Trong đô thị ngày càng chật chội, nhiều lúc như thể bị vây khốn bởi những đổi thay chóng mặt, những mất mát hữu hình và vô hình, Thùy Linh và Gia Hòa đã vãn hồi chút niềm "trinh bạch" xưa cũ cho Sài Gòn bằng những điều bình dị.
Những điều bình dị nhỏ bé tưởng chừng có thể bắt gặp khắp đâu trên hành tinh này, dẫu sao, vẫn mang một phong vị rất riêng chỉ Sài Gòn mới có.
Không phải ngẫu nhiên mà người viết đặt hai tác phẩm này cạnh nhau.
Dù khác biệt về giọng văn giữa một Trương Gia Hòa gốc Tây Ninh và Trần Thùy Linh sinh ở Hà Nội, dù nhãn quan mỗi người nhìn đất Sài Gòn mỗi khác, nhưng cả hai đã thấy, đã cảm được cái mạch sống tiềm tàng giữa lòng đô thị đầy huyên náo này.
Mỗi mùa đi qua, mỗi sắc lá, mỗi tia nắng hạt mưa đều dễ gây thành chuyện.
Từ chuyện trong nhà đến chuyện ngoài phố. Tất cả đều dựng lên được một miền nhớ thương, một ý mến yêu, rất lạ và rất yên như thể nắng mưa đi qua thành phố này, tưởng chừng vô tình mà xao xuyến lạ.
Nữ tính trong tác phẩm khiến cho Sài Gòn dù xuất hiện ở cái vẻ đài các hay xù xì góc cạnh của nó, vẫn hiện lên một cách bao dung, hòa ái.
Đặt hai tác phẩm này vào loạt sách cùng thể tài sẽ thấy rõ sự vận động, sự đổi khác của Sài Gòn qua từng năm tháng.
Bởi, nếu được xuất bản hơn một năm trước, chắc hẳn tản văn Ở đường sách, bước chậm trong nẻo lạc đã không thể xuất hiện trong tác phẩm Sài Gòn thềm xưa nắng rụng của Trương Gia Hòa.
Chu trình "Sài Gòn hóa" diễn ra một cách tự nguyện, chầm chậm, bình dị, như một kiểu yêu đương rất đặc trưng của cái xứ sở này.
Không vồ vập, không hối hả, như mưa dầm thấm lâu, như nắng nhẹ rồi cũng bốc hơi những thứ ẩm mốc trong tâm hồn. Trương Gia Hòa và Trần Thùy Linh đã trải qua chu trình đó, từ e ấp, đến say nắng, rồi đón nhận như một mối tình - một mối tình muôn thuở, một mối tình không kết được quả hôn nhân nhưng trở thành niềm an ủi cho nhau suốt cuộc đời còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận