02/04/2021 13:38 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Nhớ người thầy hào sảng, tận tâm

MẠNH HÙNG
MẠNH HÙNG

TTO - Cho đến tận bây giờ, tôi luôn biết ơn và cảm thấy may mắn khi được một người thầy đất Sài Gòn truyền dạy cho tri thức cũng như biết bao điều hay lẽ phải ở đời để làm hành trang vững bước trong cuộc sống hôm nay.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Nhớ người thầy hào sảng, tận tâm - Ảnh 1.

Ông Phan Lạc Tuyên làm phim tài liệu cùng TFS năm 2010 - Ảnh: TFS

Đã qua hơn nửa đời người, học qua nhiều trường, nhiều lớp, nhưng trong số những "người lái đò", tôi luôn nhớ đến tiến sĩ Phan Lạc Tuyên, một học giả nổi tiếng về dân tộc học, tôn giáo học - một người thầy ở TP.HCM đã để lại cho thế hệ sinh viên chúng tôi bao niềm cảm phục về tài năng, đức độ, nhân cách và lòng say mê nghiên cứu khoa học.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, tiến sĩ Phan Lạc Tuyên công tác tại Viện Khoa học xã hội TP.HCM, thường được Trường đại học Tổng hợp TP.HCM lúc bấy giờ mời sang giảng các chuyên đề về dân tộc học cho sinh viên khoa sử chúng tôi.

Khi có lịch sắp xếp thầy Tuyên sang dạy, chúng tôi đã nghe các anh chị khóa trước kháo nhau là ông dạy giỏi và hay lắm, nên ai nấy đều rất háo hức chờ đón và cứ nghĩ với học vị tiến sĩ chắc là ông phải "oách" lắm đây.

Vào đầu giờ học buổi chiều hôm đó, sinh viên lớp sử chúng tôi đứng ngoài hành lang ngóng xem thầy Tuyên đi xe gì tới và tướng mạo ra sao. Một lúc thì có người kêu lên: "Thầy Tuyên kia kìa!". 

Chúng tôi đổ dồn nhìn ra hướng cổng trường thì thấy một người đàn ông đã lớn tuổi, mặc bộ đồ vest, thắt cà vạt, đội chiếc mũ phớt rất đàng hoàng, nhưng lại đang dắt một chiếc xe đạp cà tàng đi vào, mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên mặt.

Sau này, chúng tôi mới biết là nhà ông ở tận Bà Quẹo, cách trường hơn 10km, nhưng hằng ngày đi làm hay đi dạy, ông đều đạp chiếc xe cọc cạch đó. Vậy mà lúc nào ông cũng ăn mặc rất chỉn chu và hầu như không có buổi nào vắng mặt, nhiều hôm còn đến lớp sớm hơn cả cánh sinh viên.

Tuy nhiên, điều để lại cho thế hệ sinh viên chúng tôi ấn tượng, khâm phục hơn cả là học vấn uyên thâm, tấm lòng đức độ, bao dung, niềm say mê nghiên cứu khoa học của ông. Mỗi khi có giờ giảng của ông là chúng tôi đều đến lớp rất đầy đủ và ngồi im phăng phắc nghe như nuốt từng lời. 

Giờ nghỉ giải lao, ông lại ra hành lang hút thuốc, chuyện trò, hỏi han chúng tôi về quê hương, hoàn cảnh cuộc sống hiện tại như một người cha hết sức ân cần. Biết tôi là sinh viên từ Đắk Lắk xuống học, ông bảo ở Tây Nguyên có nhiều dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa rất độc đáo, nếu sau này ra trường mà về công tác, nghiên cứu sâu về các tộc người thì hay lắm.

Ông đã từng đi rất nhiều nước để nghiên cứu, học tập, giảng dạy, có nhiều điều kiện có thể "cải thiện" cuộc sống. Nhưng mỗi lần về nước thì cái mà ông mua nhiều nhất lại là sách, đủ loại, chất cả mấy rương, ai nhìn vào cứ tưởng ông đem của cải, tài sản về nhiều lắm. 

Ông bảo, là người nghiên cứu khoa học thì thứ quý giá nhất trên đời là sách và kiến thức, còn tất cả của cải chỉ là thứ phù du, nếu ông ham thì có lẽ bây giờ giàu lắm rồi, chứ không phải ngày ngày đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch.

Ông còn thường khuyên chúng tôi, cứ nỗ lực cố gắng học tập, sau này ra trường dù ở bất cứ lĩnh vực, công việc gì thì trước hết là phải làm người cho thật tốt, giữ gìn đạo đức trong sáng, đừng tham lam, đòi hỏi quá nhiều ở cuộc sống.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Nhớ người thầy hào sảng, tận tâm - Ảnh 2.

Ông Phan Lạc Tuyên làm phim tài liệu cùng TFS năm 2010 - Ảnh: TFS

Có lần, khoa sử tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào ngày nghỉ và mời thầy Tuyên đến thuyết trình về chủ đề: "Kẻ sĩ xưa và nay". Hôm đó, giảng đường không còn một chỗ trống, sinh viên chúng tôi ai nấy đều ngồi lặng phắc khi nghe ông giảng về cái đạo làm người của kẻ sĩ đích thực. 

Đó là dù xưa hay nay, đã mang danh kẻ sĩ - người trí thức thì cần phải sống có nghĩa khí, biết "trọng nghĩa khinh tài", phải giữ "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" ở đời. Cuối buổi, ban tổ chức có đưa một "phong bì" gọi là thù lao buổi nói chuyện, nhưng ông liền gạt phắt: "Tôi nói mà có đông sinh viên đến nghe như vậy là vui lắm rồi. Kẻ sĩ mà, sao lại nói đến chuyện tiền bạc ở đây!".

Gần một năm học các chuyên đề của thầy Tuyên, quả thật chúng tôi được trưởng thành lên rất nhiều, từ kiến thức, suy nghĩ về cuộc sống, hoài bão cho đến sự hiểu biết về nhân tình thế thái, đối nhân xử thế ở đời. 

Nhân cách, sự hào sảng, tận tâm với công việc, với học trò của thầy Tuyên có lẽ cũng bắt nguồn từ cốt cách, bao dung độ lượng, vị tha, không màng danh lợi, sẵn sàng giúp đỡ người khác của bao thế hệ người dân Sài Gòn - TP.HCM xưa và nay.

Vào tháng 11-2011, thầy Tuyên đã ra đi lặng lẽ, về với "cõi người hiền", hưởng thọ 84 tuổi. Cho đến tận bây giờ, tôi luôn biết ơn và cảm thấy may mắn khi được một người thầy đất Sài Gòn truyền dạy cho tri thức cũng như biết bao điều hay lẽ phải ở đời để làm hành trang vững bước trong cuộc sống hôm nay.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Nhớ người thầy hào sảng, tận tâm - Ảnh 3.
Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: 'Chịu chơi bán thiếu'

TTO - Cái thời đói khổ nhất không phải là thời đi mót khoai, mót bắp hay ngày ngày lội rạch lội sông đi bắt con tôm con cá, mà là quãng thời gian tôi khăn gói từ dưới quê lên TP.HCM học đại học.

MẠNH HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên