Margaret Butler chạy cùng trẻ em Rwanda - Ảnh: CSMonitor |
Butler đến đất nước châu Phi xa xôi này để thay mặt một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ thăm một số trường địa phương. Lúc đầu, mỗi khi chạy bộ sau giờ làm việc, cô kể: “Tôi khiến lũ trẻ con khóc thét vì da tôi quá trắng khiến chúng tưởng là ma”.
Khi quen dần, chỉ có những bé trai tò mò chạy theo Butler. “Ở Rwanda, những bé gái chạy nhảy là điều bất bình thường” - cô giải thích. Dần dà khi tìm hiểu thêm, Butler cũng nhận thấy hầu như rất ít học sinh nữ trong các trường học.
Theo số liệu, chỉ 15% trẻ em gái ở Rwanda học lên cấp II và chỉ 5% trong nhóm này học đến đại học. Học phí cấp II ở nước này vào khoảng 200 USD/năm và khoảng 3.000 USD/năm cho đại học, nằm ngoài tầm với của hầu hết gia đình ở đây. Nhưng nếu có tiền, họ sẽ ưu tiên cho con trai đi học.
Một ngày, câu chuyện của một bé gái khiến Butler phải hành động. “Đứa bé nói với tôi rằng em đã 14 tuổi và em biết mình sẽ chẳng bao giờ được học cấp II. Em cảm thấy rất chán nản - Butler nhớ lại - Tôi ngồi đó và nghĩ rằng mình nên và có thể làm điều gì đó”.
Butler tổ chức một cuộc chạy bộ cho các bé gái và ngạc nhiên khi có đến 300 em đăng ký tham gia. Cô bắt đầu trở về nước gây quỹ tài trợ học phí cho các em và đến năm 2009 thành lập quỹ học bổng phi lợi nhuận Komera, có nghĩa là “hãy mạnh mẽ”.
Đến nay, cô tổ chức các cuộc chạy gây quỹ hằng năm tại nhiều thành phố lớn thuộc sáu quốc gia trên thế giới và hỗ trợ các bé gái vào trường nội trú để tập trung vào việc học.
Khoảng 70 bé gái đã nhận được học bổng của Butler. Một con số không quá nhiều nhưng có ý nghĩa lớn với các em. Một số em sau khi tốt nghiệp đã trở thành cảnh sát, giáo viên, nhân viên công ty và một số tiếp tục học cao hơn, điều mà trước đây các em khó mơ đến.
Không chỉ vậy, tổ chức của Butler cũng giúp giải quyết các khó khăn của địa phương như dạy phụ nữ cách đan rổ, làm vòng tay để không phải phụ thuộc việc làm nông. Một số người đã biết cách tự thành lập cơ sở riêng để trồng nấm hay nuôi dê.
“Butler đã thật sự tạo ra sự khác biệt khi tiếp thêm sức mạnh cho những phụ nữ này -sinh viên Claudine Humure nói trên Christian Science Monitor - Nói cách khác, cô ấy đang giúp thay đổi đất nước Rwanda”.
Bây giờ những đứa trẻ không còn sợ mỗi khi Butler đi ngang qua và những bé gái thường chạy ra đón, gọi cô là mẹ một cách trìu mến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận