khấu Thiên Đăng thì có điều kiện hơn để các bạn có thể xử lý hiệu quả tính ước lệ" - ông Ngọc giải thích.
Trong kịch bản, vở là câu chuyện gói gọn trên một chuyến đò. Có người đàn bà lái đò trông rất bình thản và có phần bí ẩn.
Ai lên đò cũng được yêu cầu đeo mặt nạ và không được mang vác nặng. Lần lượt từng người bước lên chuyến đò ấy: nhà thơ, thầy giáo, nhà sư, đôi tình nhân trẻ, cặp mẹ con, gã nhà thầu, kẻ cướp...
Với kịch bản này, để dựng cho hay không phải dễ và đòi hỏi lực diễn của diễn viên rất lớn vì họ trụ gần như xuyên suốt vở kịch.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc tiết lộ với kịch bản mang nhiều triết lý thì ê kíp của Thiên Đăng đã tìm nhiều hình thức để vở hấp dẫn, không quá nặng nề, nghiêm túc, có những chỗ có thể cười. Từ tiếng cười bật ra những suy nghiệm về cuộc sống.
Ông cũng chia sẻ thêm trong kịch bản quy định nhân vật mang mặt nạ nhưng sân khấu đã có những thử nghiệm làm khác đi, sử dụng những trình thức mà người xem có thể tưởng tượng được hình dáng chiếc thuyền trên sân khấu.
Các nhân vật cũng có sự thay đổi để đẩy vai trò của họ lên như nhân vật nhà thơ (Thành Lộc đóng). Đạo diễn Trần Minh Ngọc đặc biệt chú ý đến nhân vật nhà sư của nghệ sĩ Hữu Châu. Ông tin rằng vai diễn này khi ra mắt sẽ gây ấn tượng với công chúng.
Hữu Châu lần đầu tiên đóng vai nhà sư
Trong những ngày tập, nghệ sĩ Hữu Châu liên tục bày tỏ sự hào hứng với vở diễn trên trang cá nhân.
Anh viết: "Vở này rất hay, mấy nay anh em, chú cháu tập trung đầy lửa và nhiệt tình. Sắp mừng Sân khấu Thiên Đăng tròn 1 tuổi".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ đây là lần đầu tiên anh đóng vai một nhà sư.
Hữu Châu vốn có sự quan tâm tới đạo Phật, anh thường xuyên đọc sách về Phật giáo nên dù vai diễn mới mẻ nhưng anh cảm thấy rất dễ thấm.
Chiếc thuyền trong vở diễn với anh như chiếc thuyền bát nhã trong nhà Phật.
Anh cho biết thêm vai diễn của anh thoại rất ít, chỉ thường xuyên nói câu "Nam mô A di đà Phật", nhưng khi đã nói thì là những câu thoại đắt giá.
"Đây là cơ hội để tôi có thể diễn ngầm khiến khi tập mình cảm thấy rất đã vì có một vai hay" - Hữu Châu nói về vai diễn và anh cũng nhớ đến nghệ sĩ Ba Vân.
Ngày xưa ông đóng Khi người điên biết yêu, thoại chỉ vài câu thôi mà qua lực diễn của ông người làm nghề và công chúng phải gọi ông là Quái kiệt Ba Vân.
Ngoài nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Chuyến đò định mệnh còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Khánh, Lương Thế Thành, Huy Tứ, Trương Hạ, Quốc Trung, Kiều Ngân, Mạnh Hùng…
Truyện ngắn Sang sông được chính tác giả Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể thành kịch bản sân khấu có tên Đến bờ bên kia.
Năm 2008, đạo diễn Anh Tú đã dựng vở này dưới sự cố vấn của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Kịch tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc vào tháng 12 năm đó, thu hút dư luận trong giới với những ý kiến khen chê trái chiều.
Năm 2022, đạo diễn Bùi Như Lai lại dựng vở Đến bờ bên kia theo hình thức sân khấu thể nghiệm cho Đoàn kịch nói Hải Phòng.
Vở kịch tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 5 năm 2022 và được trao huy chương vàng.
Mới đây, hồi tháng 6, Trung tâm Kịch Seoul cũng chọn dựng vở kịch thể nghiệm từ truyện ngắn Sang sông (cùng với truyện Không có vua) được in trong tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do TS Kim Joo Young dịch, Nhà xuất bản Văn Học và Trí Tuệ xuất bản tại Hàn Quốc năm 2023.
Vở kịch được công diễn trong Chương trình giới thiệu kịch châu Á: Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận