20/04/2012 09:46 GMT+7

Sai sót khó chấp nhận

 LÊ THANH TÂM
 LÊ THANH TÂM

TT - Chuyện bà đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến khai lý lịch không trung thực gần như đã đến hồi ngã ngũ. Dẫu chưa có quyết định cuối cùng nhưng có lẽ mọi người đều hiểu rõ kết cục của vụ này.

Trong những ngày qua, trên một số tờ báo, bà Yến có nói thế nào đi chăng nữa cũng không đủ lý lẽ để biện minh cho bản lý lịch vốn có nhiều điều nhạy cảm nhưng không được khai một cách đầy đủ, rõ ràng.

Bà Yến có mục đích khi khai lý lịch không trung thực. Cử tri có lý khi nói rằng việc làm của bà Yến đã khiến họ nhầm lẫn khi lựa chọn người đại diện cho mình. Các luật gia cũng có lý khi cho rằng kết quả bầu cử có thể khác đi nếu như bà Yến khai rõ tiểu sử bản thân.

Việc bà Yến khai tiểu sử không trung thực còn dễ hiểu. Khó lý giải nhất là một việc như vậy lại có thể qua mặt được một loạt cơ quan có trách nhiệm trong việc thẩm tra lý lịch ứng cử viên và thẩm tra tư cách đại biểu. Đây đúng là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

Một ứng cử viên đại biểu Quốc hội bao giờ cũng phải đi qua nhiều bước tìm hiểu, từ nhân thân, gia đình cho đến lối sống, đạo đức tác phong, quan hệ xã hội, thái độ chính trị. Để tìm hiểu những vấn đề này có hàng loạt cơ quan, đơn vị được tham gia và phải tham gia. Quy trình lựa chọn ứng cử viên cũng được thực hiện rất chặt chẽ, bao gồm việc thông qua đơn vị công tác, tổ dân phố... rồi sau đó là mấy vòng hiệp thương. Thế nhưng bà Yến đều vượt qua tất cả, không ai làm rõ những “khoảng trống”, những chi tiết đáng ngờ trong bản khai lý lịch của bà.

Tỉnh ủy Long An đã có văn bản giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, đồng thời thừa nhận Ủy ban bầu cử của tỉnh có sai sót trong quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ bà Yến. Có thể nói sai sót như vậy là khó chấp nhận, bởi sai sót này diễn ra trong cả một quá trình lựa chọn ứng cử viên, có liên quan đến đơn vị giới thiệu, rồi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ủy ban bầu cử địa phương và cả cơ quan có chức năng thẩm tra cũng như quản lý lý lịch công dân. Phải hiểu thế nào về hàng loạt sai sót này?

Điều đáng nói là khi có thư kiến nghị về việc bà Yến khai lý lịch không trung thực, theo lời Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hồi cuối tháng 11-2011, kết quả xác minh cho thấy “cơ bản không có vấn đề gì”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh bà Yến không bị khởi tố trong vụ án làm lộ bí mật quốc gia, chưa có tài liệu thể hiện bà Yến có hành vi trốn ra nước ngoài hoặc tham gia đường dây chuyển tiền ra nước ngoài. Ông Nguyễn Hạnh Phúc còn nói bà Yến bị cấm xuất cảnh hai năm, bản án ly hôn của bà Yến có vấn đề không đúng luật định. Từ tất cả những vấn đề như vậy, đủ để đặt ra yêu cầu phải xem xét toàn diện về nhân thân của bà Yến, nếu chỉ đơn thuần xem xét theo các nội dung nêu trong đơn thư kiến nghị là quá cứng nhắc, chưa đầy đủ.

Báo Cựu Chiến Binh và báo Người Cao Tuổi là hai tờ báo đầu tiên “phát pháo” về chuyện bà Yến. Họ đúng là những “ông già gân”. Đi tìm sự thật về một nhân vật như bà Yến không phải là chuyện dễ dàng. Có thể phải đương đầu với nhiều cản trở, đối mặt với sự im lặng đáng sợ, sự tránh né, thậm chí có thể là những áp lực khó lường.

Xin ngả mũ kính phục những ông già không chịu ngồi nhà “kể chuyện Nguyên Phong”, không chịu sống âm thầm với quá khứ vinh quang. Xin ngả mũ kính phục những ông già vẫn vững bước dấn thân trên đường đời.

 LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên