17/01/2016 20:07 GMT+7

Sài Gòn bao nhớ: bàn tay hào hiệp cho dân nhập cư

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - “Bản thân tôi mang ơn Sài Gòn. Sài Gòn không cô lập dân nhập cư, những người đến với Sài Gòn đều cảm nhận được bàn tay hào hiệp đưa ra”, Đàm Hà Phú - tác giả "Sài Gòn bao nhớ" tâm sự.

Tác giả Đàm Hà Phú tặng chữ ký cho bạn đọc tại buổi giao lưu - Ảnh: L.Điền
Tác giả Đàm Hà Phú (bìa phải) tặng chữ ký cho bạn đọc tại buổi giao lưu - Ảnh: L.Điền

Công ty Nhã Nam tổ chức cuộc giao lưu giữa tác giả Đàm Hà Phú với bạn đọc vào sáng 17-1 tại Đường sách TP.HCM xoay quanh quyển "Sài Gòn bao nhớ" vừa ấn hành. 

Với sự tham gia dẫn chuyện của MC Trác Thúy Miêu, tác giả Đàm Hà Phú nói về Sài Gòn qua những câu chuyện của anh.

Không như những nhà khảo cứu tiếp cận Sài Gòn qua những phương tiện và thao tác khoa học, Đàm Hà Phú trải lòng ra với Sài Gòn trong các bài viết của anh, từ quyển Chuyện nhỏ Sài Gòn (ấn hành năm 2013) đến Sài Gòn bao nhớ.Và bởi trải lòng nên Đàm Hà Phú không thiếu tự tin, anh bảo thật ra anh gắn bó với Sài Gòn từ khi chưa đặt chân đến mảnh đất này. Từ quê nhà ở Nam Trung bộ, anh biết đến Sài Gòn qua… nhạc boléro.

“Sài Gòn hiện diện qua dòng nhạc này thật khó nói, nhưng nó tạo cho tôi cảm giác rằng chắc chắn mình sẽ tìm thấy hạnh phúc ở nơi này”.

Tác giả Đàm Hà Phú giao lưu tại Đường sách TPHCM - Ảnh: L.Điền
Tác giả Đàm Hà Phú giao lưu tại Đường sách TPHCM - Ảnh: L.Điền

Ấy vậy nhưng khi được hỏi về cảm giác của lần đầu tiên “diện kiến” Sài Gòn, Đàm Hà Phú cho biết trong anh lại là sự thất vọng. Thế nhưng rồi qua những tháng ngày gắn bó, anh hiểu Sài Gòn hơn và dần dần nhận ra mảnh đất này là một thỏi nam châm khổng lồ với từ tính lớn cuốn hút rất nhiều thứ vào đây. 

Và sau nhiều trải nghiệm, Đàm Hà Phú cho rằng Sài Gòn ngoài sự thoải mái và những cơ hội cho người nhập cư đến sống, còn có khả năng đưa tay ra nâng đỡ những phận người.

“Bản thân tôi mang ơn Sài Gòn. Sài Gòn không cô lập dân nhập cư, những người đến với Sài Gòn đều cảm nhận được bàn tay hào hiệp đưa ra”, anh tâm sự.

Phải sống như thế nào ở chiều sâu cảm xúc và bề rộng của giao tiếp và hiểu biết mới tự nhận mình mang ơn vùng đất ấy.

Ở đây, bằng một gợi ý khéo léo từ Trác Thúy Miêu, rằng "đã bao giờ Sài Gòn đánh anh đau chưa", hóa ra vấn đề này lại được khá nhiều bạn đọc tại buổi giao lưu đồng cảm.

Không thừa nhận bị “đánh đau”, Đàm Hà Phú cho rằng Sài Gòn chỉ đặt ra cho anh những thử thách nho nhỏ.

“Mình như từ một dòng suối nhỏ chảy vào dòng sông lớn cuồn cuộn là Sài Gòn, ở đó có những thử thách và không ít nguy hiểm. Nhưng rồi khi hòa vào dòng chảy, mình sẽ cảm nhận được những đáng yêu khi trưởng thành hơn”.

Cho dù cả tác giả và bạn đọc đều có thừa cảm tình với Sài Gòn, nhưng một buổi giao lưu “giữa đường” như vậy không có cơ hội thiên vị.

Rất đông bạn đọc ghé lại là góp tiếng nói về một Sài Gòn còn nhiều lắm những bất toàn. Có cả những đáng ghét, và qua nhiều chặng đường lịch sử, người Sài Gòn cũng bị ngược đãi chứ, trí thức ra vỉa hè cũng có, và những người không yêu Sài Gòn, chỉ xem Sài Gòn là đối tác gắn bó ngày một nhiều ở thành phố này…

Thì cũng có sao đâu. Sài Gòn vẫn hiện diện trong mỗi người với tất cả những cung bậc được “lên dây” bởi chính người đang sống ở đây. Nói như Đàm Hà Phú, "chúng ta cũng tham gia vào việc tạo ra sự xô bồ cho Sài Gòn kia mà".

*An yên uống cà phê Sài Gòn

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên