06/04/2021 09:59 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Làm phước cũng phải có tâm

HỒ THỊ LINH XUÂN
HỒ THỊ LINH XUÂN

TTO - "Cảm ơn cô nhiều dữ lắm nghen. Đồ nào cô cho là khỏi động vô nữa, cứ thế mang đến vựa người ta cân liền. Nhiêu đây chứ bằng tui đi lượm cả ngày lẫn tối, chừng hổng được" - chú lượm đồng nát vừa lau mồ hôi vừa rối rít cảm ơn.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Làm phước cũng phải có tâm - Ảnh 1.

Xe ba gác chở rau củ quả đầy màu sắc đi bán buổi sáng khắp các ngả đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi đã nghe nhiều về TP.HCM trước cả khi chạm ngõ thành phố này. "Đó là chốn chật chội, khói bụi, kẹt xe...", theo lời N., cậu bạn tôi, người mỗi ngày phải đi loanh quanh khu vực Cách Mạng Tháng Tám - Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh và luôn tiếc đã không mang sách theo đọc trong lúc chờ dòng người nhích từng chút giữa giờ cao điểm.

"Làm phước thì làm phước, mình cũng phải có cái tâm coi sao cho nó được nhen em. Thi ơn chứ cũng có nhiều kiểu. Của cho không bằng cách cho mà!

"Là vùng đất mà mỗi đợt triều cường, người ta chỉ thèm có xuồng ghe như dưới mình đi cho khỏe", như một kiểu phàn nàn của người anh họ khi vào tầm tháng 11, anh cho xe lội nước từ chỗ làm về nhà chừng 8km mà mất hơn hai tiếng đồng hồ.

Đó còn là "Một thành phố nhộn nhịp, tân thời và đi cùng đó là tệ nạn búa xua: hơ hớ ra là mất tiền, mất điện thoại, mất xe", mà cô bạn thời phổ thông của tôi hồi mới lên đất này, vừa từ phòng trọ bước ra đường đã bị giật túi xách, chia sẻ.

Nhưng ngay cả khi người ta hằn học và trong lời nói có vẻ ghét cay ghét đắng nơi mình đang sinh sống và lập nghiệp thì vẫn không ai có ý định rời bỏ thành phố lạ lùng này.

Ủa kỳ? Có lẽ bởi ở Sài Gòn người ta làm phước cũng có tâm.

Năm 2014, tôi lên Sài Gòn, làm sales cho một công ty dịch vụ ở quận Bình Tân. Chiều đó, tôi có cuộc hẹn với hộ kinh doanh gần khu chợ Đệm.

Khi tôi đến, giới thiệu bản thân sơ lược, cô chủ độ trung tuần tuổi niềm nở: "À, nhớ em rồi. Em vô mát ngồi đợi chút xíu nghen". Nói với tôi xong, cô chủ hàng tạp hóa tiếp tục xăng xái, lúi húi ngoài trước cùng chú mua ve chai, dép đứt, mủ bể.

Cô chủ chuyền những thùng cactông cũ đã được mình xếp gọn và bó chặt cho người đàn ông nọ chất lên chiếc xe đẩy tự chế. Xong cô túm bao nilông đựng lỉnh kỉnh vỏ lon bia, chai nhựa đã được chắt hết nước thừa và phân loại sẵn, thêm cái cân hư, mấy món bán được mà cô lựa lọc xong, khênh hết lên chiếc xe thồ.

"Cảm ơn cô nhiều dữ lắm nghen. Đồ nào cô cho là khỏi động vô nữa, cứ thế mang đến vựa người ta cân liền. Nhiêu đây chứ bằng tui đi lượm cả ngày lẫn tối, chừng hổng được" - chú lượm đồng nát vừa lau mồ hôi vừa rối rít cảm ơn.

Cô chủ hàng tạp hóa xua tay: "Có gì đâu anh hai, mấy lúc giãn khách em gom gọn lại cho anh đỡ cực; nhiêu sức đâu mà anh cảm ơn hoài". Chú mua ve chai cười toe, xô hết những nếp nhăn trên gương mặt người đàn ông tuổi trên dưới 60; nụ cười khiến tôi ngầm hiểu đây không phải lần đầu chú được cô hàng cho ve chai bằng cái cách trân trọng như vậy.

"Em có khách, anh hai đi sớm lên vựa còn về ăn cơm, chị nhà chờ. Quên, em có chai dầu gió, thằng cháu đi du lịch về biếu tới mấy chai lận. Anh cầm về một chai cho chỉ để đêm hôm nhức đầu sổ mũi có xài". Người đàn ông chưa kịp nói thêm một tiếng cảm ơn thì cô chủ đã quay vào trong, đon đả rót nước mời khách khi nãy giờ để tôi chờ đợi.

Ngoài đường, bóng chú mua ve chai liêu xiêu đi dưới nắng chiều đã dịu. Tôi mường tượng bữa nay chú sẽ được về rất sớm, cùng ăn một bữa cơm ấm nóng với người vợ ở nhà. Người đàn bà là vợ chú chắc sẽ rất vui khi chồng mang về cho chai dầu gió.

Khi cô hàng bưng nước ra, tôi bảo: "Chị tử tế quá!".

Cô hàng lại xua tay: "Làm phước em ơi! Của mình bỏ có khi lại là nguồn sống của người khác hổng chừng".

Rồi cô kể như đang nói chuyện với một người bạn: "Tội nghiệp, ảnh chỉ dưới miền Tây lên, có mấy đứa con mà đứa nào cũng nghèo, lưu lạc. Chỉ bị đau khớp, ở nhà cơm nước. Ảnh vừa mua vừa lượm ve chai, hai ba ngày mới cân một bữa, được hai ba trăm là nhiều. Chị bán tạp hóa, mỗi đợt bổ hàng thùng giấy nhiều lắm.

Chị gom hết bó gọn lại. Nhà có lon nước ngọt hay đồ nào bán vụn được chị cũng để dành. Tuần ảnh qua lấy một lần, nhiêu vậy chứ ảnh mừng lắm. Làm phước thì làm phước, mình cũng phải có cái tâm coi sao cho nó được nhen em. Thi ơn chứ cũng có nhiều kiểu. Của cho không bằng cách cho mà".

"Làm phước cũng phải có tâm". Câu nói này của cô hàng cứ đi mãi theo tôi suốt những năm tháng sau này, giúp tôi trả lời câu hỏi ban đầu vì sao người ta coi bộ hổng ưa gì Sài Gòn mà vẫn neo đậu đất này năm năm, mười năm, thậm chí một đời, ngộ thiệt.

Thì ra có một TP.HCM đông đúc nhưng vẫn len lỏi tồn tại những con người sống đẹp, nhân hậu và độ lượng. Họ tử tế từ cái cách họ cho đi. Họ tôn trọng từng mảnh đời còn bận bịu với đói no ấm lạnh.

Để rồi mỗi một người khi đến và lập thân trên đất này sẽ có riêng những trải nghiệm để mà nghĩ, mà thương, mà xí xóa cho những ngột ngạt, chen chúc, cướp bóc, lọc lừa. Và tôi tin rằng: Bất kỳ nơi nào giữa người với người còn biết dùng cái tâm mà thương nhau hẳn đều là nơi đáng để sống.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Làm phước cũng phải có tâm - Ảnh 3.
Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Tôi trách Sài Gòn Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Tôi trách Sài Gòn

TTO - Đó là một chuyến bay đêm, tôi vẫn nhớ rõ cái khoảnh khắc nhìn thành phố từ trên cao xuống, lung linh và xinh đẹp quá đỗi. Trong tâm trí tôi, bất chợt lóe lên một câu chào Sài Gòn: "Hay là không về nữa nhỉ?".

HỒ THỊ LINH XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên