25/05/2024 06:22 GMT+7

Sam Lang trường nhỏ gọi nhiều niềm vui lớn

Sam Lang, ngôi trường kiên cố giáp biên giới Việt - Lào (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên), được dựng xây từ tấm lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Mười năm sau, chúng tôi trở lại, ân tình của bà con Sam Lang vẫn còn ấm mãi.

Trường Sam Lang hôm nay - Ảnh: NGỌC QUANG

Trường Sam Lang hôm nay - Ảnh: NGỌC QUANG

Bởi những câu chuyện phát sinh từ ngôi trường bé nhỏ ấy đã tạo thành một "phản ứng dây chuyền" kéo theo để bà con có thêm một cây cầu treo trị giá gần 10 tỉ đồng và con đường hơn 40 tỉ đồng...

Vui nhất là dân bản em nhiều người đã khá lên, đã có hai hộ sắm được ô tô anh ạ.

GIÀNG A CHƠ

Ấm mãi tình biên ải

Mười năm trước, câu chuyện báo Tuổi Trẻ xây tặng bà con bản Sam Lang điểm trường trong chương trình "Tháng ba biên giới" cũng như bao nhiêu ngôi trường khác mà tấm lòng bạn đọc của báo đã góp xây trên mọi miền đất nước.

Nhưng câu chuyện Sam Lang đã trở thành một sự kiện đặc biệt khi cô giáo Tòng Thị Minh, một cô giáo mầm non ở điểm trường Sam Lang, đã tin cậy trao cho phóng viên Tuổi Trẻ mấy đoạn clip quay cảnh cô giáo và học trò vượt suối đến trường trong ngày mưa lũ.

Phóng sự "Chui vào túi ni lông... qua suối" đã khiến bạn đọc sửng sốt. Trong khi trên các diễn đàn mạng xã hội trong nước nhiều người tỏ ra nghi ngờ, thậm chí có người cho đó là câu chuyện được dàn dựng thì trên những trang báo hàng đầu thế giới đăng tỏ ra khâm phục quyết tâm đến trường và dành những lời ca ngợi tinh thần hiếu học của học sinh và thầy cô giáo vùng núi Việt Nam.

Nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau khi Tuổi Trẻ đăng bài báo ấy, câu chuyện chui túi ni lông đã nhanh chóng trở thành quá khứ.

Ngày 17-3-2014, khi câu chuyện Sam Lang xuất hiện trên Tuổi Trẻ thì đúng một tuần sau cây cầu treo kiên cố được khởi công và khánh thành vào ngày 7-5-2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên.

Sau câu chuyện Sam Lang năm ấy, chúng tôi có vài lần trở lại với bản nhỏ heo hút này. Nhưng lần này, cũng đúng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nên câu chuyện 10 năm luôn mang đến những cảm xúc ý nghĩa của dấu mốc thời gian.

Nếu 10 năm trước khi cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng Nà Hỳ vào Sam Lang dựng trường, có chuyến chúng tôi phải cuốc bộ, có chuyến đi được vài chặng bằng xe máy. Mấy chiếc xe máy ưu tiên chở vật liệu.

Cứ hình dung 18km đường từ trung tâm xã vào bản là đường đất chỉ vừa một lối xe máy đi. Nhưng để đi được cũng không dễ vì dốc cao quá, xe máy cài số 1 để leo, bánh xe quay tít như xay lớp đất trên đường thành một thứ bột xốp mịn, thi thoảng bánh xe không bám được lại trượt dài.

Thiếu tá Phương Công Quý, đồn trưởng Đồn Nà Hỳ, động viên chúng tôi: "Các anh lâu lâu mới trải nghiệm một lần, chứ các cô giáo ở Sam Lang tuần nào cũng phải vào ra vài lần, cố lên, gần đến nơi rồi".

Hôm từ Sam Lang ra lại huyện kể chuyện về con đường vào bản, anh Nguyễn Văn Thái, chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, kể với chúng tôi rằng ở huyện này đường vào bản gian nan như đường vào Sam Lang có nhiều lắm.

Các cô giáo chưa quen đi những con dốc hẹp, dựng đứng và cua gắt như thế này, chuyện ngã xe là cơm bữa. Năm 2013, cô Tuyết, giáo viên dạy ở điểm trường Chà Tở, trên đường đi dạy về, xuống dốc xe máy bị trôi, khi ngã chân chống xe máy đâm xuyên ruột thủng ra tận lưng, suýt mất mạng, may kịp đưa ra bệnh viện tỉnh cấp cứu!

Những câu chuyện của 10 năm trước cứ hiện lên trong tôi như những thước phim quay chậm. Và con đường gian nan vất vả của 10 năm trước thì giờ đây chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ từ trung tâm xã, ô tô của chúng tôi đã dừng lại trước điểm trường Sam Lang được dựng lên bởi tấm lòng ở tận TP.HCM - cách xa Sam Lang cả 2.000km!

Trường Sam Lang do báo Tuổi Trẻ xây tặng trong dịp khánh thành hồi tháng 5-2014 - Ảnh: L.Đ.DỤC

Trường Sam Lang do báo Tuổi Trẻ xây tặng trong dịp khánh thành hồi tháng 5-2014 - Ảnh: L.Đ.DỤC

"Hiệu ứng dây chuyền" của những công trình

Nếu 10 năm trước, khi báo Tuổi Trẻ xây điểm trường để đáp ứng chỗ học cho số lượng học sinh của bản chỉ chưa đến 30 em thì thật bất ngờ, sau khi trường xây xong, số học sinh ở Sam Lang tăng đột biến.

Lý do là sau khi xây xong trường, từ việc xây trường mà kéo theo được tài trợ cây cầu. Để đưa nguyên vật liệu vào xây cầu thì phải mở rộng đường cho ô tô chở cấu kiện vào, vậy là như một phản ứng dây chuyền bà con Sam Lang có được trường, có được cầu và có được đường.

Nhờ việc đi lại thuận lợi hơn, nhiều phụ huynh trong vùng cho con về học ở Sam Lang để tiện đưa đón.

Sam Lang ngày trước heo hút bao nhiêu thì nay đông vui bấy nhiêu. Bà con du canh du cư ở những đỉnh núi xa, nay biết Sam Lang có đường có trường có cầu cũng dời nhà về gần bản để định cư.

Gặp rất nhiều thầy cô giáo bám bản ở đây, chúng tôi mới biết nếu như ở miền xuôi mục đích của cha mẹ cho con đến trường chủ yếu là để được đi học, thì ở trên những bản làng heo hút này không chỉ đi học, đưa con cái đến trường, thầy cô giáo còn thêm một nhiệm vụ nữa như là hỗ trợ chăm con.

Nhất là giờ đây phong trào các lao động trẻ tìm về các đô thị lớn, con cái để lại nhà nhờ ông bà trông nom thì việc đưa các em học sinh đến học tập trung tại các trường nội trú, bán trú, được ăn ở và cuối tuần ông bà đến đón về thật sự giúp cho cha mẹ các em yên tâm làm việc ở những nơi xa xôi.

Sẽ là thiếu sót nếu trong câu chuyện trở lại thăm bản nhỏ Sam Lang và những công trình từ sự hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ TP.HCM mà không nhắc đến những nhân vật đã khởi đầu câu chuyện kéo theo những đổi thay nơi đây.

Cô giáo Tòng Thị Minh, người quay clip chui túi ni lông qua suối, đã chuyển về dạy học ở trường mầm non xã Thanh Luông, huyện Điện Biên quê nhà.

Lần này chúng tôi muốn mời cô Minh cùng đồng hành về lại Sam Lang, nhưng cô giáo Minh cho biết vừa sinh em bé thứ hai được mấy tuần nên chưa thể đi đâu được.

Cô giáo Huệ, nhân vật ngồi trong túi ni lông và được cô Minh quay, cũng đã chuyển đi dạy ở trường khác gần với thành phố hơn.

Riêng Giàng A Chơ, chàng trai người Mông dũng cảm đã làm "cây cầu sống" cho bà con dân bản mỗi mùa lũ, thì vẫn bám trụ với Sam Lang.

Mười năm trước, A Chơ mới ngoài 20 tuổi, đứa con trai của A Chơ khi ấy vừa được 1 tuổi thì nay cậu bé ấy đã học lớp 5 và Giàng A Chơ đã là một người đàn ông chững chạc.

Con đường vào Sam Lang 10 năm trước là lối mòn dân sinh được vẹt ra từ mái đồi, chỉ xe máy đi được vào mùa khô và tay lái cũng phải "lụa" mới có thể vượt được nhiều đoạn suối sâu, đèo dốc thăm thẳm. Bây giờ dân bản sắm được ô tô để thu mua nông sản vận chuyển trên cung đường ấy.

Khoảng cách giữa hai câu chuyện là 10 năm. Với đâu đó có thể là bình thường, nhưng với chúng tôi, những người vẫn thường xuyên đi đi về về với Tây Bắc, đó là một chuyện cổ tích mới giữa đại ngàn cực tây Điện Biên.

Cầu treo Sam Lang sau 10 năm vẫn bền bỉ đưa bà con an toàn qua suối thay cho việc chui túi ni lông vào mỗi mùa lũ - Ảnh: NGỌC QUANG

Cầu treo Sam Lang sau 10 năm vẫn bền bỉ đưa bà con an toàn qua suối thay cho việc chui túi ni lông vào mỗi mùa lũ - Ảnh: NGỌC QUANG

Hai đơn nguyên chính của ngôi trường cũ mà báo Tuổi Trẻ xây dựng vẫn còn vững chắc tựa lưng vào núi, nhưng hai phía tả hữu được xây dựng thêm hai dãy phòng học mới đủ đáp ứng phòng ốc cho việc học của các cháu.

Đó cũng là những dãy được xây thêm từ những tấm lòng xuyên đại dương khi biết được câu chuyện Sam Lang.

Dãy hai phòng học bên phải là công trình được xây từ sự kết nối của một nhóm bạn trẻ thiện nguyện ở Hà Nội tìm được tài trợ từ một cựu binh Mỹ tên là Jimmy (nay đã mất).

Dãy hai phòng học và một phòng công vụ vừa khánh thành cuối năm 2020 từ sự hỗ trợ của Câu lạc bộ "Chung tay Bắc Ninh", Hội Khuyến học huyện Nậm Pồ.

Sam Lang - trường mới bên đường biên giớiSam Lang - trường mới bên đường biên giới

TT - Một điểm trường mới vừa được khánh thành sáng 2-5 tại bản biên giới Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Đây là công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp trong chương trình “Tháng ba biên giới”, được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng bộ đội biên phòng và Tỉnh đoàn Điện Biên thực hiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên