07/12/2014 19:45 GMT+7

​San bằng giới tính trong công nghệ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Khởi đầu chỉ với một chương trình đào tạo, tới năm 2015 dự án Girls Who Code sẽ có 40 chương trình, hướng tới mục tiêu năm năm sau cho “ra lò” hàng triệu nữ lập trình viên.

Chị Reshma Saujani - người sáng lập Tổ chức Girls Who Code - Ảnh: WSJ
Chị Reshma Saujani - người sáng lập Tổ chức Girls Who Code - Ảnh: WSJ

“Mẹ đẻ” của sáng kiến Girls Who Code là chị Reshma Saujani, 38 tuổi, người Mỹ gốc Ấn Độ đã di cư tới bang Illinois (Mỹ) từ những năm 1970.

Ngay từ khi học phổ thông, chị từng thành lập một câu lạc bộ giúp bạn bè đồng trang lứa hiểu thêm sự đa dạng của các nền văn hóa. Đó là bước đầu dẫn chị đến với Liên đoàn Giáo dục Ivy (nhóm các trường và viện đại học lâu đời và hàng đầu của Mỹ) giảng dạy luật và chính trị, sau đó là sự ra đời của dự án Girls Who Code năm 2012.

Girls Who Code là tổ chức cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu về khoa học máy tính cho nữ sinh năm thứ nhất, thứ hai trung học trong các khóa học mùa hè tại chín thành phố trên toàn nước Mỹ. Các em gái sẽ được học những kiến thức thiết thực nhất về mã hóa, phát triển web hoặc lập trình và khoa học chế tạo - điều khiển robot.

Không những vậy, các em còn có cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu như Jeff Bezos của Amazon, Sherryl Sandberg của Facebook. Chỉ trong hai năm, Girls Who Code đã thành công rực rỡ, giành được tài trợ từ các hãng công nghệ lớn như Twitter, Google và GE, mở rộng chương trình từ 1 (năm khởi điểm) lên tới 40 (năm 2015).

Trong những mục tiêu hướng tới của Girls Who Code, ngoài việc san bằng khoảng cách giới tính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tổ chức này còn hướng tới giải quyết tình trạng thiếu nhân lực công nghệ đáng kể ở Mỹ.

Tính tới năm 2020, Mỹ cần khoảng 1,4 triệu nhân sự trong lĩnh vực này, nhưng số sinh viên ra trường sẽ chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Trong khi ấy, dù nữ giới chiếm 57% số cử nhân tốt nghiệp ở Mỹ nhưng chỉ 14% tốt nghiệp ngành khoa học máy tính. Người Mỹ từ lâu đã quen với định kiến: khoa học máy tính là môn học dành cho con trai.

Saujani có tham vọng giải quyết “chỗ hổng” này. Chị không gọi Girls Who Code là một tổ chức, mà gọi là một “phong trào” do “các chiến binh chân đất” và “những người có niềm tin mãnh liệt” khởi xướng.

Chị đã nói với các cô gái của mình: “Có những người bảo tôi rằng chương trình này sẽ không đi đến đâu. Nhưng các bạn sẽ không mất gì cả (khi tham gia)”. Chị cũng chia sẻ ước vọng trong sáu năm tới sẽ đào tạo được 1 triệu nữ nhân sự công nghệ thông tin.

Hưởng ứng phong trào do Saujani khởi xướng, hồi tháng 6 năm nay, sau khi nhận thấy trong đơn vị của mình chỉ có 17% nhân sự là nữ, Tập đoàn Google quyết định đầu tư sáng kiến Made With Code trị giá 50 triệu USD và hợp tác với Tổ chức Girls Who Code của Saujani.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên