Đặc sản Quảng Ngãi như tỏi đen Lý Sơn, mạch nha... được Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.HCM) nhập dự trữ bán Tểt - Ảnh: NG.TRÍ
Trong khi đó, nhà bán lẻ, nhà kinh doanh cũng chủ động sản xuất, dự trữ trước lượng hàng bán Tết để tránh những rủi ro vì dịch.
Săn hàng sắm Tết
Dạo mua nhiều hàng hóa tại hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành diễn ra từ ngày 2 đến 5-12 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), bà Phúc (quận Tân Bình) cho biết gia đình đi hội chợ xem như sắm Tết luôn nên cũng chi mạnh tay hơn so với bình thường.
"Nếu dịch diễn biến phức tạp, giãn cách lúc giáp Tết thì khó mà được mua sắm tự do, nguồn hàng cũng không thể dồi dào. Mua sớm hơn mọi năm để yên tâm" - bà Phúc nói.
Cầm hàng chục túi đồ trên tay, ông Ngô Quốc Thái (quận Bình Thạnh) cho biết ngoài sắm Tết cho gia đình, ông quyết định mua sắm nhiều mặt hàng thực phẩm tại hội nghị cung cầu để dự trữ bán Tết.
Theo ông Thái, gia đình có mở quán tạp hóa nhỏ nhưng mọi năm tầm cuối tháng 12 thì ông mới dựa vào sức mua để "săn" hàng. Còn năm nay, dù chưa có khách, nhưng lo ngại dịch làm đảo lộn mọi thứ vào cuối năm nên tranh thủ.
Dù còn những 2 tháng nữa mới đến Tết nhưng nhiều gia đình đã lên kế hoạch tiêu dùng cho ngày Tết. Anh Văn Hùng (TP Thủ Đức) cho biết đã đặt hàng khô từ mối quen ở đặc sản Tây Bắc, còn hàng thịt và bánh chưng thì cận Tết sẽ bắt đầu được giao. "Năm nay, các mối quen cũng rao nhận đặt hàng Tết sớm để có giá tốt" - anh Hùng chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, dưới tác động của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đã có những thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng. Tết 2022 đang cận kề và được dự đoán là một cái Tết "khác thường", bởi người tiêu dùng đã trải qua một năm biến động về cả "túi tiền" lẫn thói quen sinh hoạt thường ngày. Ngoài mua sắm Tết sớm, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên những mặt hàng thiết yếu, bao bì đơn giản, tiện dụng...
Giữ giá để giữ sức mua
Ông Bùi Thanh Tùng - tổng giám đốc Công ty Tường An - cho biết đơn vị này vẫn đặt kế hoạch sản lượng tăng 30% so với cùng kỳ đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn bán hàng phục vụ thị trường Tết.
"Giá nguyên liệu sản xuất tăng rất mạnh nhưng nhờ có lượng hàng dự trữ nên giá sản phẩm tăng khoảng 10%, thấp hơn rất nhiều so với biến động giá nguyên liệu" - ông Tùng cho biết.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng "chạy trước" kế hoạch Tết so với mọi năm. Là đơn vị chuyên phân phối giò bê sản xuất tại Nghệ An cho thị trường phía Nam, chị Hoài Anh - đại diện cơ sở Minh Hiền (Bình Dương) - cho biết nhà phân phối chưa dám mạnh tay đặt mua nên lượng hàng bán Tết hiện chỉ đạt hơn 2-3 tấn, bằng 15-20% so với mọi năm.
Tuy vậy, chị Anh vẫn quyết định "ôm hàng" dù là sản phẩm có phân khúc giá tương đối cao với 260.000 - 320.000 đồng/kg tùy loại.
"Nếu dịch COVID-19 bùng phát cuối năm, việc vận chuyển khó khăn hơn, chi phí gia tăng. Do đó, tôi quyết định nhập trước 30-40% lượng hàng bán Tết này để cấp đông và bán lai rai" - chị Anh tính toán.
Tương tự, kinh doanh các đặc sản Quảng Ngãi như tỏi đen Lý Sơn, mạch nha, đường phèn..., ông Trần Đình Dũng - đại diện Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.HCM) - cho biết đơn vị đã nhập trước khoảng 30% lượng hàng Tết. "Lượng hàng nhập về không nhiều bằng mọi năm nhưng sớm hơn do lo ngại tỏi Lý Sơn khó vận chuyển thời gian tới không biết thế nào" - ông Dũng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Quyên - giám đốc Công ty Cô Ba Chuyên (Đồng Nai), nhiều khách hàng thông báo giảm 50% lượng nhập bưởi Tân Triều so với năm ngoái nên nhà vườn cũng chỉ đầu tư cầm chừng, sản lượng bưởi phục vụ mùa Tết giảm mạnh. "Công ty đã liên kết với khoảng 20 tổ hợp tác trồng bưởi để có thể cung ứng khoảng 400 - 500 tấn bưởi cho thị trường Tết, tăng mạnh so với ngày thường" - bà Quyên khẳng định.
Đại diện Trung tâm khuyến công tỉnh Kiên Giang cho biết lượng hàng được các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất để cung ứng cho dịp Tết năm nay có thể giảm 30-35% so với năm ngoái. "Doanh nghiệp không dám sản xuất nhiều nhưng tranh thủ sản xuất sớm hơn để kịp tìm nhà phân phối đẩy hàng đi trước, đặc biệt những sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu" - vị này thông tin.
Siêu thị kéo dài khuyến mãi
Nhiều giỏ quà Tết được các siêu thị tại TP.HCM chuẩn bị cho dịp Tết 2022 (ảnh chụp tối 3-12) - Ảnh: T.T.D.
Ngoài dự trữ lượng hàng Tết, hầu hết các nhà sản xuất cho biết dù giá thành sản xuất tăng nhưng do lo ngại sức mua yếu nên giá bán các sản phẩm phục vụ thị trường Tết năm nay không tăng, thậm chí giảm để kích thích sức mua. Chẳng hạn, hệ thống Saigon Co.op cho biết sẽ tiếp tục kéo dài chương trình khuyến mãi hơn so với mọi năm nhờ sớm làm việc với nhà cung cấp để nhập hàng Tết với mức giá ổn định.
Tương tự, đại diện Emart cho biết do sức mua đang giảm 20-30% so với cùng kỳ nên đơn vị kéo dài các chương trình khuyến mãi đến cuối năm để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết, hầu hết mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều được nhà cung cấp cam kết cung ứng dồi dào với mức giá ổn định.
Đại diện các đơn vị cung ứng thực phẩm lớn như công ty Vissan, C.P, San Hà... cũng khẳng định sẽ bắt đầu đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường kể từ giữa tháng này để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân với mức giá tốt và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
NG.TRÍ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận