23/02/2018 10:49 GMT+7

Sai phạm đủ kiểu trong lát đá vỉa hè Hà Nội

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Nhiều tuyến đường lát đá với kích thước chủng loại không đồng nhất, chất lượng giá thành khác nhau, có nơi vội lát vỉa hè khi chưa hạ ngầm dây điện, cáp điện thoại.

Sai phạm đủ kiểu trong lát đá vỉa hè Hà Nội - Ảnh 1.

Các dự án lát đá vỉa hè trên các quận của Hà Nội đều dính sai phạm - Ảnh: LÂM HOÀI

Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, các dự án lát lại đá vỉa hè trên địa bàn "dính" hàng loạt sai phạm.

Không đồng nhất mẫu, chủng loại đá

Hướng dẫn không đồng nhất và rõ ràng trong "Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội" dẫn đến thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bêtông lót nền hè không thống nhất. 

Cụ thể, có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bêtông lót nền hè. 

Ngoài ra, tại một số dự án, đá lát hè được lát sát nhau và do đá có chiều dày khoảng 3cm nên dẫn tới hồ ximăng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng tới chất lượng hè lát đá.

Thanh tra TP xác định trách nhiệm trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) và Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu).

Phòng Quản lý xây dựng cũng bị truy trách nhiệm về việc thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá và việc bảo trì mặt hè sau khi lát đá. Ngoài ra các đơn vị thi công khác nhau dẫn tới chất lượng công trình không được đảm bảo.

Về trách nhiệm của các quận, thanh tra xác định các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND TP về chủ trương lát đá bằng đá tự nhiên, cụ thể: Chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát đá hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm. 

Ngoài ra, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực.

"Trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp là thuộc trưởng phòng quản lý đô thị, bên cạnh đó có trách nhiệm của phó chủ tịch phụ trách khối và chủ tịch UBND các quận trên trong công tác chỉ đạo", kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra TP cũng xác định hàng loạt dự án chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè. 

Cụ thể, tại quận Ba Đình có 3 dự án (cải tạo hè phố Nguyễn Trường Tộ, phố Nguyễn Khắc Nhu- Hàng Bún, phố Đội Cấn). Tại quận Hà Đông, các tuyến Ngô Thì Nhậm, N3, K3 cũng lát đá khi chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin.

Việc làm trên là không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP về thi công lát đá hè chỉ sau khi đã chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và hạ ngầm các đường dây.

Lát đá vỉa hè Hà Nội, có "con ông cháu cha" thò tay trục lợi Lát đá vỉa hè Hà Nội, có 'con ông cháu cha' thò tay trục lợi

TTO - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định có tiêu cực như vậy trong việc đồng loạt lát đá lại các vỉa hè của Hà Nội trong thời gian qua.

Tự ý lát nhiều tuyến

Riêng tại quận Hà Đông, dự án đầu tư cải tạo nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A không nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013-2015 là không thực hiện đúng chỉ đạo của TP.

Ngoài ra, TP chỉ chấp thuận cho lát đá hè 2 tuyến quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang - Ba La) và đường Bà Triệu nhưng quận này lại tiến hành lát đá cho tất cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp quốc lộ 6A, như các tuyến: Chu Văn An, Ngô Thị Nhậm, K3, N3, Phùng Hưng, Nguyễn Khuyến.

Việc này "không báo cáo xin ý kiến của UBND TP là không đúng", kết luận nêu rõ.

Chịu trách nhiệm trước việc này là trưởng phòng Tài chính - kế hoạch và các phó chủ tịch phụ trách khối và chủ tịch UBND quận Hà Đông giai đoạn 2014-2015.

Cũng tại quận Hà Đông, tại 4 khu hạ tầng kỹ thuật thuộc phường Kiến Hưng, Phú Lương, dù các hộ dân chưa xây dựng nhà nhưng quận này đã cho lát đá tại đường nội bộ. Trách nhiệm thuộc về giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận.

Tình trạng tương tự xảy ra tại quận Long Biên khi quận này chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến phố hè phố chưa ổn định, không phải phố cổ hoặc trung tâm quận. 

Cụ thể tại quận này có hai dự án, gồm: Xây dựng tuyến đường 25m từ đê sông Đuống đến tuyến đường quy hoạch mắt cắt ngang 40m (phường Ngọc Thụy) và dự án xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì (phường Thạch Bàn, Cự Khối).  

Sai phạm đủ kiểu trong lát đá vỉa hè Hà Nội - Ảnh 3.

Chất lượng, giá thành đá tại các dự án không đồng nhất - Ảnh: LÂM HOÀI

Giá mỗi nơi một kiểu

Thanh tra TP cũng xác định giá đá áp dụng trong các dự án chưa thống nhất "có nơi tính cao, có nơi tính thấp". 

Ví dụ cùng loại đá kích thước 40x40x4cm nhưng ở quận Nam Từ Liêm là từ 270-300 nghìn đồng/m2, trong khi tại quận Hà Đông lên tận 410 nghìn đồng/m2. Còn tại quận Hoàn Kiếm, đá kích thước 40x40x5cm có giá lên tới 550 nghìn đồng/m2.

Ngoài ra, đơn giá nhân công, đơn giá máy trong dự toán các dự án tại các quận Long Biên, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… cũng khác nhau, chênh lệch từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/m2.

Về việc này, thanh tra xác định trách nhiệm thuộc các đơn vị thẩm định dự án, như Phòng quản lý đô thị, Ban quản lý dự án các quận, phòng Quản lý xây dựng của Sở Xây dựng và người đứng đầu các đơn vị này.

Ngoài giá thành, qua kiểm định của Bộ Xây dựng còn cho thấy chiều dày, chất lượng các lớp kết cấu đá lát, vữa lót, bê tông nền tại một số dự án còn chưa đảm bảo.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ vi phạm trong đấu thầu các dự án khi hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sở dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá. 

Vi phạm này xảy ra tại 35 dự án tại 8 quận, trách nhiệm thuộc về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các quận và các đơn vị thi công, tư vấn giám sát.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên